Vì sao tuyến kè chống sạt lở bán đảo Thanh Đa hơn chục năm chưa xây xong?
Sau 12 năm kể từ ngày Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh phê duyệt dự án đầu tư tuyến kè chống sạt lở bán đảo Thanh Đa bằng vốn ngân sách, ngày 12/11 vừa qua, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) đã phải đề nghị Sở GTVT phương án chấm dứt với nhà thầu thi công đoạn 2 và đoạn 4 của dự án là Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh…
Theo ông Lương Minh Phúc, mặc dù đã được tạo điều kiện để thi công trở lại, nhưng nhà thầu này hết lần này đến lần khác không thực hiện các cam kết cũng như vi phạm tiến độ triển khai theo hợp đồng. Việc vi phạm tiến độ của nhà thầu đã kéo dài, lặp đi lặp lại và không có lý do chính đáng. Các vi phạm của nhà thầu đủ căn cứ để Ban Giao thông đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Dự án chống sạt lở khu vực bán đảo Thanh Đa chỉ gói gọn trên địa bàn các phường 27 và 28 của quận Bình Thạnh và mang tính cấp bách nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng ven sông, ngăn chặn tình trạng xây cất lấn chiếm hành lang sông và đảm bảo an toàn giao thông đường thủy tuyến sông Sài Gòn. Đây cũng chỉ là công trình thủy lợi cấp 4 có giá trị đầu tư không lớn, nhưng năm 2012, khi phê duyệt đầu tư dự án, Sở GTVT đã “chẻ” thành nhiều đoạn với giá trị vài trăm tỷ đồng cho mỗi đoạn. Từ đó những nhà thầu nhỏ cũng đã có thể “nhảy” vào tham gia dẫn đến tình trạng dự án dây dưa kéo dài, gây lãng phí suốt thời gian qua.
Trong đó gói thầu xây dựng đoạn kè sông số 2 có chiều dài gần 2,8km với tổng mức đầu tư hơn 319 tỷ đồng. Gói thầu xây dựng đoạn bờ kè số 4 có chiều dài 2,77 km, tổng vốn đầu tư hơn 380,5 tỷ đồng đã được Sở GTVT thành phố phê duyệt vào giữa năm 2012. Dự án được giao cho Ban Giao thông làm chủ đầu tư và các gói thầu xây dựng đoạn kè sông này đều do liên danh giửa Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh và một vài doanh nghiệp khác trúng thầu.
Để triển khai dự án trên, ngay từ năm 2008, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chấp thuận việc tách việc giải tỏa, thu hồi đất thành một dự án riêng, giao cho quận Bình Thạnh thực hiện. Năm 2012 Sở GTVT phê duyệt đầu tư và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Khu Quản lý đường thủy nội địa phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán vào năm 2013. Ngay trong năm 2012 Khu Quản lý đường thủy nội địa cũng đã bàn giao hồ sơ dự án và ranh giải tỏa cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh.
Sau một loạt các thủ tục về bồi thường, thu hồi đất, ban hành mức giá bồi thường… của các cơ quan như UBND thành phố, Sở TNMT, Hội đồng thẩm định giá đất thành phố, UBND quận Bình Thạnh, đến năm 2014 gói thầu thi công phần kè dưới nước mới được thực hiện và năm 2018 gói thầu thi công thân kè trên cạn mới có thể triển khai. Quá trình thực hiện các bước thủ tục sau khi đã được phê duyệt đầu tư, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu kéo dài nhiều năm đối với dự án thi công các đoạn bờ kè trên cho thấy tình trạng lòng vòng trong thủ tục đầu tư dự án. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến dự án đầu tư công đội vốn do chậm triển khai, chậm giải tỏa, thu hồi đất và điều này gây ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án.
Thực tế cho thấy, chỉ để thu hồi đất từ 67 hộ dân để phục vụ việc thi công đoạn kè số 2, nhưng phải đến cuối năm 2022, quận Bình Thạnh mới có thể giải tỏa được 62 hộ, còn 5 hộ dân với 308m bờ sông đến thời điểm này vẫn chưa được bàn giao mặt bằng. Với đoạn kè số 4, phải đến tháng 9 năm ngoái quận Bình Thạnh mới có thể giải tỏa, thu hồi đất của 99 hộ dân phục vụ thi công. Lý do dẫn đến việc chậm bàn giao mặt bằng được cơ quan chức năng của quận Bình Thạnh đưa ra là do khó khăn trong quá trình xác minh pháp lý đất đai, giá đất thay đổi…
Không chỉ cùng một số doanh nghiệp khác trong liên danh liên tiếp trúng thầu thi công 2 đoạn bờ kè trên, Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh còn “dính” cả vào dự án xây dựng đoạn bờ kè số 3 hiện vẫn đang còn dở dang. Trước tình trạng này, vào tháng 5 vừa qua, Ban Giao thông đã có thông báo chấm dứt hợp đồng đã ký kết với Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh trong việc thi công 3 đoạn bờ kè trên của Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa và gói thầu xây dựng đường Nguyễn Ảnh Thủ nối dài. Nhưng sau nửa năm, Ban Giao thông vẫn phải đề xuất Sở GTVT về hướng xử lý đối với nhà thầu này. Đây là sự bất lực của cơ quan được giao làm chủ đầu tư dự án có vốn ngân sách hay còn nguyên nhân nào khác khiến các cơ quan này chưa dám mạnh tay “trảm” nhà thầu chây ì này?