WHO hối thúc các nước ưu tiên hàng đầu cho chống dịch COVID-19

Nhân viên y tế phân tích mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắcCOVID-19 tại một phòng thí nghiệm ở Roosendaal, Hà Lan ngày 4/3/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6/3 đã đề nghị tất cả các quốc gia trên thế giới đặt mục tiêu phòng chống dịch bệnh COVID-19 lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, WHO cũng đề nghị các quốc gia hạn chế những tranh cãi, tập trung vào quá trình phòng dịch. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đề cập tới số liệu mới nhất về các ca nhiễm COVID-19 trên thế giới.

Ông nói: “Chúng ta đang gần đạt tới 100.000 ca xác nhận nhiễm (COVID-19). Dịch bệnh đang lan rộng về mặt địa lý và vô cùng đáng quan ngại. Chúng tôi tiếp tục khuyến cáo tất cả các nước đặt việc ngăn chặn dịch làm ưu tiên lớn nhất”.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc WHO cũng cho rằng Nhật Bản và Hàn Quốc nên tập trung vào công tác phòng chống dịch bệnh, thay vì có những động thái trả đũa lẫn nhau như trong thời gian qua.

Cũng tại cuộc họp báo, khi được hỏi về khả năng vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể không lây lan dễ dàng trong điều kiện thời tiết ấm những tháng mùa hè tại châu Âu, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan nhận định: "Chúng tôi vẫn chưa biết rõ hoạt động hay hành vi của loại vi rút này ở những điều kiện thời tiết khác nhau. Chúng tôi đành phải giả định rằng vi rút sẽ tiếp tục có khả năng lây lan”.

Ông Ryan cho rằng sẽ là sai lầm khi hy vọng rằng vi rút sẽ biến mất vào mùa Hè như vi rút gây bệnh cúm khi tới nay, chưa hề có bằng chứng cho rằng điều này sẽ xảy ra. Khi được hỏi về sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại Iran, ông Mike Ryan cho biết cũng giống như Trung Quốc và Hàn Quốc, Iran nhanh chóng phát hiện nhiều trường hợp nhiễm vi rút là do bắt đầu tích cực rà soát dịch bệnh.

Trong cuộc chiến chống vi rút SARS-CoV-2, Áo tuyên bố sẽ tạm dừng tất cả các chuyến bay đến và đi trực tiếp từ Hàn Quốc, Iran và hai thành phố của Ý là Milan và Bologna trong hai tuần.

Hiện hai hãng hàng không Airlines Korean và Asiana vẫn khai thác đường bay từ Hàn Quốc tới Vienna cả trực tiếp và qua trung chuyển. Từ Tehran, hành khách vẫn có thể đến thẳng Vienna với hãng hàng không Iran Air hoặc quá cảnh ở Istanbul với hai hãng hàng không Turkish Airlines và Pegasus Airlines.

Theo thông báo của Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tối 6/3, ngoài việc trên, giới chức Áo cũng sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe các trường hợp qua biên giới ở vùng giáp với Ý. Khách du lịch muốn đến Áo từ Hàn Quốc, Iran và các vùng của Trung Quốc phải kiểm tra y tế để chứng minh họ không bị nhiễm SARS-CoV-2.

Theo ông Kurz, mục đích của các biện pháp này là nhằm ngăn chặn và giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh. Các biện pháp này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tuần tới, sau 2 tuần, các biện pháp sẽ được đánh giá lại theo tình hình thực tế. Hiện số ca lây nhiễm vi rút Sars-CoV-2 tại Áo là 66 người, trong đó riêng ở thủ đô Vienna là 23 trường hợp.

Hãng hàng không Đức Lufthansa ngày 6/3 thông báo sẽ cắt giảm một nửa số chuyến bay của hãng nhằm giảm thiệt hại về kinh tế do hậu quả của dịch COVID-19. Theo thông báo của Lufthansa, trong những tuần tới, hãng sẽ giảm tần suất bay 50% nhằm giảm bớt những thiệt hại về tài chính khi nhu cầu về hàng không sụt giảm mạnh do dịch COVID-19.

Lufthansa trước đó cũng đã thông báo lượng lớn khách hàng hủy đặt vé, trong khi nhiều chuyến bay (chủ yếu là nội địa và một số điểm đến ở Ý) cũng đã bị hủy. Riêng trong tháng 3, hãng hàng không lớn nhất châu Âu này cũng đã thông báo hủy 7.100 chuyến của riêng thương hiệu Lufthansa.

Trong khi đó, các công ty con của Lufthansa như Austrian, Swiss, Eurowings và Brussels Airlines cũng có nhiều chuyến bay bị hủy bỏ. Hiện Lufthansa, với phi đội gồm khoảng 780 máy bay, đã hủy toàn bộ các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, Iran và Israel. Tại Đức, số trường hợp nhiễm bệnh ghi nhận hết ngày 6/3 là 670 ca, trong đó có một số ca trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 7/3, truyền thông Trung Đông dẫn thông báo của Bộ Y tế Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) cho biết nước này đã ghi nhận thêm 15 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Như vậy, tính đến nay tổng số ca mắc COVID-19 ở UAE đã lên tới 45 người.

Trước đó, UAE đã thông báo vào hôm 29/1 về trường hợp đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 là thành viên trong một gia đình tới từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Bộ Y tế UAE cho biết đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết theo đúng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hệ thống y tế quốc gia cũng đang làm việc hết sức tích cực và theo dõi sát sao tình hình để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người dân. Còn tại Iraq ngày 6/3 cũng đã phát hiện thêm 8 ca nhiễm SARS-CoV-2.

Cùng ngày, cơ quan y tế Mexico thông báo xác nhận thêm một ca nhiễm mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca dương tính với SARC-CoV-2 lên 6 trường hợp. Ca nhiễm mới là một người đàn ông 71 tuổi trở về từ Ý. Tất cả các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ở Mexico đến nay đều có tiền sử dịch tễ trở về từ vùng dịch Ý. Hiện tại, cơ quan y tế Mexico đang cách ly, theo dõi 39 trường hợp nghi nhiễm khác.

Theo Reuters, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 7/3 thông báo, Trung Quốc Đại lục ghi nhận thêm 99 ca nhiễm bệnh COVID-19 trong ngày 6/3, nâng tổng số ca nhiễm tại Đại lục tính tới ngày 6/3 là 80.651 người.

Số ca tử vong tại Trung Quốc Đại lục trong ngày 6/3 là 28 người, nâng tổng số ca tử vong tại Đại lục lên thành 3.070 người, tính tới hết ngày 6/3. Toàn bộ 28 ca tử vong đều tại tỉnh Hồ Bắc, tâm của dịch bệnh. Trong số đó, 21 ca tử vong ghi nhận tại thủ phủ Vũ Hán của Hồ Bắc.

Trong diễn biến khác, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Y tế thuộc Ủy ban Y tế Nhà nước Trung Quốc, ông Trịnh Trung Vĩ ngày 6/3 cho biết, Bắc Kinh hy vọng vào tháng 4 sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một số loại vắcxin đang được phát triển để ngừa SARS-CoV-2.

Phát biểu họp báo, ông Trịnh nói: "Theo ước tính của chúng tôi, hy vọng vào tháng 4, một số vắcxin sẽ được thử nghiệm lâm sàng hoặc sử dụng khẩn cấp theo quy trình được quy định trong luật pháp”. Theo ông, trong quá trình phát triển vắcxin cần phải dần dần giải quyết các vấn đề mới phát sinh.

Tại Hàn Quốc, theo Reuters, ngày 7/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo, Hàn Quốc ghi nhận thêm 174 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 6/3, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 6.767 người. KCDC cho biết số ca tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc vẫn không thay đổi là 44 người.

Ngày 6/3, Togo đã thông báo về ca mắc bệnh COVID-19 đầu tiên ở nước này. Bệnh nhân là một phụ nữ, 42 tuổi, có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 sau khi kết thúc chuyến đi tới Benin, Đức, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Văn phòng tổng thống Togo cho biết bệnh nhân sống tại thủ đô Lome cùng gia đình. Hiện bệnh nhân đã được cách ly tại trung tâm y tế. Cơ quan chức năng nước này cũng đã xác định những người có tiếp xúc với bệnh nhân và tiến hành cách ly.

Bệnh nhân đã có chuyến đi tới 4 nước trên trong thời gian từ 22/2 đến 2/3, trước khi trở về Togo thông qua đường bộ với Benin. Tại khu vực hạ Sahara châu Phi, Senegal đến nay đã xác nhận 4 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó toàn bộ là công dân nước ngoài, trong khi đó, Nam Phi, Nigeria và Cameroon cũng đã xác nhận có 1 ca mắc COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019.

Trong khi đó, ngày 6/3, giới chức y tế Anh xác nhận thêm thêm 47 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2, nâng tổng số ca lây nhiễm ở nước này lên 163 người. Theo Bộ Y tế Anh và Cơ quan Y tế Công cộng xứ England, số ca tử vong do SARS-CoV-2 là 1 người. Trong khi đó, truyền thông Anh đưa tin đã có trường hợp tử vong thứ 2 ở nước này.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/235906/who-hoi-thuc-cac-nuoc-uu-tien-hang-dau-cho-chong-dich-covid-19.html