WHO: châu Âu đã trở thành tâm điểm của đại dịch

Trong cuộc họp báo ngày 13-3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá, châu Âu đã trở thành tâm điểm của đại dịch Covid-19.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters)

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters)

Ông Ghebreyesus cho biết, WHO đã nhận được báo cáo về hơn 132 nghìn ca mắc Covid-19 tại 123 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. “5.000 người đã mất đi mạng sống của mình, một dấu mốc bi thương”, ông Ghebreyesus chia sẻ.

Tổng Giám đốc WHO đánh giá, lúc này châu Âu đã trở thành tâm điểm của đại dịch, với số ca bệnh và tử vong được ghi nhận tại “lục địa già” cao hơn các khu vực khác trên thế giới cộng lại, trừ Trung Quốc. Hiện, số ca bệnh được ghi nhận trên thế giới mỗi ngày cao hơn con số này tại Trung Quốc trong thời kỳ cao điểm của dịch bệnh.

Ông Ghebreyesus cho rằng, phần lớn các nước đều có kế hoạch hành động quốc gia và hầu hết các nước đều đang triển khai cách tiếp cận đa lĩnh vực cũng như có năng lực tiến hành xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. WHO cũng đã đưa ra hướng dẫn dựa trên thực tế mà tất cả các quốc gia có thể sử dụng được. Tổng Giám đốc WHO cam kết, WHO sẽ tiếp tục ủng hộ các quốc gia chuẩn bị và ứng phó dịch Covid-19.

Ông Ghebreyesus nhấn mạnh, thông điệp WHO muốn gửi tới các nước vẫn là: các bạn phải triển khai một cách giải quyết toàn diện. WHO cho rằng, các nước không nên chỉ triển khai một trong các biện pháp: xét nghiệm, tìm ra những người đã tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi mắc Covid-19, cách ly, giữ khoảng cách khi tiếp xúc trong cộng đồng, mà thay vào đó là thực hiện tất cả biện pháp này.

“Sẽ là sai lầm chết người nếu một quốc gia nhìn vào trải nghiệm của các quốc gia hứng chịu dịch bệnh lớn và nghĩ rằng “điều đó sẽ không xảy ra với mình”. Dịch bệnh có thể xảy ra tại bất cứ quốc gia nào”, ông Ghebreyesus cảnh báo.

Kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và các quốc gia khác rõ ràng đã chứng tỏ rằng chủ động xét nghiệm, khoanh vùng những người tiếp xúc người bệnh hoặc người nghi mắc bệnh kết hợp với các biện pháp giữ khoảng cách khi tiếp xúc với cộng đồng và huy động cộng đồng có thể ngăn chặn được sự lây lan của Covid-19 và cứu sống nhiều người. Trường hợp Nhật Bản cũng cho thấy cách giải quyết huy động toàn bộ chính phủ với sự dẫn dắt của Thủ tướng Abe Shinzo là một bước rất quan trọng trong việc làm giảm sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Một lần nữa, ông Ghebreyesus nhấn mạnh, WHO đã có lời khuyên cụ thể dành cho các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân: đầu tiên, chuẩn bị và sẵn sàng; thứ hai, phát hiện, bảo vệ và điều trị; thứ ba, làm giảm sự lây nhiễm; thứ tư, đổi mới và học hỏi; và cuối cùng là bạn có thể trao đi. WHO đang phát động Quỹ đoàn kết ứng phó Covid-19 để kêu gọi các cá nhân và tổ chức góp sức vào cuộc chiến đẩy lùi đại dịch toàn cầu.

H.H

Theo WHO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43603502-who-chau-au-da-tro-thanh-tam-diem-cua-dai-dich.html