Vì sao nhiều trường đại học phía Nam bỏ phương án xét tuyển bằng học bạ?
Năm 2025, nhiều trường đại học lớn khu vực phía Nam thông báo bỏ phương án xét tuyển bằng kết quả học tập (học bạ) bậc THPT, vì sao?.
Bỏ hoặc giảm bớt chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét học bạ
Năm tới, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) dự kiến bỏ phương án xét tuyển học bạ 3 học kỳ, giữ phương thức xét tuyển học bạ theo tổ hợp 3 môn năm lớp 12.
ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm truyền thông trường này cho biết, năm nay, HUTECH sẽ bổ sung phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào đại học V-SAT để xét tuyển. Theo đó, Nhà trường dự kiến xét tuyển theo 4 phương thức gồm: Xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025; Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12 (Tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên); Xét tuyển kết quả kỳ thi Đánh giá đầu vào đại học VSAT 2025 và Xét tuyển kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực 2025 của ĐHQG TPHCM.
“HUTECH điều chỉnh không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ theo 3 học kỳ mà chỉ sử dụng phương thức xét tuyển học bạ theo tổ hợp 3 môn năm lớp 12 nhằm đảm bảo quy định trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học mà Bộ GD&ĐT vừa công bố. Trong đó có quy định xét tuyển bằng học bạ THPT phải có kết quả học kỳ II lớp 12 để các trường đánh giá đầy đủ kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở bậc phổ thông, đồng thời khuyến khích các em tập trung hoàn tất và đạt kết quả tốt nhất trong năm học cuối cấp” - bà Dung nói.
Hàng loạt trường đại học khác ở TPHCM cũng thông tin về việc bỏ hoặc giảm bớt chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét học bạ.
Chẳng hạn, Trường Đại học Sư phạm TPHCM thông báo không dùng điểm học bạ trong các phương thức xét tuyển từ năm 2025. Thay vào đó, trường sử dụng các phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT (10% chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10-20% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, dự kiến áp dụng cho khoảng hơn 30 ngành (40-50% chỉ tiêu mỗi ngành).
Với phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trường dành 20%-40% chỉ tiêu cho các ngành có sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc 70- 80% cho các ngành còn lại.
Từ năm 2025 Đại học Quốc gia TPHCM cũng xác định giảm còn 3 phương thức tuyển sinh đại học, gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT.
Với quyết định này, các trường thuộc Đại học Quốc gia TPHCM tiến tới bỏ phương thức ưu tiên xét tuyển học bạ của học sinh tại hơn 100 trường THPT trên toàn quốc (theo danh sách cập nhật hàng năm) nhằm đảm bảo công bằng và giúp thí sinh đỡ bị rối.
Trường ĐH Công thương TPHCM cũng giảm chỉ tiêu tuyển sinh ở phương thức xét điểm học bạ lớp 10, 11 và học kỳ I của lớp 12 xuống chỉ còn 15%-20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2025. Trường cũng xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT với tỷ lệ 50%-60% tổng chỉ tiêu, tương đương với năm 2024.
Vì sao các trường "quay lưng" với xét tuyển bằng học bạ?
Giải thích lý do nhiều trường đại học bỏ sử dụng điểm học bạ trong xét tuyển từ năm 2025, theo các chuyên gia, việc sử dụng điểm học bạ trong tuyển sinh theo đánh giá từ Bộ GD&ĐT là phương thức chưa bảo đảm chất lượng. Chưa kể, thực tế ở nhiều trường những năm gần đây đã có tình trạng "làm đẹp" điểm học bạ khi các trường đại học tăng chỉ tiêu cho xét điểm học bạ.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng cách đánh giá học bạ hiện nay cũng không có sự đồng nhất giữa các trường, giữa các địa phương nên chưa bảo đảm công bằng cho thí sinh ở các phương thức.
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Công thương TPHCM cho rằng, nhiều trường đại học công lập "quay lưng" với xét học bạ là do điểm học bạ giữa các trường THPT có sự chênh lệch đáng kể, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá chính xác năng lực thí sinh. Sử dụng học bạ làm tiêu chí xét tuyển có thể gây ra sự thiếu công bằng giữa các thí sinh.
"Năm ngoái Trường sử dụng phương thức xét tuyển học bạ tới 30% chỉ tiêu nhưng năm nay chúng tôi sẽ chỉ xét tối đa 20%. Nguyên nhân là do chúng tôi nghi ngờ một số trường tư thục có khả năng gian lận hoặc làm đẹp điểm số, ảnh hưởng đến tính minh bạch và mất công bằng trong tuyển sinh" - ông Sơn nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, việc xét tuyển bằng học bạ cũng khiến học sinh chủ quan, chểnh mảng trong học tập và ôn thi tốt nghiệp THPT, ảnh hưởng đến chất lượng. Do vậy nhiều trường đại học đã chuyển sang các phương thức xét tuyển khác như sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hoặc kết hợp nhiều tiêu chí để đảm bảo chất lượng trong tuyển sinh.
ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) thì đánh giá, mỗi phương thức xét tuyển được các trường đại học đưa ra đều dựa trên một số tiêu chí nhất định để đảm bảo 2 yếu tố: Thứ nhất là đảm bảo chất lượng đầu vào, thứ hai là đảm bảo quyền lợi và cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
"Bên cạnh xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, các phương thức khác như xét tuyển học bạ, xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng,… đều có những ưu điểm nhất định như tăng thêm cơ hội trúng tuyển đại học, giảm áp lực đáng kể cho thí sinh trước kỳ thi tốt nghiệp,… Tuy nhiên, để đảm bảo được sự công bằng cho các thí sinh, tất nhiên đòi hỏi các trường cần đưa ra những tiêu chí xét tuyển phù hợp, xác đáng đối với từng phương thức" - bà Dung thông tin.