Viettel tính toán gì với dự án 'công viên logistic'?
Với cơ sở hạ tầng đồng bộ và hàng loạt dịch vụ logistics, Viettel đặt mục tiêu giảm thời gian thông quan xuống dưới 24 giờ, giảm tình trạng hư hỏng hàng nông sản do chờ đợi ở cửa khẩu.
Công viên logistics của Viettel được khai trương ngày 11/12 nằm tại huyện Phù Xá, tỉnh Lạng Sơn, cách cửa khẩu Hữu Nghị khoảng 4 km. Với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, diện tích 143,7 ha, đây là trung tâm logistics lớn nhất tại Việt Nam.
Trung tâm logistics này được trang bị một loạt những dịch vụ xuất nhập khẩu toàn trình bao gồm thông quan, kiểm dịch, kiểm hóa, sang tải, lưu kho, vận tải xuyên biên giới. Ngoài ra, đại diện Viettel Post, công ty vận hành trung tâm cho biết có kế hoạch mở khu livestream để bán sang những thị trường khác.
Mục tiêu giảm thời gian thông quan xuống 24 giờ
Trong buổi chia sẻ về dự án công viên logistics, ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết đã chứng kiến những khó khăn của khách hàng khi xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là với mặt hàng nông sản. Những loại trái cây từ miền Nam muốn bán sang Trung Quốc phải thuê xe lạnh, vận chuyển tới cửa khẩu, thực hiện một loạt thủ tục kiểm dịch, kiểm hóa rồi mới có thể sang nước bạn.
Với những loại hàng hóa giá trị không cao, nhanh hỏng, nếu thời gian thông quan kéo dài, chi phí vận chuyển khoảng 70-100 triệu một chuyến xe, người bán có thể rơi vào cảnh “bán hay không bán đều lỗ” nếu thời gian thông quan quá lâu, nông sản bị hư hỏng.
“Chúng tôi cảm thấy nhức nhối mỗi khi nông sản bà con bị hư hỏng vì gặp phải vấn đề tắc biên. Với nông sản, hàng tươi sống, rút ngắn thời gian cũng là tạo ra một loại giá trị cho doanh nghiệp”, ông Hoàng Trung Thành chia sẻ.
Đại diện Viettel Post cho biết nếu xuất khẩu theo cách cũ, để thông quan một container thông thường cũng phải mất 3-4 ngày, thậm chí còn dài hơn. Khi trung tâm logistics của Viettel đi vào hoạt động, tập đoàn đặt mục tiêu giảm thời gian xuống chỉ còn 24 giờ.
Để đạt được mục tiêu này, ngoài tối ưu quy trình, Viettel cũng cho biết đã áp dụng rất nhiều công nghệ. Trong kho bãi, Viettel sử dụng 6 loại robot nâng hạ, chia hàng, gắp hàng… giúp tăng tỷ lệ tự động hóa.
Ngoài ra, công ty cũng ứng dụng hệ thống cửa thông minh, kết hợp camera và AI để tạo ra phiên bản mô phỏng số (digital twins) của mọi hoạt động trên môi trường ảo, đặc biệt là phương tiện ra, vào bến bãi. Theo đại diện Viettel Posts, đây là lần đầu giải pháp digital twins được ứng dụng ở một trung tâm logistics tại Việt Nam.
Ngoài ra, hệ thống dữ liệu được chuẩn hóa, trong tương lai gần sẽ kết nối trực tiếp với dữ liệu hải quan Việt Nam và Trung Quốc. Khi ra khỏi trung tâm, trên quãng đường khoảng 5 km đến cửa khẩu, cứ 20 m sẽ có một camera loại thường, 100 m có một camera AI để giám sát quá trình xuất, nhập hàng.
Tham gia thương mại điện tử theo định hướng mới
Trong buổi chia sẻ, đại diện Viettel Post cũng nhắc đến Vipo Mall, dự án thương mại điện tử mà công ty đang phát triển. Vào tháng 10, mục Vipo Mall bất ngờ xuất hiện trên ứng dụng Viettel Post, cho phép mua hàng xuyên biên giới từ các nền tảng nội địa Trung Quốc.
Theo ông Hoàng Trung Thành, Vipo Mall khi đi vào hoạt động sẽ là một sàn TMĐT kiểu mới, không giống những sàn đang hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể, sàn này sẽ tập trung vào mua sỉ, bán sỉ, với khách hàng trực tiếp những người kinh doanh cần tìm nguồn hàng. Viettel Post sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối nhà bán hàng trong nước, nước ngoài, ngoài ra còn cung cấp thêm nền tảng thanh toán, hỗ trợ tài chính.
“Chúng tôi không cạnh tranh trực tiếp với Shopee, Lazada, TikTok”, ông Hoàng Trung Thành nhấn mạnh.
Đại diện Viettel Post cũng cho biết Vipo Mall sẽ hỗ trợ kết nối tới những nhà cung cấp ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và nhiều thị trường khác. Với nhiều ưu thế như lực lượng bưu tá hiểu rõ khách hàng, có hỗ trợ từ các trung tâm logistics lớn như công viên ở Lạng Sơn, Viettel Post đặt mục phục vụ khoảng 1 triệu người kinh doanh trong nước.
Về mô hình công viên logistics, đại diện Viettel Post cho biết công ty đã có kế hoạch xây thêm nhiều trung tâm ở những cửa khẩu đường bộ, hàng không, đầu mối giao thông, trung tâm giao dịch và phân phối nông sản… Hiện Viettel đã xong thủ tục để đầu tư ra nước ngoài và đang hợp tác với các tập đoàn của Trung Quốc triển khai phương án kinh doanh trong thời gian tới.
Chia sẻ về cái tên “công viên logistics”, ông Hoàng Trung Thành, cho biết tên gọi bắt nguồn từ tiêu chuẩn LEED (Leadership in Energy & Environmental Design) về công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, tự động hóa cao và bảo vệ môi trường sống. Trung tâm sử dụng công nghệ sang tải tự động, hệ thống kho dùng robot hoạt động trong bóng tối, kho tiết kiệm điện năng.
Nguồn Znews: https://znews.vn/viettel-tinh-toan-gi-voi-du-an-cong-vien-logistic-post1517412.html