Vụ tàu PPC: Doanh nghiệp đóng tàu tiếp tục vạch các 'điểm mờ' QCVN 95 của Bộ GTVT

Ngày 20/7, đại diện doanh nghiệp đóng tàu bằng vật liệu PPC tiếp tục có văn bản vạch các 'điểm mờ' và cho rằng QCVN 95:2016/BGTVT được xây dựng và ban hành một cách vội vã với nhiều khiếm khuyết.

Cử tri tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã đề nghị Bộ GTVT trả lời rõ cơ sở nào để ban hành thông tư 43/2016/BGTVT quy định Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu PPC trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đề nghị Bộ GTVT trả lời rõ vì sao Cty Cổ phần công nghệ Việt Séc (khu công nghiệp Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu, Cty Việt Séc) đã gửi hai hồ sơ đăng ký kiểm định đối với 02 tàu chở khách PPC có sức chở 20 và 35 khách tại VR nhưng đến nay không được giải quyết.

Thế nào là nhu cầu của doanh nghiệp?

Sau khi bị truy vấn, ngày 12/6, Bộ GTVT có văn bản 6275/BGTVT- KHCN lý giải cho các căn cứ ban hành QCVN 95 và vấn đề đăng kiểm cho các tàu đã đóng của Cty Việt Séc.

Ngày 20/7, Cty Việt Séc đã có văn bản số 021/CV- VSC phản biện lại Bộ GTVT. Theo đó, đại diện Cty Việt Séc đã chỉ ra một loạt các điểm bất cập của cái gọi là QCVN 95: 2016/BGTVT.

Tàu do Cty Việt Séc đóng bằng vật liệu PPC đã hoàn thiện nhưng không thể giao cho khách hàng vì vướng đăng kiểm. (ảnh: HC)

Tàu do Cty Việt Séc đóng bằng vật liệu PPC đã hoàn thiện nhưng không thể giao cho khách hàng vì vướng đăng kiểm. (ảnh: HC)

Về nhu cầu của doanh nghiệp, Cty Việt Séc khẳng định nhu cầu ở đây là được sản xuất, được công nhận sản phẩm để đưa vào lưu thông. Doanh nghiệp không có nhu cầu phải có quy chuẩn đóng tàu vật liệu PPC (như trả lời của Bộ GTVT) khi mà quy chuẩn đó ban hành ra lại là rào cản cho doanh nghiệp, cản trở việc ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ.

“Trước khi Quy chuẩn tàu PPC được Bộ Giao thông vận tải ban hành thì cơ quan đăng kiểm đã đăng kiểm hàng loạt tàu có sức chở đến 12 người và Bộ Giao thông vận tải cũng đánh giá các tàu này đến nay vẫn rất an toàn, vậy thì cần gì phải ban hành quy chuẩn giới hạn sức chở 12 người. Nếu không có quy chuẩn QCVN95:2016/BGTVT thì doanh nghiệp sẽ không bị phá sản hàng loạt hợp đồng đóng tàu thuyền cho khách hàng có giá trị hàng chục tỷ đồng và người lao động không bị lao đao vì không có việc làm”- văn bản của Cty Việt Séc nêu.

“Dù Bộ GTVT cho rằng quy chuẩn ban hành không có nghĩa là cấm chế tạo các phương tiện thủy nội địa có kích thước và sức chở lớn hơn quy chuẩn nhưng về mặt luật pháp thì quy chuẩn là một văn bản pháp luật có tính bắt buộc phải tuân thủ đối với các bên liên quan (bao gồm cơ quan đăng kiểm và người sản xuất, chủ phương tiện) nên khi quy chuẩn có hiệu lực thi hành từ ngày 28/7/2017 thì việc đăng kiểm phương tiện có sức chở và kích thước lớn hơn sẽ vô cùng khó khăn”- ông Vũ Văn Đảo- Giám đốc Cty Việt Séc nêu bức xúc.

Ngoài ra, Cty Việt Séc cũng phân tích rõ tại văn bản này là QCVN 95:2016/BGTVT được xây dựng và ban hành một cách vội vã với đầy khiếm khuyết.

“Khi quy chuẩn có hiệu lực nó sẽ là rào cản đối với việc phát triển tàu thuyền công nghệ vật liệu PPC. Muốn xây dựng một bộ quy chuẩn tốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì cần phải có thời gian, cần phải có đủ căn cứ khoa học và thực tiễn, phải biết tôn trọng ý kiến của doanh nghiệp sản xuất chứ không chỉ lấy ý kiến các chuyên gia ngồi phòng lạnh. Bộ GTVT viện dẫn hai tàu đóng thử nghiệm với sức chở 32 và 56 khách do doanh nghiệp ngoài Bắc đóng không thành công nhưng vẫn được đăng kiểm trong khi Cty Việt Séc đóng hai tàu sức chở 20 và 35 khách đã chạy thử nghiệm rất thành công thì lại không quan tâm xem xét để có cơ sở bổ sung, điều chỉnh quy chuẩn.

Cơ quan đăng kiểm đã đăng kiểm tàu dài 8m chở 12 người nhưng Quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT cho đóng tàu dài 20m sức chở cũng không quá 12 người. Bộ GTVT hãy giải thích xem sức tải của con tàu không phụ thuộc kích thước thì phụ thuộc vào cái gì? Trên thực tế không ai đi đặt đóng tàu dài 20m cũng để chở số khách bằng với tàu dài 8m.

Cơ sở để ban hành quy chuẩn đóng tàu vật liệu PPC không phải vì nhu cầu của doanh nghiệp hay nhu cầu phát triển phương tiện thủy nội địa mà Bộ GTVT đề cập. Chưa có đủ căn cứ khoa học và thực tiễn để ban hành một quy chuẩn kỹ thuật đóng tàu vật liệu PPC với mục đích quản lý và hỗ trợ cho việc ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ”. - Đại diện doanh nghiệp đóng tàu PPC phân tích, bức xúc.

Doanh nghiệp bức xúc vì bị bắt buộc phải tuân thủ văn bản khi chưa có hiệu lực

Liên quan đến hai tàu đóng bằng vật liệu PPC có sức chở 20 người và 35 người của Cty Việt Séc đã đóng xong từ lâu nhưng không thể đăng kiểm để bàn giao cho khách hàng mặc dù trước đó đã nhiều lần có văn bản đề nghị VR đăng kiểm nhưng đều bị từ chối, đại diện Cty Việt Séc bày tỏ bức xúc vì cho rằng phải tuân thủ một văn bản pháp luật khi nó chưa có hiệu lực pháp luật.

Văn bản của Cty Việt Séc chỉ ra một loạt bất cập của cái gọi là QCVN 95- được cho là rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp đóng tàu bằng vật liệu PPC. (ảnh: HC)

Văn bản của Cty Việt Séc chỉ ra một loạt bất cập của cái gọi là QCVN 95- được cho là rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp đóng tàu bằng vật liệu PPC. (ảnh: HC)

Cty Việt Séc khẳng định ký hợp đồng đóng các cano du lịch cho khách hàng từ tháng 9/2016, trước thời điểm Bộ GTVT ban hành quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT cho tàu PPC có hiệu lực từ ngày 28/7/2017. Hồ sơ tính toán thiết kế đã gửi cho VR từ tháng 11/2016 nhưng đến nay cơ quan đăng kiểm vẫn chưa duyệt hồ sơ thiết kế để Chi cục Đăng kiểm 9 tại Vũng Tàu tiến hành đăng kiểm phương tiện.

“Hai chiếc tàu ký hiệu H30 và H38 có sức chở 20 và 35 người đã được đóng hoàn chỉnh và chạy thử thành công từ tháng 4/2017. Doanh nghiệp đã nhiều lần có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam đăng kiểm nhưng đều bị từ chối vì lý do Bộ GTVT đã ban hành QCVN95:2016/BGTVT giới hạn sức chở tối đa của phương tiện là 12 người.

Vậy tại sao cả Bộ GTVT và VR lại bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ một văn bản pháp luật khi nó chưa có hiệu lực pháp luật? Tại thời điểm quy chuẩn tàu PPC chưa có hiệu lực pháp luật nếu doanh nghiệp đóng được tàu chở khách trên 12 người thì Bộ GTVT phải cho VR đăng kiểm tàu cho doanh nghiệp như trước đó. Không thể viện dẫn một văn bản chưa có hiệu lực pháp luật để cản trở doanh nghiệp.

Năm 2014, doanh nghiệp đã đóng thành công chiếc tàu cho Cảnh sát biển có chiều dài lớn nhất 14m, trang bị hai máy trong với tổng công suất 600HP, trong khi hai cano chở khách doanh nghiệp đề xuất đăng kiểm có chiều dài lớn nhất 11m, trang bị hai động cơ ngoài với tổng công suất 500HP. Xét về mặt kích thước, công nghệ và công suất động cơ thì hai cano chở khách nhỏ hơn, đơn giản hơn nhiều so với tàu tuần tra của Cảnh sát biển. Vậy tại sao Bộ GTVT lại cứ phải yêu cầu doanh nghiệp làm thử nghiệm trong khi chiếc tàu to hơn doanh nghiệp đã đóng thành công? Trên thực tế người ta chỉ làm thử nghiệm cái gì mà nó chưa chắc chắn thành công, còn khi doanh nghiệp đã đóng được chiếc tàu to hơn, phức tạp hơn rồi thì sẽ không phải làm thử nghiệm nữa.

Hai cano Công ty đề xuất đăng kiểm từ năm 2016 đã được đóng và chạy thử nghiệm thành công từ tháng 4/2017. Tại sao Bộ GTVT không cử cán bộ vào kiểm tra xem tàu đóng thế nào, hồ sơ thiết kế ra sao mà cứ nói doanh nghiệp muốn đăng kiểm thì phải làm thử nghiệm?”- Đại diện Cty Việt Séc đặt vấn đề khi “vạch” các giải thích quá cũ của Bộ GTVT.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Đảo- Giám đốc Cty Việt Séc có quan điểm rằng Bộ GTVT cần phải nhanh chóng chỉ đạo VR tiến hành đăng kiểm hai chiếc cano du lịch mà công ty ông đã sản xuất, đã gửi hồ sơ tính toán thiết kế hơn nửa năm nay để cho tàu vào hoạt động tránh thiệt hại thêm cho Cty. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cần xem xét sửa đổi QCVN 95:2016/BGTVT để phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Hà Châu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vu-tau-ppc-doanh-nghiep-dong-tau-tiep-tuc-vach-cac-diem-mo-qcvn-95-cua-bo-gtvt-20170721170529918.htm