Việt Nam trước cơ hội 'hiếm có' để tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành bán dẫn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội 'hiếm có' để tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn. Do đó, cần có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Việt Nam thu hút nhà đầu tư công nghiệp bán dẫn

Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn được tổ chức tại Hà Nội hôm nay 14/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh; sự đầu tư và nâng cấp mạnh về cơ sở hạ tầng; cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở; và quyết tâm chính trị cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị

Về thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái bán dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... và đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.

Đặc biệt đối với Tập đoàn công nghệ số 1 thế giới là NVIDIA, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với cơ quan liên quan thành lập 02 Tổ bao gồm Tổ công tác triển khai hợp tác và Tổ đàm phán với NVIDIA. 02 Tổ này đã trao đổi, làm việc với Tập đoàn NVIDIA để thu hút đầu tư, cụ thể hóa phương án hợp tác và đã đạt được nhiều kết quả đột phá, đem lại tiếng vang lớn và nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới là điểm đến của công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, bán dẫn là một ngành công nghiệp đặc thù, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, yêu cầu cao về nhân lực và công nghệ. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong thu hút đầu tư bán dẫn, nhiều tập đoàn đã có kế hoạch vào Việt Nam nhưng mới dừng ở mức khảo sát, thăm dò và cần chờ các ưu đãi cụ thể. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, kết nối giữa các vùng miền, địa phương để vận chuyển hàng hóa thông suốt.

Đặc biệt, các doanh nghiệp trong ngành rất quan tâm đến khả năng đáp ứng đủ và ổn định hạ tầng điện, nước, hệ thống xử lý nước thải…, nhất là năng lượng tái tạo, bền vững với giá ưu đãi. Song, hệ thống điện, đặc biệt là điện sạch của Việt Nam vẫn còn hạn chế và dễ xảy ra rủi ro trong quá trình vận hành của nhà máy...

Ảnh minh họa: KT

Ảnh minh họa: KT

3 trụ cột cho ngành công nghiệp bán dẫn

Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tập trung cho các phương hướng quan trọng như dành nguồn lực thực hiện tốt chiến lược và chương trình đã được phê duyệt. Tăng cường hợp tác quốc tế, làm việc với các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt tập trung thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực đóng gói tiên tiến - lĩnh vực có khả năng tạo bứt phá cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, hoàn thiện 3 trụ cột cho ngành công nghiệp bán dẫn là cơ chế, chính sách; hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, thu hút nhân tài, nhất là các nhân tài người Việt trên toàn thế giới. Đồng thời, các bộ ngành cần khẩn trương hoàn thiện, ban hành Nghị định Quỹ Hỗ trợ đầu tư với nguồn lực dự kiến cần bố trí từ nguồn chi đầu tư phát triển khác trong năm 2025 là 10.000 tỷ đồng. Thúc đẩy, thu hút các dự án của nước ngoài trong lĩnh vực này như Mỹ, châu Âu, châu Á.

Ở trong nước, phát triển chip chuyên dụng, phát triển công nghiệp điện tử; ban hành và hướng dẫn thực hiện chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, hợp tác triển khai chương trình thực hành trong doanh nghiệp, đáp ứng theo nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Các địa phương nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp với khả năng; cải cách thủ tục hành chính; chuẩn bị đầy đủ đất sạch, năng lượng sạch và nguồn nước; tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, logistics, nhà ở cho chuyên gia, người lao động.

Đối với doanh nghiệp, chủ động tham gia đào tạo và đặt hàng đào tạo cho các trường, tạo đầu ra cho sinh viên; đồng hành, bổ sung nguồn lực tăng cường hợp tác công - tư để hỗ trợ triển khai chiến lược và chương trình phát triển nguồn nhân lực bán dẫn.

"Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội hiếm có này để tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, do đó cần có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: Việt Nam cũng không thể đi đến đích nếu chỉ đi một mình.

"Hơn lúc nào hết, ở giai đoạn và thời cơ quan trọng này, cần có sự hợp tác nhanh, mạnh và toàn diện với các quốc gia, nền kinh tế và các doanh nghiệp, đối tác hàng đầu thế giới về bán dẫn thì mới có thể đứng trên vai những người khổng lồ, tận dụng lợi thế nguồn nhân lực để vươn lên thành một quốc gia có vị thế trọng tâm của châu Á và thế giới trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và có thể về một cường quốc về AI trong tương lai.

Trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục nỗ lực để nhanh chóng, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để góp phần đưa ngành công nghiệp bán dẫn trở thành động lực và đột phá mới, giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Tiếp theo đà tăng trưởng nhanh và ổn định trong 20 năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trong năm 2024 tiếp tục có sự tăng tốc mạnh mẽ và đạt giá trị gần 600 tỷ USD, với một số điểm nhấn đáng chú ý như sau:

Nhu cầu chip phục vụ AI tăng cao;
Ngành công nghiệp xe điện phát triển nhanh và trở thành xu hướng toàn cầu;
Phủ sóng mạng 5G tiếp tục làm tăng nhu cầu về chip;
Khôi phục chuỗi cung ứng sau đợt thiếu hụt chip vào năm 2021, với việc đầu tư vào các nhà máy sản xuất chip mới ở Mỹ, châu Âu và châu Á;
Công nghệ sản xuất mới và đóng gói tiên tiến bắt đầu được áp dụng dưới sự dẫn dắt của một số ít các tập đoàn công nghệ như TSMC và Samsung;
Các quốc gia, nền kinh tế tiếp tục có các gói hỗ trợ lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Trần Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/viet-nam-truoc-co-hoi-hiem-co-de-tham-gia-sau-vao-chuoi-gia-tri-nganh-ban-dan-post1142100.vov