Việt Nam-Campuchia nhiều cơ hội hợp tác thương mại song phương

Ước 11 tháng năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 4,9 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ; nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 4,4 tỷ USD, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Campuchia đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược đối ngoại hai nước với việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển.Những năm qua, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước đạt được những thành tựu và Việt Nam là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Campuchia.

Vì vậy, chuyến thăm chính thức Campuchia và tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong quan hệ hai nước.

*

Duy trì tăng trưởng

Đánh giá từ Bộ Công Thương, quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, đồng thời tạo điều kiện củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên. Kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng - là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tinh Lợi, Hải Dương. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tinh Lợi, Hải Dương. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Nếu như năm 1998, thời điểm Hiệp định thương mại Việt Nam - Campuchia được ký kết, kim ngạch xuất, nhập khẩu của hai nước chỉ đạt 117 triệu USD, đến năm 2010 đã đạt 1,8 tỷ USD. Giai đoạn 2010-2015, kim ngạch thương mại Việt Nam – Campuchia có tốc độ tăng trưởng trung bình vào khoảng 18,5%/năm. Kim ngạch thương mại đã tăng gần gấp đôi từ 1,8 tỷ USD năm 2010 lên tới 3,35 tỷ USD năm 2015. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia tăng trung bình 15,5%/năm, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia tăng trung bình 32,7%/năm.

Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia tiếp tục tăng trưởng trung bình 17%/năm, tăng từ 2,92 tỷ USD năm 2016 lên đến 5,31 tỷ USD năm 2020. Đặc biệt, ngay từ năm 2019, hai nước đạt và vượt mục tiêu kim ngạch 5 tỷ USD trước thời hạn mà lãnh đạo cấp cao hai bên đề ra (mục tiêu đề ra cho năm 2020).

Riêng 10 tháng năm 2024, kim ngạch song phương đã đạt 8,3 tỷ USD, tăng 17,5%; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 4,4 tỷ USD, tăng 7,4% và nhập khẩu 3,9 tỷ USD, tăng 31,5%. Việt Nam hiện tại vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN.

Các mặt hàng xuất khẩu chính 10 tháng năm 2024 là hàng dệt may đạt 741,4 triệu USD, tăng 8,8%; sắt thép các loại đạt 608 triệu USD, giảm 0,5%; xăng dầu các loại 265,5 triệu USD, giảm 27%…Cùng đó, mặt hàng nhập khẩu chính từ thị trường Campuchia tập trung vào hạt điều đạt 1,1 tỷ USD, tăng 27%; cao su đạt 802 triệu USD, tăng 22%; hàng rau quả đạt 35 triệu USD, giảm 9,5%.

Mặc dù được Chính phủ quan tâm đầu tư nhưng cơ sở hạ tầng biên giới vẫn còn hạn chế (đường giao thông kết nối các cửa khẩu vào nội địa, kho bãi). Tình trạng này làm cho thời gian vận chuyển, giao nhận hàng hóa giữa hai bên chưa được rút ngắn, do đó chưa làm giảm chi phí cho doanh nghiệp hai nước. Hơn nữa, tình trạng vận chuyển hàng nhập lậu qua biên giới Việt Nam và Campuchia vẫn còn diễn biến tại địa bàn một số tỉnh giáp biên Campuchia.

Ngoài ra, hàng hóa Việt Nam thời gian qua vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa Thái Lan, Trung Quốc tại Campuchia. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam chưa hiểu rõ về thị trường, hàng hóa, phong tục, tập quán và các quy định của Campuchia; đồng thời cũng chưa quan tâm xây dựng thương hiệu hàng hóa và kênh phân phối hàng hóa tại thị trường này.

*Đẩy mạnh hợp tác

Mới đây, được sự kết nối và hỗ trợ tích cực của Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, tại Pnom Penh, Campuchia đã diễn ra Hội chợ triển lãm quốc tế về nông nghiệp thương mại giới thiệu, quảng bá sản phẩm tỉnh Nghệ An nhằm quảng bá hơn 30 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh như dược liệu, lạc, trà, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm)…

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho biết, mặc dù sự hợp tác, phát triển xuất khẩu giữa Campuchia và Nghệ An có bước phát triển nhanh chóng, tuy nhiên, thời gian vừa qua kim ngạch xuất nhập khẩu của Nghệ An sang Campuchia vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên.

Để hợp tác thương mại giữa tỉnh Nghệ An với các doanh nghiệp Campuchia, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đề xuất thiết lập kênh thông tin thường xuyên về sản phẩm, doanh nghiệp của hai bên để nắm tình hình thị trường, sản phẩm, điều kiện các rào cản và tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa của hai bên nhằm tạo dựng nhịp cầu kết nối cho các doanh nghiệp.

Đề nghị Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, Phòng Thương mại Campuchia và các doanh nghiệp trên cơ sở điều kiện và sản phẩm xuất khẩu của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác thương mại, xuất nhập khẩu giữa 2 bên. Sở Công Thương cũng làm cầu nối cho các doanh nghiệp Campuchia tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Nghệ An.

Mộc Bài hiện là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam- Campuchia. Ảnh: Giang Phương/TTXVN

Mộc Bài hiện là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam- Campuchia. Ảnh: Giang Phương/TTXVN

Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với bà Cham Nimul, Bộ trưởng Bộ Thương mại và ông Hem Vandy, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học và Đổi mới Công nghệ Campuchia, hai bên nhất trí việc hợp tác thương mại, công nghiệp song phương Việt Nam – Campuchia đã có những bước phát triển đáng kể.

Hai bên đã thống nhất một số biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, công nghiệp giữa hai nước, hướng tới mục tiêu kim ngạch cao hơn thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ký kết mới khuôn khổ pháp lý về thương mại. Cùng đó, phổ biến thông tin về ưu đãi thương mại song phương, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin đấu tranh chống buôn lậu qua biên giới. Đặc biệt, tăng cường trao đổi kinh nghiệm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp tại Campuchia.

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia cho hay, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Campuchia; trong đó, có hợp tác về kinh tế, thương mại…vốn là lĩnh vực trọng tâm được lãnh đạo hai nước quan tâm. Đồng thời, Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các hiệp định, biên bản ghi nhớ mà hai bên đã ký kết. Cụ thể như Hiệp định Thương mại biên giới giữa hai nước, thỏa thuận Thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2023 - 2024. Ngoài ra, giới đầu tư và kinh doanh của hai nước sẽ xúc tiến tìm kiếm cơ hội tốt để đầu tư, trao đổi thương mại trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đây là tiền đề để Việt Nam và Campuchia có thể nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 20 tỷ USD như kỳ vọng.

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia, các chuyên gia thương mại cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tìm hiểu, nắm rõ văn kiện pháp lý được ký giữa hai nước để tận dụng những ưu đãi mà hai nước dành cho nhau cũng như tránh gặp vướng mắc khi làm thủ tục thông quan.

Bên cạnh đó, tận dụng chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại để tìm đối tác, bạn hàng. Doanh nghiệp cần tích cực tham gia xúc tiến thương mại, hướng dẫn tiếp cận thị trường do Bộ Công Thương và cơ quan, địa phương tổ chức nhằm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, kết nối cung cầu, đảm bảo chuỗi cung ứng… Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động gặp gỡ, trao đổi trực tiếp tại hội chợ, triển lãm tổ chức ở Việt Nam cũng như ở Campuchia.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu, nhận diện thương hiệu, định hướng về chất lượng và tạo hình ảnh ấn tượng thông qua cải tiến bao bì. Để có thể cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc về chất lượng lẫn mẫu mã, giá cả hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý phương thức kinh doanh bài bản như mở văn phòng đại diện, đầu tư hệ thống phân phối, làm bao bì riêng.

Cách làm này tuy chi phí cao nhưng tạo dựng được hình ảnh và giúp hàng hóa tiêu thụ tốt. Đặc biệt, doanh nghiệp nên tập trung phát triển kênh phân phối để thâm nhập sâu vào thị trường. Việc tập trung phát triển mạng lưới phân phối cũng như chuyển giao phương thức cho nhà phân phối Campuchia rất cần thiết; trong đó, phát triển phân phối cả ở kênh mua sắm truyền thống và siêu thị.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/viet-nam-campuchia-nhieu-co-hoi-hop-tac-thuong-mai-song-phuong/354095.html