Vì sao nhiều trường đại học 'quay lưng' với xét tuyển bằng học bạ?
Từ mùa tuyển sinh năm 2025, nhiều trường đại học, đặc biệt là những trường tốp trên sẽ bỏ hoặc giảm tỷ lệ xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông (THPT). Như vậy, sẽ chỉ còn 2 phương thức xét tuyển chính là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực.
Việc từ chối xét tuyển đại học bằng học bạ THPT sẽ khiến cho cuộc đua vào đại học ở những trường tốp trên trở nên gay gắt hơn. Thí sinh muốn bước chân vào những trường đại học này phải có năng lực học tập thực chất thông qua con đường thi cử công bằng.
Trường tốp trên ưu tiên điểm thi
Từ năm 2024 trở về trước, có 149 trường THPT tốp đầu cả nước thường được các trường đại học xét tuyển bằng học bạ theo hình thức ưu tiên. Tại Đồng Nai, có một số trường thường được các trường đại học ưu tiên xét tuyển bằng học bạ, như Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Trấn Biên, Ngô Quyền (thành phố Biên Hòa), Long Khánh (thành phố Long Khánh)…
Tuy nhiên, từ mùa tuyển sinh năm 2025 thí sinh muốn trúng tuyển vào các trường đại học tốp trên như các trường thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh… không còn cơ hội xét tuyển bằng học bạ do các trường đã thông báo dừng phương thức xét tuyển này. Như vậy, về cơ bản chỉ còn phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả thi đánh giá năng lực. Điều này đồng nghĩa với áp lực từ học tập đến thi cử sẽ tăng lên, cơ hội trúng tuyển sẽ giảm đi nếu thí sinh không có năng lực học tập thực chất. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ học sinh phải xác định được trường đại học dự kiến sẽ đăng ký xét tuyển để có động cơ học tập nghiêm túc hơn.
Nhiều trường đại học tại Đồng Nai giữ xét tuyển học bạ
Theo nhiều trường đại học tại Đồng Nai, dự kiến các trường sẽ tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT là một trong số các phương thức xét tuyển chính. Một trong những nguyên nhân là phân khúc thí sinh đổ về xét tuyển ở các trường tại Đồng Nai khác với các trường ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Em Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Trấn Biên cho hay, từ lớp 10 cho đến lớp 11 em đều cố gắng học tập và có thành tích học bạ khá, giỏi ở 3 môn tổ hợp xét tuyển khối A là Toán, Lý, Hóa, hay khối B là Toán, Hóa, Sinh. “Em đang nỗ lực học tập để năm học lớp 12 này cũng có được thành tích tương tự 2 năm đầu. Tuy nhiên, em lại hơi tiếc vì Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo sẽ dừng xét tuyển bằng học bạ. Với thực tế này em sẽ phải tăng tốc học chuyên sâu hơn để chứng minh được năng lực qua kết quả kỳ thi tốt nghiệp hoặc thi đánh giá năng lực” - Minh Anh cho biết.
Khi xét tuyển công bằng hơn
Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh Lê Phan Quốc cho hay, việc bỏ phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ sẽ giảm đi sự phức tạp trong các phương thức xét tuyển. Bên cạnh đó còn xuất phát từ những thay đổi trong cách đánh giá kết quả học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 khác với chương trình cũ 2006.
Tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 và chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mới đây, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo) cho biết, 60% thí sinh đỗ đại học bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp theo tổ hợp 3 môn khoảng 20 điểm. Trong khi đó, 60% thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi có tổng điểm tổ hợp 3 môn hơn 23 điểm. Như vậy, chênh lệch giữa hai nhóm thí sinh này là 3 điểm. Còn nếu xét kết quả học bạ, 60% số thí sinh đỗ bằng điểm thi có điểm học bạ là 25 điểm, cao hơn nhóm đỗ bằng học bạ 1 điểm.
Nhiều trường đại học cho rằng, dừng xét tuyển bằng học bạ là hợp lý và công bằng giữa các thí sinh, đồng thời tránh được chuyện 3 năm học THPT trước đó có thể xảy ra việc “làm đẹp” học bạ. Không ít trường hợp trúng tuyển sớm bằng phương thức xét học bạ sớm sẽ không còn động lực để học tập. Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, dù là xét tuyển bằng phương thức nào, các trường cũng nên có quy định điểm sàn (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nhằm đảm bảo công bằng cho các thí sinh.
Việc có nhiều trường đại học công bố dừng xét tuyển bằng học bạ THPT và chỉ tập trung xét tuyển với 2 phương thức chính là điểm thi tốt nghiệp, điểm thi đánh giá năng lực sẽ là một áp lực với thí sinh. Nhưng theo nhiều trường đại học, đây sẽ là “liều thuốc” đảm bảo công bằng trong xét tuyển, tránh tiêu cực trong đánh giá học sinh, đồng thời tạo động lực học tập lớn hơn cho học sinh.