Vinachem thúc đẩy tăng trưởng đầu tư giai đoạn 2026 - 2030: Tư duy đúng - Hành động trúng

Sáng 18/7/2025 tại Nha Trang, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tổ chức Hội nghị 'Thúc đẩy tăng trưởng đầu tư giai đoạn 2026-2030'.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Vinachem vừa khép lại giai đoạn 2020-2024 với nhiều thành tựu nổi bật, sẵn sàng bước vào chặng đường phát triển mới mang tính bứt phá.

Tham dự Hội nghị, có sự tham dự của ông Phùng Mạnh Ngọc, Cục Trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương; ông Đỗ Duy Phi, Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam; bà Đào Thiên Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam.

Kết quả đầu tư 2021 - 2025: Vượt khó để tăng tốc

Ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Vinachem: Tập đoàn quyết tâm tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, thực hiện nghiêm Nghị quyết 57-NQ/TW

Ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Vinachem: Tập đoàn quyết tâm tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, thực hiện nghiêm Nghị quyết 57-NQ/TW

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn – nhấn mạnh quyết tâm tăng trưởng bằng khoa học công nghệ, thực hiện nghiêm Nghị quyết 57-NQ/TW. “Trong phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ thế giới, chúng ta cần có góc nhìn mới để đầu tư đúng và trúng, mang lại hiệu quả bền vững cho giai đoạn tới”, ông Tú nêu rõ.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đã có bài Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện công tác đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn này, Vinachem ghi dấu ấn là một trong những tập đoàn có chuyển biến mạnh mẽ về sản xuất, đầu tư, tài chính. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tập đoàn đạt 277.256 tỷ đồng, tăng bình quân 9,7%/năm; doanh thu hợp nhất 272.591 tỷ đồng, tăng 7,9%/năm; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 21.219 tỷ đồng, đột phá từ thua lỗ 2.119 tỷ đồng của giai đoạn năm 2016-2020. Đến hết tháng 6 năm 2025, Tập đoàn đã xóa hết lỗ lũy kế sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch, tích lũy được thặng dư lợi nhuận, từng bước khẳng định vai trò doanh nghiệp trụ cột ngành Hóa chất quốc gia.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn báo cáo tổng kết tại Hội nghị

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn báo cáo tổng kết tại Hội nghị

Song song với ổn định tài chính, Vinachem triển khai công tác đầu tư xây dựng với tổng vốn thực hiện đạt khoảng 4.642 tỷ đồng. Nhiều dự án lớn được triển khai đồng bộ: từ dây chuyền phân bón NPK công nghệ cao, khai thác apatit, đến mở rộng sản xuất lốp radial và phát triển nhà máy pin, ắc quy công nghệ mới. Đặc biệt, Vinachem đã “giải cứu” thành công các dự án từng được xếp vào danh sách thua lỗ kéo dài, biến lỗ thành lãi sau quá trình tái cơ cấu tài chính, quản trị sản xuất kinh doanh tại dự án.

Cùng với đó, Vinachem chủ động chuyển đổi mô hình tăng trưởng: đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển sàn thương mại điện tử VinachemMart, triển khai hàng loạt sáng kiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Định hướng phát triển xanh, tuần hoàn dần trở thành chuẩn mực trong đầu tư mới và sản xuất hiện hữu.

Kế hoạch 2026-2030: Mở rộng quy mô, chuyển đổi xanh, đầu tư công nghệ

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Phùng Quang Hiệp - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn khẳng định: “Thúc đẩy tăng trưởng thì phải hành động. Giai đoạn 2026-2030, quy mô đầu tư gấp 5 lần giai đoạn trước, nếu không hành động từ bây giờ, mọi kế hoạch sẽ chỉ nằm trên giấy.”

Ông Phùng Quang Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Vinachem: Muốn thúc đẩy tăng trưởng thì phải hành động ngay từ bây giờ, nếu không mọi kế hoạch sẽ chỉ nằm trên giấy.

Ông Phùng Quang Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Vinachem: Muốn thúc đẩy tăng trưởng thì phải hành động ngay từ bây giờ, nếu không mọi kế hoạch sẽ chỉ nằm trên giấy.

Trên cơ sở nền tảng đã được củng cố, Tập đoàn đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng hai con số cho giai đoạn 2026-2030, hướng tới một hệ sinh thái hóa chất toàn diện, hiện đại, gắn với các chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Các nhóm ngành ưu tiên đầu tư gồm: phân bón chất lượng cao, khai khoáng và chế biến sâu apatit, hóa chất cơ bản thế hệ mới, cao su kỹ thuật, pin, ắc quy công nghệ xanh. Nhiều dự án mang tính chiến lược sẽ được triển khai: mỏ Kali tại Lào, dây chuyền SOP, DCP, MAP, các nhà máy xút clor, nhà máy lốp đặc chủng phục vụ giao thông công cộng.

Tập đoàn chủ trương đầu tư theo hướng “Hiệu quả, công nghệ cao, thân thiện môi trường”. Các dự án mới sẽ ưu tiên sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, có khả năng kết nối vào mô hình kinh tế tuần hoàn. Mặt khác, Vinachem xác định chuyển đổi xanh không chỉ là xu thế mà là lối đi chiến lược: đặt mục tiêu giảm phát thải CO₂, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo và tiết kiệm 10% tổng năng lượng tiêu thụ trong giai đoạn tới.

Tập đoàn cũng xây dựng loạt giải pháp trọng tâm: tăng cường đổi mới công nghệ, hiện đại hóa quản trị, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm hóa chất phục vụ công nghiệp công nghệ cao (như bán dẫn, pin năng lượng, vật liệu mới).

Ông Phùng Mạnh Ngọc, Cục trưởng Cục Hóa chất nhấn mạnh 5 giải pháp phát triển ngành Hóa chất: Hạ tầng, tái cơ cấu, môi trường đầu tư, thu hút vốn, ưu đãi thuế và đất đai.

Ông Phùng Mạnh Ngọc, Cục trưởng Cục Hóa chất nhấn mạnh 5 giải pháp phát triển ngành Hóa chất: Hạ tầng, tái cơ cấu, môi trường đầu tư, thu hút vốn, ưu đãi thuế và đất đai.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phùng Mạnh Ngọc, Cục trưởng Cục Hóa chất nhấn mạnh một số giải pháp chính sách trọng tâm để phát triển ngành Hóa chất trong thời gian tới. Theo đó, cần tập trung đầu tư xây dựng các khu công nghiệp hóa chất đồng bộ về hạ tầng, tiện ích và môi trường; sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn nước ngoài; đồng thời triển khai chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và hạ tầng cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực này.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đại diện cho Công ty CP Hóa chất Việt Trì, Công ty CP DAP - Vinachem, Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam đã phát biểu tham luận về các chủ đề liên quan tới đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, đại diện Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam đã có bài tham luận tư vấn phân tích về chiến lược đầu tư ngành Hóa chất giai đoạn 2026-2030.

Hành động quyết liệt, tổ chức tinh gọn, phát huy trách nhiệm người đứng đầu

Nhìn lại 5 năm qua, Vinachem rút ra bài học then chốt: đầu tư phải đi cùng hành động. Những kết quả tích cực của giai đoạn trước đến từ sự quyết liệt trong chỉ đạo, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo và tổ chức bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp.

Ông Phùng Quang Hiệp nhấn mạnh: “Không ai có thể làm thay các đồng chí lãnh đạo các đơn vị. Tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược. Nếu không nhìn nhận, đánh giá, nắm bắt kịp thời thì sẽ tụt hậu.” Theo đó, Tập đoàn sẽ tiếp tục phân cấp mạnh hơn trong công tác đầu tư, trao quyền gắn với trách nhiệm giải trình rõ ràng để khơi dậy nội lực và sự chủ động từ các đơn vị thành viên.

Vinachem cũng xác định đổi mới sáng tạo là động lực xuyên suốt. Bài học thành công từ ứng dụng công nghệ số, xanh hóa sản xuất và cơ cấu lại doanh nghiệp sẽ tiếp tục được phát huy. Cùng với đó là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng văn hóa doanh nghiệp thích ứng với chuyển đổi.

Với nội lực vững chắc, mục tiêu rõ ràng và quyết tâm hành động cao, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam bước vào giai đoạn 2026-2030 với khát vọng tăng trưởng nhanh, xanh và bền vững. Dự kiến, năm 2025 Vinachem sẽ hoàn thành vượt kế hoạch với tăng trưởng tối thiểu 8%, làm bàn đạp cho mục tiêu hai con số trong giai đoạn sau. Đây là lời cam kết mạnh mẽ cho hành trình vươn tầm, hiện thực hóa khát vọng trở thành trụ cột trong công nghiệp hóa chất xanh của quốc gia.

Thảo Hiền

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/vinachem-thuc-day-tang-truong-dau-tu-giai-doan-2026-2030--tu-duy-dung-hanh-dong-trung-143169.htm