Vợ chồng trẻ làm nông nghiệp công nghệ cao
Chồng mở công ty chuyên làm nhà kính công nghệ cao, còn vợ chọn việc làm dưa lưới thủy canh trong nhà kính. Ðó là hướng đi mà đôi vợ chồng trẻ Trần Trọng Tuấn (29 tuổi) và Nguyễn Thị Ngọc (26 tuổi) ngụ tại Xóm 5 (Thôn 11, xã Ðại Lào, TP Bảo Lộc) chọn để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Sau khi tốt nghiệp lớp 12, anh Tuấn đã xuống TP Hồ Chí Minh học sửa chữa điện thoại. Sau khi mở tiệm sửa chữa điện thoại chưa được 1 năm, anh tiếp tục đi học lái máy xúc. Song, theo anh Tuấn, tất cả những nghề mà anh đã học và làm cũng chỉ là sở thích, chứ không phải là hướng đi mà anh chọn để lập nghiệp.
Năm 2014, anh Tuấn nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Ngọc. Từ đây, anh quyết định thành lập công ty chuyên nhận thi công các công trình nhà lưới, nhà kính sản xuất rau hoa, củ quả công nghệ cao. Sau hơn 5 năm làm nghề, đến nay, ngoài các địa phương trong tỉnh thì khách hàng của anh Tuấn được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Bình và cả các nước bạn Lào, Campuchia. “Hiện tại, Công ty đang thiết kế, lắp ráp 7 loại nhà kính theo nhu cầu của hộ gia đình và doanh nghiệp. Nhà kính sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được chúng tôi thi công có áp dụng công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông vào sản xuất nông nghiệp. Khi đưa vào sử dụng thì thiết bị sẽ kết nối với các cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, độ pH... giúp người sử dụng dễ dàng điều chỉnh các chỉ số nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng phù hợp với từng loại cây trồng” - anh Tuấn cho biết về công nghệ nhà kính mà mình đang thiết kế, lắp ráp.
Trung bình mỗi năm, anh Tuấn nhận thi công từ 12 - 15 công trình nhà kính, với diện tích từ 1.000 - 10.000 m2/công trình. Hiện, Công ty của anh Tuấn đang tạo công ăn, việc làm cho hơn 20 lao động, với mức thu nhập từ 400 - 450 ngàn đồng/ngày.
Trong khi đó, dù học chuyên ngành kế toán nhưng chị Ngọc lại chọn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để phát triển kinh tế. Với lợi thế có sẵn đất vườn, vợ chồng anh Tuấn, chị Ngọc đã đầu tư xây dựng 1.000 m2 nhà kính để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với hệ thống thiết bị thông minh có cài đặt các thông số về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm cũng như các yếu tố về môi trường để đưa ra biện pháp chăm sóc phù hợp. Tất cả được cài đặt điều khiển bằng điện thoại di động. Ngoài ra, nhà kính còn lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây trồng, vừa giảm tải công sức lao động và tiết kiệm nguồn nước. “Sau khi hoàn thành công trình, với tổng chi phí đầu tư khoảng 500 triệu đồng, tôi đã chọn cây dâu tây trồng theo công nghệ thủy canh. Song, hiệu quả kinh tế mà cây dâu tây mang lại không cao như kỳ vọng. Do đó, từ đầu năm 2019, tôi đã chuyển qua trồng dưa lưới Taki Nhật Bản” - chị Ngọc cho biết.
Với 1.000 m2 nhà kính, chị Ngọc đã chọn cách trồng dưa lưới thủy canh theo hình thức gối đầu. Toàn bộ dưa lưới được chị Ngọc trồng trên giá thể xơ dừa đã được xử lý mầm bệnh, trộn lẫn với đất và các loại phân vi sinh. Nhờ việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc, nên dưa lưới luôn phát triển đồng đều, không bị sâu bệnh và cho năng suất cao. Chị Ngọc chia sẻ: “Để dưa cho quả đẹp và đạt năng suất cao, khi dưa ra bông phải đặc biệt chú ý đến khâu thụ phấn. Phải làm sao chọn được 3 - 4 quả/cây, sau đó tỉa dần để lại 1 quả đẹp nhất để thu hoạch. Đối với giống dưa lưới Taki, thì từ lúc xuống giống đến lúc thu hoạch là 65 ngày”.
Hiện tại, sau khi thu hoạch, sản phẩm dưa lưới của chị Ngọc được bán cho các mối tại TP Bảo Lộc và TP Hồ Chí Minh, với giá từ 62 - 65 ngàn đồng/kg. “Tôi đang dự định, sẽ làm thêm 1.000 m2 nhà kính để mở rộng thêm diện tích sản xuất dưa lưới và trồng thêm một số loại rau thủy canh khác trong thời gian tới” - chị Ngọc cho biết thêm.
Anh Nguyễn Văn Định - Bí thư Đoàn xã Đại Lào khẳng định: “Từ những mô hình sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi tại địa phương cho thấy, muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương bằng nông nghiệp thì phải thay đổi tư duy, biết áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất mới có hiệu quả. Với mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của vợ chồng anh Tuấn, chị Ngọc đã chứng minh được trí tuệ, nghị lực và chí hướng làm giàu của tuổi trẻ. Mặc dù chi phí đầu tư cao, nhưng đây là mô hình sản xuất hiệu quả, với nhiều triển vọng nên chúng tôi sẽ giới thiệu tới đoàn viên, thanh niên để tham khảo, nhân rộng”.