Việc tranh tụng tại phiên tòa phải đảm bảo chặt chẽ, thuyết phục

Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí vừa ký ban hành Chỉ thị 'Về yêu cầu triển khai nhiệm vụ công tác ngành Tòa án nhân dân năm 2025'.

Thẩm phán Phan Đức Phương, Chủ tọa phiên Tòa phúc thẩm, đọc quyết định xét xử vụ án liên quan đến bị cáo Nguyễn Phương Hằng, sáng 4/4/2024. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Thẩm phán Phan Đức Phương, Chủ tọa phiên Tòa phúc thẩm, đọc quyết định xét xử vụ án liên quan đến bị cáo Nguyễn Phương Hằng, sáng 4/4/2024. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án liêm chính, chính trực

Năm 2025, với phương châm công tác: “Đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án Tòa án các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, vụ việc; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; coi trọng công tác cán bộ và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ.

Cụ thể, tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, yêu cầu giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án liêm chính, chính trực, có ý thức, trách nhiệm bảo vệ công lý, lẽ phải, công bằng; biết bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai; có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, nắm vững về pháp luật và hành động đúng như lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Tòa án phải thực sự là người “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu ở tất cả các cấp Tòa án. Người đứng đầu các cấp Tòa án với vai trò là Bí thư Đảng và thủ trưởng phải chịu trách nhiệm và làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, công tác quản lý, công tác nghiệp vụ của đơn vị; triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các giải pháp, biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đơn vị theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Luật Phòng, chống tham nhũng và bản thân phải nêu gương, nghiêm túc, chuẩn mực, giữ gìn.

Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ, kết hợp thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tiêu cực, trì trệ, qua đó đào tạo, rèn luyện toàn diện cán bộ đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cho Tòa án các cấp. Nâng cao chất lượng, đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; chú trọng hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo qua phân công kèm cặp, giao việc cụ thể.

Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy Tòa án các cấp theo chủ trương của Bộ Chính trị sau tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là các chức danh tư pháp đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu, tiến độ đề ra và gắn với đề án xây dựng Tòa án điện tử của ngành.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới nội dung, hình thức thanh tra để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng gắn thanh tra công vụ với kiểm tra nghiệp vụ. Coi công tác thanh tra, kiểm tra là một biện pháp quan trọng trong quản lý, điều hành của người đứng đầu; chủ động phát hiện sai phạm của cán bộ trong đơn vị, nhất là hành vi lợi dụng nhiệm vụ để tham nhũng, tiêu cực phải xử lý nghiêm để làm gương; đồng thời chủ động rà soát, kiến nghị bổ sung, điều chỉnh các quy định chưa phù hợp đối với cấp thẩm quyền để tạo điều kiện cho cán bộ yên tâm thực hiện nhiệm vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong ngành Tòa án.

Việc tranh tụng tại phiên tòa phải đảm bảo chặt chẽ, thuyết phục

Trong công tác nghiệp vụ, việc tranh tụng tại phiên tòa phải đảm bảo chặt chẽ, thuyết phục, đúng quy định pháp luật; nâng cao chất lượng bản án, quyết định; khắc phục ngay tình trạng bản án, quyết định bị sửa, hủy nhiều lần, tuyên không rõ, khó thi hành, kéo dài thời gian giải quyết vụ án để củng cố, xây dựng được lòng tin của nhân dân, của xã hội đối với ngành Tòa án.

Tổ chức xét xử kịp thời, xử lý nghiêm minh kẻ chủ mưu, cầm đầu, vụ lợi, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, gây bức xúc trong xã hội; không để xảy ra oan sai; chú trọng thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt, thiệt hại. Chú ý khắc phục triệt để tình trạng không ban hành Quyết định thi hành án trong công tác thi hành án hình sự.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án các cấp Tòa án phải tập trung chỉ đạo các giải pháp, biện pháp đồng bộ, kể cả bố trí lại Thẩm phán, đào tạo, bồi dưỡng và phân công kèm cặp giao việc và tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất việc giải quyết án dân sự, kinh doanh thương mại, đảm bảo phải chuyển biến tích cực rõ nét trong năm 2025.

Đồng thời, đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hành chính. Chú trọng thực hiện và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Tòa án nhân dân tối cao chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan trong công tác tổng kết thực tiễn, tăng cường hướng dẫn áp dụng pháp luật để đảm bảo thống nhất cao trong nhận thức và áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Coi trọng tổng kết công tác xét xử, tăng cường rà soát, đánh giá thực tiễn thi hành các quy định, hướng dẫn đang còn vướng mắc, bất cập hoặc không còn phù hợp với thực tiễn và kịp thời đề nghị sửa đổi, thay thế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, giải quyết vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án. Đổi mới công tác phát triển án lệ nhằm nâng cao chất lượng, số lượng án lệ được ban hành.

Tích cực tham gia hoàn thiện thể chế, khẩn trương xây dựng dự án Luật Phá sản (sửa đổi), tổ chức thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Pháp lệnh Chi phí tố tụng, kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được giao bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để xảy ra tình trạng chậm, nợ văn bản quy phạm pháp luật, không để bị tác động, chi phối hoặc lồng ghép lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.

Chuyển đổi số là khâu trọng tâm đột phá

Chỉ thị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong Tòa án nhân dân, xác định là khâu trọng tâm đột phá năm 2025 và những năm tiếp theo; yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, Chánh án Tòa án các cấp chịu trách nhiệm trong triển khai, ứng dụng có hiệu quả các phần mềm đã đưa vào sử dụng, nhất là phần mềm Trợ lý ảo, quản lý án, quản lý văn bản và điều hành...; tập trung hoàn thành việc triển khai các dự án công nghệ thông tin theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí; nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm giám sát và điều hành Tòa án nhân dân phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho việc xây dựng, triển khai Tòa án điện tử, trong đó chú trọng việc bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin đối với các hệ thống công nghệ thông tin của Tòa án.

Tăng cường công tác hợp tác quốc tế, tham gia vào các hoạt động, thực hiện các thỏa thuận, cam kết của Việt Nam đối với hệ thống Tòa án trong khu vực và trên thế giới; qua đó góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Tòa án; trong đó, tập trung một số lĩnh vực về đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia; tội phạm về môi trường; kỹ năng xét xử các vụ án liên quan đến người chưa thành niên; tổ chức và hoạt động của Tòa án chuyên biệt về phá sản và sở hữu trí tuệ; hỗ trợ giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài và các cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án.

Tập trung chỉ đạo và thực hiện nghiêm quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý tài chính, tài sản công bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và quyết toán các dự án có sử dụng vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở của các Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp nhằm củng cố và hiện đại hóa cơ sở vật chất của Tòa án các cấp; ưu tiên đầu tư cho các Tòa án có trụ sở, cơ sở vật chất xuống cấp, nhiều năm chưa được đầu tư, xây dựng. Người đứng đầu phải chủ động thanh tra, kiểm tra những trường hợp có dấu hiệu thất thoát, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời.

Chỉ thị cũng yêu cầu triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Tòa án. Xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945-13/9/2025) đảm bảo thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm. Chuẩn bị các điều kiện theo quy định để tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp (nhiệm kỳ 2025 - 2030), tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Xuân Tùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/viec-tranh-tung-tai-phien-toa-phai-dam-bao-chat-che-thuyet-phuc-20241213191452056.htm