Vụ Vạn Thịnh Phát: Số tiền phải thi hành bằng 1/3 của cả ngành thi hành án năm 2024
Lãnh đạo Bộ Tư pháp và lãnh đạo TP.HCM cho biết việc thi hành án vụ án Vạn Thịnh Phát được đặc biệt quan tâm và thành lập riêng ban chỉ đạo để thi hành vụ án này.
Ngày 11-12, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM về nâng cao hiệu quả phối hợp công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp và thi hành án dân sự trên địa bàn TP.HCM.
TP.HCM còn 175 bản án, quyết định hành chính chưa được thi hành xong
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Tư pháp cùng lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM tập trung trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp đối với công tác tư pháp và thi hành án (THA) trên địa bàn.
Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết TP.HCM là trung tâm kinh tế tài chính của cả nước. Qua các năm số lượng vụ việc, khối lượng công việc ngày càng tăng, đi cùng với đó là tính chất phức tạp của các vụ tranh chấp, khiếu kiện. Từ đó, đòi hỏi cả hai cơ quan trong thời gian tới cần tích cực trao đổi, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác tư pháp và THA.
Về công tác THA trên địa bàn TP.HCM trong năm 2024, Thứ trưởng bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, cho biết trong năm 2024 tổng số việc mà các cơ quan THADS trên địa bàn TP giải quyết là hơn 113.000 việc, thụ lý mới tăng 10% so với năm 2023. Tổng số tiền đã thi hành xong 34.000 tỉ đồng, vượt so với chỉ tiêu được giao.
Cũng theo Thứ trưởng bộ Tư pháp thì TP.HCM là địa phương chiếm 1/10 cả nước về việc và chiếm 3/10 về tiền phải THA trong công tác THA.
Về THA hành chính, tính đến nay đã thi hành xong 88/263, còn 175 bản án, quyết định chưa thi hành xong. Từ đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề xuất Thành ủy, UBND TP tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan THA trong quá trình xác minh tài sản, tính chất pháp lý của tài sản trong quá trình THA. Đồng thời đề nghị các cấp nghiêm chỉnh chấp hành các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
THA vụ Vạn Thịnh Phát lớn nhất trong lịch sử THA
Thông tin về vấn đề THA vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Thứ trưởng Mai Lương khôi cho biết có thể nói THA vụ án Vạn Thịnh Phát là lớn nhất trong lịch sự THA. Hiện nay giai đoạn 1 của vụ án đã được TAND Cấp cao xét xử phúc thẩm và bản án đã có hiệu pháp luật.
Theo đó, bản án có hiệu lực của giai đoạn 1 đã tuyên bị cáo Trương Mỹ Lan có trách nhiệm bồi hoàn cho ngân hàng SCB hơn 673.000 tỉ đồng, giao cho ngân hàng SCB quản lý 1.121 mã tài sản. Bản án phúc thẩm cũng nêu lên trách nhiệm của công an, VKS trong việc giám sát quá trình THA.
Đáng chú ý, tổng số tiền phải THA của cả hai giai đoạn là trên 50.000 tỉ đồng, số tiền này chiếm 1/3 số tiền mà cả ngành THA phải thi hành trong năm 2024.
"Với khối lượng công việc rất lớn như vậy, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo cơ quan THA phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Tòa án và VKS để rà soát về tài sản, tình trạng pháp lý của tài sản để tránh việc giải thích lại, có thể triển khai thi hành án ngay.
Bộ Tư pháp cũng đã nghiên cứu, dự báo trước những khó khăn vướng mắc trong vụ án đặc biệt này để gỡ vướng kịp thời. Từ đó đã báo cáo và được trung ương chấp thuận cho phép thành lập ban chỉ đạo liên ngành để chỉ đạo THA vụ án này"- Thứ trưởng Mai Lương Khôi thông tin.
Thông tin thêm, ông Khôi cho biết vụ án này có khối lượng bất động sản lớn, nằm rải rác ở các quận, huyện của TP, chủng loại bất động sản thì đa dạng phức tạp và tính chất pháp lý phức tạp.
Từ đó, ông Khôi kiến nghị Thành ủy, UBND TP chỉ đạo các địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát pháp lý của các tài sản để đảm bảo các tài sản nào sạch thì ưu tiên đưa ra bán đấu giá ngay để có nguồn tiền THA, chi trả tiền cho hơn 43.000 bị hại. Cạnh đó, Thứ trưởng cũng kiến nghị các cơ quan tư pháp tại TP.HCM cần có kế hoạch và dự trù trước các tình huống để đảm bảo an ninh trật tự khi THA.
Liên quan đến THA vụ án này, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết TP đã có ban chỉ đạo để thi hành bản án của tòa. Do đó, trong quá trình THA những vấn đề nào cần gỡ vướng, vướng ở đâu thì các cơ quan tổ chức thi hành nêu ra để ban chỉ đạo có giải pháp xử lý kịp thời, nhanh chóng.
Còn Cục Trưởng cục THADS TP Nguyễn Văn Hòa cho biết cần có cơ chế đặc biệt để THA vụ án đặc biệt như này. Đồng thời, kiến nghị Sở Tài chính tham gia vào quá trình thẩm định, định giá các tài sản vì sau khi Cục THADS tổ chức định giá các tài sản xong thì cần có hội đồng định giá của Sở Tài chính tham gia để đánh giá, xem xét, giám sát kết quả định giá để đảm bảo tài sản định giá sát với giá trị thị trường, thu về được tối đa giá trị của tài sản.
Cũng tại buổi làm việc, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP, cho biết năm 2024 TP.HCM có khối lượng công việc tăng, đa dạng và phức tạp. Ba cơ quan tư pháp của TP trong năm đã tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp và tham mưu cho UBND TP ban hành các văn bản, Nghị quyết để tập trung vào xây dựng thể chế triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 thì TP đã tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền để ban hành ba nghị định, các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai ngay.