VIFTA - từ ký kết đến thực thi

Theo các chuyên gia, càng vui mừng với việc Hiệp định thương mại giữa tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký kết bao nhiêu chúng ta càng phải chuẩn bị tốt bấy nhiêu để triển khai hiệu quả nhất.

Ông Vũ Vinh Phú - Chuyên gia kinh tế:
Càng vui càng phải chuẩn bị tốt

6 tháng đầu năm nay xuất khẩu hàng hóa giảm 12% nên việc mở thêm thị trường ngách, thị trường mới là rất quan trọng. Israel không đông dân nhưng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng rất lớn, một năm khoảng 25 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là 55.000 USD/năm. Hiện, xuất nhập khẩu giữa hai nước chỉ đạt trên 2 tỷ USD và Việt Nam đang nhập siêu. Do đó VIFTA là cơ hội để gia tăng kim ngạch và cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên. Nếu triển khai tốt, dự kiến 5 năm tới, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước có thể tăng lên mức 4 - 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, bất cứ FTA nào cũng có những thách thức phải vượt qua. Trongbối cảnh thương mại ngày càng được mở rộng, rủi ro giao thương là điều không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, các Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cần nâng cao vai trò của mình hơn nữa để hỗ trợ các Hiệp hội, doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác có uy tín. Israel là nước có công nghệ cao, chúng ta cũng phải phối hợp tốt với họ để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào giao thương hàng hóa theo dõi đường đi của hàng hóa xuất nhập khẩu.

Về phía doanh nghiệp cần lưu ý phải giữ chữ tín làm ăn ngay từ đầu. Từ chất lượng hàng hóa, thanh toán, giao nhận, giao ước trong hợp đồng. Bên cạnh đó, cũng cần tìm hiểu thật kỹ về thị trường cũng như nhu cầu tiêu dùng, chú trọng hàng hóa chế biến sâu, xây dựng sản phẩm có thương hiệu, chất lượng để có thể làm quen và dần chiếm lĩnh thị trường. Ngoài ra, với một thị trường xa như Israel, các ngân hàng và cơ quan chức năng hai bên phải vào cuộc để bảo đảm thanh toán an toàn, quay vòng vốn nhanh, giúp xuất nhập khẩu tăng lên.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT):
Tránh tâm lý "ăn xổi"

Việc có thêm FTA với Israel sẽ giúp các ngành xuất khẩu nói chung và rau quả nói riêng có thêm “chân để chạy” trong thời gian tới.

Với VIFTA, nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam được hưởng lợi như thủy sản, rau quả, dệt may, da giày... Israel cũng là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam vào thị trường Trung Đông.

Lợi ích cụ thể nhất VIFTA mang lại là thuế nhập khẩu sẽ giảm nhiều hoặc bằng 0%. Israel là nước có nền nông nghiệp rất phát triển, Việt Nam cũng có thể học hỏi nhiều về công nghệ trồng trọt, bảo quản trái cây, cải tiến chất lượng nông sản thông qua việc hợp tác. Hiện, chúng ta xuất sang Israel sầu riêng, thanh long, bưởi… nhưng xuất khẩu rau quả sang thị trường này chỉ mới đạt 10 triệu USD/năm. Kỳ vọng sau khi có FTA sẽ khơi thông xuất khẩu và con số này có thể tăng lên vài trăm triệu USD.

Nhưng giống như EVFTA, Việt Nam muốn xuất khẩu qua thị trường này cần nghiên cứu quy định về kiểm dịch thực vật, đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu mang tính đặc thù từ thị trường này. Chắc chắn thời gian đầu, đầu ra cho ngành rau quả sẽ khó khăn, do đó các doanh nghiệp phải cải tiến để bảo đảm yêu cầu của Israel về chất lượng, mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp cần nắm được đầy đủ quy định, tập quán kinh doanh của quốc gia và doanh nghiệp đối tác, tránh tâm lý “ăn xổi”, đầu voi đuôi chuột.

Ví dụ trái cây tươi ít nhất phải có tiêu chuẩn Global GAP. Với thực phẩm chế biến, cần chú ý đến một số tiêu chuẩn đặc thù như chứng nhận Kosher - tiêu chuẩn về thực phẩm của người Do Thái. Chứng nhận Kosher không phải là yêu cầu pháp lý để nhập khẩu thực phẩm vào Israel, nhưng sản phẩm không theo tiêu chuẩn Kosher có thị phần nhỏ hơn tại Israel. Ngoài ra, phải có công nghệ bảo quản phù hợp để bảo đảm chất lượng sản phẩm.

TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương:
Doanh nghiệp phải chặt chẽ trong từng khâu

Israel là nền kinh tế phát triển, công nghệ cao, đặc biệt là nền nông nghiệp tốt, có khoa học công nghệ kỹ thuật rất hiện đại. Hiện nay Israel cũng giúp Việt Nam đào tạo thực tập sinh, thực tập về lĩnh vực công nghệ cao, nhà kính, công nghệ nhỏ giọt nước tưới có pha phân bón… Tuy nhiên, Việt Nam xuất khẩu sang Israel dưới 800 triệu USD và nhập khẩu 1,4 tỷ USD; tức là nhập siêu đang khá cao. Vì vậy chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ nền kinh tế Israel để đẩy mạnh xuất khẩu và VIFTA sẽ là bàn đạp tốt nhất để Việt Nam thực hiện mục tiêu đó.

Để tận dụng tốt nhất các cơ hội khi VIFTA có hiệu lực, doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu kỹ, kết nối theo chuỗi giá trị đúng yêu cầu chất lượng, thời hạn Israel đề ra. Đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí carbon, các điều kiện rất chặt chẽ của nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Đặc biệt, nhằm tránh những tình trạng lừa đảo thương mại như trong suốt thời gian qua, doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng, chặt chẽ trong từng khâu; nghiên cứu kỹ và đầy đủ thông tin về đối tác làm ăn. Với VIFTA, kỳ vọng hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, sớm đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu song phương lên hơn 3 tỷ USD.

Trúc Oanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/vifta---tu-ky-ket-den-thuc-thi-i341277/