Việt Nam tiếp tục tăng hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong năm 2024

Trong Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của WIPO, Việt Nam được ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trực tuyến tại sự kiện

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trực tuyến tại sự kiện

Chiều tối 26/9 theo giờ Việt nam, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO đã tổ chức lễ công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2024 tại Geneva (Thụy Sĩ).

Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng hai bậc so với năm 2023. Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53. Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).

Trong Báo cáo GII 2024 của WIPO, Việt Nam được WIPO ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Iran và Marocco).

Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam).

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO đã tổ chức lễ công bố Báo cáo GII 2024 tại Geneva (Thụy Sĩ)

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO đã tổ chức lễ công bố Báo cáo GII 2024 tại Geneva (Thụy Sĩ)

Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia ở nhóm thu nhập trung bình thấp và thậm chí còn cao hơn nhóm thu nhập trung bình cao, ngoại trừ trụ cột 2 về Nguồn nhân lực và nghiên cứu.

Theo báo cáo, năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Có 3 chỉ số thuộc nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới là Tốc độ tăng năng suất lao động (xếp hạng 3), Số lượng ứng dụng điện thoại thông minh được tạo ra (xếp hạng 7) và Phần chi nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp trang trải/tổng chi nghiên cứu và phát triển (xếp hạng 9).

Báo cáo chi tiết về các chỉ số của Việt Nam trong Báo cáo GII năm 2024

Báo cáo chi tiết về các chỉ số của Việt Nam trong Báo cáo GII năm 2024

Phát biểu trực tuyến tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của các nước trong quá trình phát triển nhanh, bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam cổ vũ cho đổi mới sáng tạo vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới cũng như trong khu vực, phản đối đổi mới sáng tạo để phục vụ cho chiến tranh, phục vụ cho cạnh tranh không lành mạnh và nhất là nó ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên thế giới. Vì vậy, Việt Nam cũng có quan điểm rất rõ ràng là trong quá trình đổi mới sáng tạo này, phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, người dân phải thực sự được hưởng thụ thành quả của đổi mới sáng tạo.

Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là một bộ công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia có uy tín trên thế giới, phản ánh mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các quốc gia.

Qua đó, các quốc gia thấy được bức tranh tổng thể cũng như các điểm mạnh, điểm yếu của mình. Vì lý do này mà GII hiện được chính phủ nhiều quốc gia sử dụng như một công cụ tham chiếu quan trọng cho quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như để xây dựng các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Columbia, Brazil…).

Thời gian qua, Chính phủ đã sử dụng bộ chỉ số này như một trong các công cụ quản lí điều hành quan trọng và đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương cùng có trách nhiệm cải thiện chỉ số.

Bộ Khoa học và công nghệ được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung. Từ năm 2017 đến nay, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 46 năm 2023.

TB (theo Vietnam+)

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/viet-nam-tiep-tuc-tang-hang-ve-chi-so-doi-moi-sang-tao-toan-cau-trong-nam-2024-394175.html