Vườn dổi độc nhất vô nhị ở thủ phủ cam Cao Phong

Khi giá cam, giá đất lên cao ngất ngưởng ở thủ phủ cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, vợ chồng bà Hoàng Thị Ngọt ở xóm Nam Thái, xã Nam Phong lại mua dổi về trồng. Sau 20 năm kiên trì với lựa chọn và nhận định của mình, giờ gia đình bà Ngọt đã có vườn dổi tươi tốt và cho thu hạt đều đặn.

Vượt qua dốc Cun là chạm đến địa phận huyện Cao Phong. Dọc hai bên đường bạt ngàn vườn cam, vườn bưởi. Cây có múi đã leo lên những ngọn đồi cao và cả những chân ruộng trũng. Khi giá cam "lên đồng", nhà nhà cùng tham gia trồng cam. Vậy mà cạnh Quốc lộ 6, thuộc địa phận xã Nam Phong có vườn cây rừng tươi tốt. Từng cây mọc thẳng đứng như cột chống trời. Đây là vườn dổi độc nhất vô nhị ở vùng cam Cao Phong của bà Ngọt. Có nhiều cây to bằng cả người ôm, cao hơn 20m. Vườn dổi của bà Ngọt đã choán một góc trời. Nó đã từng bị xếp vào khu vườn "lạc loài", vì chỉ có vợ chồng bà Ngọt mới dám đi ngược lại với xu thế của vựa cam từng mang lại cho người dân nơi đây cả núi tiền.

Vợ chồng bà Hoàng Thị Ngọt ở xóm Nam Thái, xã Nam Phong

Ngày ngày ra vườn… nhặt tiền

Gọi cửa mãi, chúng tôi mới thấy người đàn ông tóc muối tiêu nhưng bước đi còn nhanh nhẹn ra đón. Hóa ra ông Giao đang ở tận sâu trong vườn thu hoạch hạt dổi. Bà Ngọt, vợ ông Giao đang phơi dổi ngoài hiên nhà. Vừa bước qua cánh cửa cổng, chúng tôi lạc vào khu vườn rợp bóng mát, tỏa hương thơm ngào ngạt. Mùi dổi chín tựa như hương rừng lan xa. Cơn gió núi thổi qua, vô tình cuốn theo thứ hương quyến rũ của hoa ngọc lan. Như đoán được sự thắc mắc của người khách lạ, bà Ngọt nhẹ nhàng giới thiệu: "Giờ đang là mùa thu hoạch dổi. Nhiều cây còn đang ra hoa trái vụ. Cây dổi cùng họ với cây ngọc lan. Hoa của chúng có mùi thơm ngào ngạt như hoa ngọc lan".

Theo hướng chỉ tay của bà Ngọt, từng hàng dổi, thân to bằng người ôm mọc lên sừng sững. Cây nào cũng cao chót vót. Cây được trồng thành từng hàng như vách thành dựng lên vậy. Tán cây xòe rộng khiến ánh nắng không lọt được xuống đất. Dưới gốc cây dổi, bà Ngọt căng nhiều tấm bạt, tấm lưới. Trên nền bạt, thi thoảng có những hạt dổi đỏ ối rụng xuống kêu bồm bộp.

Hạt dổi giờ khi chín có màu đỏ ổi. Nó là thứ gia vị độc đáo của người Mường

Đám dổi già nhất trong vườn, vợ chồng bà Ngọt đã trồng được 20 năm. Thân cây to hơn cả người ôm, nom chúng vững chãi như những người khổng lồ. Cây dổi xòe tán rộng, phía trên từng chùm quả chín đang nứt ra. Quả dổi có màu đỏ ối ken dày trong kẽ lá dưới nắng chiều nom đẹp vô cùng. Dổi phủ quanh ngôi nhà nhỏ của gia đình. Hạt dổi khô chuyển dần sang màu đen và dậy mùi hơn. Năm nay bà Ngọt thu được khoảng tạ hạt dổi, với giá bán cả triệu đồng/kg.

Sau mỗi năm, dổi lại cho nhiều quả hơn. Theo bà Ngọt, có cây dổi cho trên 10kg hạt, thậm chí là cả 100kg như người dân ở Chí Đạo (Lạc Sơn) đã từng thu. Trong vườn bà trồng trên 300 cây, nếu như chúng cho thu đồng loạt, bà lại có một khoản lớn. "Trồng dổi không sốt ruột được, nó phải 10 năm mới cho hạt. Sau mỗi mùa, cây sẽ cho nhiều quả hơn. Và quan trọng là gỗ dỗi cũng rất đáng giá. Mỗi cây trị giá cả cây vàng", bà Ngọt chia sẻ.

Vợ chồng bà Ngọt đã kỳ công trồng được cả vườn dổi hơn 300 cây

Thành quả của người bị coi là "lạc lối"

Có được vườn dổi khép tán và cho thu hoạch như ngày hôm nay, vợ chồng bà Ngọt cũng trải qua không ít gian nan. Bà quê ở Bắc Giang, lên là giáo viên dạy ở Cao Phong. Ông bà gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng. Bà sinh hạ được 4 người con. Khi con cái đều ở tuổi ăn, tuổi học, mở mắt ra là cần tới tiền, vậy mà lương ở nông trường của chồng và lương giáo viên của bà chỉ được ba cọc ba đồng.

Ông Giao kể, năm đó, tôi mang cam đi bán ở Tân Lạc, giá cam chỉ có 2.000đ/kg, trong khi đó bà con người Mường bán hạt dổi lên tới 90.000đ/kg. Ông lân la hỏi chuyện, mới biết ở xã Chí Đạo và Thượng Cốc của huyện Lạc Sơn, bà con trồng cây dổi làm hàng rào. Nhưng khi cây trưởng thành cho hạt, có cây dổi cho mấy chục cân hạt, trị giá cả chục triệu đồng.

Sau 20 năm kiên trì trồng dổi, giờ vợ chồng bà Ngọt đã gặt hái quả ngọt. Mỗi năm vườn dổi mang lại khoản thu nhập không nhỏ cho gia đình

Bữa đó, ông Giao cũng bấm bụng đổi cả yến cam lấy lạng hạt dổi mang về nhà thưởng thức xem cái thứ gia vị đắt như vàng đó có vị gì. Hạt dổi nướng lên tỏa hương thơm ngào ngạt và rất dậy mùi. Vợ chồng bà đã quyết định đưa cây dổi vào trồng ở vườn nhà. Trong khi đó, nhà nhà trồng chanh đào, trồng cam chỉ sau vài năm thu "tỉ nọ, tỉ kia", càng khiến việc trồng dổi của vợ chồng bà bị coi là "lạc lối".

Suốt 20 năm kiên trì trồng cây, chịu bao áp lực và có cả những lời ra, lời vào của nhiều người cho rằng ông bà không thức thời, giờ đây, cây dổi đã trả công cho người trồng.

Vợ chồng bà Ngọt nay đã nghỉ hưu. Ngày ngày ông bà chăm sóc vườn dổi. Mùa thu hoạch dổi bắt đầu từ tháng 10 kéo dài tới hết năm. Vườn dổi là của dể dành của ông bà. Cây dổi mang lại hiệu quả kép vừa cho thu hạt vừa cho thu gỗ. Một cây dổi có tuổi đời 30 năm, được thợ buôn gỗ ngạ mua cả mấy chục triệu đồng, tương đương một cây vàng. Theo bà Ngọt, cây dổi còn mang lại nhiều lợi ích khác mà ít người biết được. Lá dổi, cùi dổi khi đã bóc hạt có thể làm vị thuốc để tắm và ngâm chân cho máu huyết lưu thông. Hạt dổi là thứ gia vị được thương lái săn lùng mang xuất sang Trung Quốc. "Hôm rồi xem báo mạng, tôi còn được biết, chuyên gia người Đức đã sang tận xứ Mường ở cả tháng trời để nghiên cứu, khảo sát tìm cách đưa hạt dổi sang châu Âu" – bà Ngọt nói.

Thanh Vân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vuon-doi-doc-nhat-vo-nhi-o-thu-phu-cam-cao-phong-20221112063925728.htm