Vụ Nhật Cường: 3 bị can bị khởi tố chiếm đoạt tài liệu mật, còn ai liên quan?

Ngoài việc khởi tố 3 bị can để điều tra về hành vi chiếm đoạt tài liệu mật trong vụ án 'Công ty Nhật Cường', nếu các đối tượng khác có vai trò chủ mưu, giúp sức, xúi giục thì cũng đều sẽ bị xử lý về cùng một tội danh với vai trò đồng phạm.

Ngày 22/7, Bộ Công an cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với 3 cá nhân có hành vi chiếm đoạt tài liệu mật trong vụ án “Công ty Nhật Cường” do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý điều tra.

Ba bị can gồm Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, trú tại số 104 Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội) - Phó trưởng Phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội; Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, trú tại phòng 1602 tòa T2 Chung cư Sun Grand City Lương Yên, số 3 Lương Yên, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) - Chuyên viên Phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội, lái xe của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Phạm Quang Dũng (SN 1983; trú tại phòng 3312 CT1 Chung cư Eco Green, đường Nguyễn Xiển, Tân Triều, Thanh Trì, TP Hà Nội) - nguyên cán bộ Công an.

Ba bị can Nguyễn Anh Ngọc, Nguyễn Hoàng Trung và Phạm Quang Dũng.

Ba bị can Nguyễn Anh Ngọc, Nguyễn Hoàng Trung và Phạm Quang Dũng.

Ba bị can trên bị khởi tố để điều tra về hành vi chiếm đoạt tài bí mật nhà nước theo Điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015. Hiện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi sai phạm của các bị can để xử lý trước pháp luật.

Dư luận đặt câu hỏi, động cơ phạm tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” của ba bị can trên là gì? Liệu còn ai liên quan?

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, việc khởi tố vụ án khi vụ việc có dấu hiệu tội phạm còn khởi tố bị can là khi cơ quan điều tra xác định có người thực hiện hành vi phạm tội, người đó có lỗi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Do đó, khi khởi tố bị can đối với các bị can trên, cơ quan điều tra phải thu thập các tài liệu chứng cứ chứng minh các bị can trên đã thực hiện hành vi phạm tội hoặc thực hiện hành vi có tính chất đồng phạm như giúp sức, xúi giục hoặc chủ mưu với người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.

Luật sư Cường cho rằng, trong vụ việc này, vấn đề động cơ mục đích thực hiện hành vi phạm tội là vấn đề quan trọng, bởi những trợ lý, lái xe của lãnh đạo là những người được tuyển chọn kỹ càng và họ thường rất tuân thủ các nguyên tắc, quy định.

"Việc trộm cấp tài sản có thể xảy ra nhưng chiếm đoạt tiêu hủy tài liệu thì nhằm động cơ mục đích gì, có lợi gì cho họ là vấn đề mà dư luận rất thắc mắc.

Đối với tội danh này, động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu quan trọng trong cấu thành tội phạm nhưng sẽ làm cơ sở để xác định những đồng phạm khác hoặc có thể bị can còn phạm tội khác" - luật sư Cường nêu ý kiến và cho rằng, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vấn đề này để có căn cứ giải quyết vụ việc triệt để, đúng pháp luật, không oan sai và cũng không bỏ lọt tội phạm.

Theo quy định của Điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015 thì hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu thụ hủy tài liệu bí mật nhà nước đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.

Ngoài ra để bảo vệ bí mật nhà nước, người nào được giao quản lý tài liệu bí mật nhà nước mà có hành vi vô ý làm lộ, làm mất bí mật nhà nước thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 338 Bộ luật hình sự năm 2015.

Hiện vụ 3 bị can bị khởi tố chiếm đoạt tài liệu mật đang được điều tra, làm rõ.

Mời độc giả xem thêm video Kêu gọi TGĐ Nhật Cường mobile ra đầu thú

Nguồn: VTC 1

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/vu-nhat-cuong-3-bi-can-bi-khoi-to-chiem-doat-tai-lieu-mat-con-ai-lien-quan-1412715.html