Việt Nam tăng tốc xây dựng thị trường carbon

Với lộ trình rõ ràng và những bước đi cụ thể, Việt Nam đang khẳng định quyết tâm biến cam kết Net Zero thành hành động. Thị trường carbon, với tiềm năng và vai trò chiến lược, sẽ là một trong những 'chìa khóa' quan trọng để mở ra một tương lai xanh và bền vững cho đất nước.

Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025

Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025

Tiềm năng lớn từ tín chỉ carbon

Tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025 với chủ đề "Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới", TS. Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện đã có 80 quốc gia áp dụng cơ chế này, chủ yếu thông qua thuế carbon và thị trường carbon, kiểm soát khoảng 28% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, tương đương 12 đến 14 tỷ tấn CO₂ mỗi năm. Quy mô giao dịch carbon toàn cầu lên tới 152 tỷ USD, minh chứng rõ ràng cho hiệu quả kinh tế của cơ chế này.

Các ví dụ điển hình bao gồm Hệ thống giao dịch phát thải của Liên minh châu Âu (EU ETS) triển khai từ năm 2005, giúp giảm 37% phát thải trong khu vực. Singapore cũng đã áp dụng thuế carbon hiệu quả, và Trung Quốc cùng nhiều quốc gia khác đang tích cực phát triển thị trường riêng.

Với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon vào ngày 24/01/2025. Theo lộ trình, Việt Nam sẽ triển khai vận hành thử nghiệm thị trường carbon từ nay đến năm 2028, và chính thức vận hành, kết nối với thị trường carbon thế giới vào năm 2029.

Việt Nam không phải là "người mới" trong lĩnh vực này. Ngay từ những năm 2000, chúng ta đã tích cực tham gia các cơ chế giao dịch tín chỉ carbon quốc tế như CDM (Cơ chế phát triển sạch), JCM (Cơ chế tín chỉ chung Việt Nam – Nhật Bản), cùng các cơ chế độc lập như Vera, Gold Standard. Việt Nam hiện có khoảng 150 dự án đã được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và giao dịch quốc tế, đứng thứ tư thế giới về số lượng dự án CDM đăng ký, chỉ sau Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy, Đại diện các chủ rừng ở Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình (nay là xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Trị) nhấn mạnh vai trò của rừng là những bể chứa carbon tự nhiên. Từ năm 2023, các chủ rừng Cao Quảng đã được hưởng lợi từ dự án Thỏa thuận giảm phát thải khí nhà kính 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Bình quân, mỗi năm Cao Quảng nhận được gần 3 tỷ đồng, là khoản thu nhập tăng thêm tuy không lớn nhưng có ý nghĩa quan trọng, khuyến khích chủ rừng nâng cao trách nhiệm.

Với những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ rừng, ông Huy kiến nghị xác định rõ giá trị của rừng trong việc thực hiện cam kết Net Zero, bên cạnh việc đưa ra các chính sách đặc thù để chủ rừng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon. Cộng đồng chủ rừng Cao Quảng cũng mong muốn thị trường carbon sớm đi vào hoạt động để người dân có được cơ hội tài chính tương xứng với nỗ lực giữ rừng, bảo vệ rừng.

Hoàn tiện hành lang pháp lý

Để hiện thực hóa thị trường carbon, các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý. Nền tảng đã có với Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, cùng Nghị định 119/2025/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 06.

Theo TS. Nguyễn Tuấn Quang, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Nghị định về Sàn giao dịch carbon, sẽ quản lý và giao dịch các tín chỉ carbon trong nước theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế (Điều 6.2 và 6.4 Thỏa thuận Paris, Vera, Gold Standard).

Song song, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Nghị định về trao đổi quốc tế kết quả giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Đây là một bước đi cực kỳ quan trọng, bởi nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ, việc bán tín chỉ ra nước ngoài mà không kèm theo điều chỉnh tương ứng có thể khiến Việt Nam "mất phần" trong cam kết Net Zero.

Theo kế hoạch, toàn bộ hành lang pháp lý và hạ tầng kỹ thuật sẽ được hoàn thiện trong năm nay để thị trường carbon có thể vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2025.

Tuy nhiên, TS. Quang cũng lưu ý về tính minh bạch của tín chỉ carbon và quản lý thống nhất của Nhà nước. Mỗi loại tín chỉ phải được tạo ra theo tiêu chuẩn và phương pháp tính toán cụ thể, đảm bảo minh bạch và tuân thủ quy định. Nếu không điều tiết tốt, việc bán tín chỉ ra nước ngoài không kiểm soát có thể khiến mục tiêu giảm phát thải quốc gia không đạt được và thị trường trong nước thiếu hụt nguồn cung tín chỉ cho các ngành cần thực hiện nghĩa vụ phát thải.

Điển hình là ngành hàng không, từ năm 2026, các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải thực hiện nghĩa vụ cắt giảm phát thải. Nếu không có nguồn tín chỉ trong nước, họ sẽ buộc phải mua từ nước ngoài với giá cao hơn. Tổng công ty Hàng không Việt Nam ước tính, nhu cầu tín chỉ carbon của các hãng hàng không hiện đã lên tới 2,3 triệu tín chỉ. Không chỉ hàng không, các lĩnh vực vận tải khác như vận tải biển cũng sẽ phải tuân thủ nghĩa vụ này trong thời gian tới.

Đặc biệt, Việt Nam đang đối mặt với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu. Từ năm 2026, các mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu như sắt thép, xi măng sẽ bị áp hàng rào kỹ thuật liên quan đến phát thải carbon. Điều này có nghĩa, nếu Việt Nam không có sự điều tiết và quản lý chặt chẽ trong giao dịch tín chỉ carbon, những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và khả năng thực hiện cam kết Net Zero là hoàn toàn có thể xảy ra.

Bài toán định giá tín chỉ carbon hợp lý là một phép tính phức tạp nhưng vô cùng then chốt. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cảnh báo, nếu giá bán tín chỉ carbon quá thấp so với chi phí giảm phát thải thực tế (chẳng hạn 150 USD/tấn CO₂ trong năng lượng hay 300 USD/tấn trong nông nghiệp), Việt Nam có thể phải "gánh" chi phí bù lỗ để hoàn thành cam kết quốc gia.

Điều này đòi hỏi chúng ta phải tham gia thị trường carbon khôn ngoan và bài bản, nhằm tối đa hóa nguồn tài chính khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi công nghệ, giảm phát thải, và đồng thời huy động nguồn lực cho cả quốc gia, doanh nghiệp và người dân.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/viet-nam-tang-toc-xay-dung-thi-truong-carbon-167535.html