WHO kêu gọi tăng cường giám sát cúm gia cầm H5N1 ở động vật

Nhà dịch tễ học Maria Van Kerkhove, thuộc WHO, kêu gọi tăng cường giám sát động vật để tìm bằng chứng nhiễm cúm gia cầm H5N1 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Mỹ phát hiện 55 trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1 ở người.

Mỹ phát hiện 55 trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1 ở người.

Nhà dịch tễ học Maria Van Kerkhove, thuộc WHO, kêu gọi nỗ lực thực hiện các biện pháp chặt chẽ hơn nữa để giảm nguy cơ lây truyền virus cúm gia cầm H5N1 sang các loài động vật và lây sang người.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, bà Maria Van Kerkhove nói rằng: "Những gì chúng ta thực sự cần làm ở Mỹ và các nước khác trên thế giới là tăng cường giám sát chặt chẽ hơn đối với động vật, các loài chim hoang dã, gia cầm, những loài động vật dễ bị nhiễm bệnh".

WHO cho biết, họ đang liên hệ với một số cơ quan đối tác như: Tổ chức Thú y Thế giới và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc để tăng cường giám sát động vật.

Tháng trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ xác nhận sự xuất hiện của cúm gia cầm H5N1 ở một con lợn tại một trang trại ở bang Oregon.

Lợn là loài vật đặc biệt đáng lo ngại về sự lây lan của cúm gia cầm vì chúng có thể bị nhiễm đồng thời cả virus ở gia cầm và ở người, có thể hoán đổi gene để tạo thành một loại virus mới nguy hiểm hơn và dễ lây nhiễm sang người.

Sẵn sàng ứng phó với cúm gia cầm H5N1 ở người

Bà Kerkhove cho biết, WHO luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với cúm gia cầm, vì vấn đề không phải là có hay không mà là khi nào. Theo bà, nguy cơ mắc cúm gia cầm đối với người dân trên toàn cầu nói chung vẫn ở mức thấp.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho đến nay đã có 55 trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1 ở người, bao gồm cả trẻ em, được báo cáo tại Mỹ trong năm nay.

Hầu hết các trường hợp này là ở những công nhân nông trại đã tiếp xúc với gia cầm hoặc bò bị nhiễm bệnh. Theo CDC, không có trường hợp nào lây truyền từ người sang người liên quan đến cúm gia cầm H5N1, nhưng những công nhân chăn nuôi bò sữa và các công nhân nông trại khác được coi là có nguy cơ mắc virus cao hơn.

Gần đây, các bác sĩ tại Canada cũng ghi nhận một trường hợp bệnh nhân nhiễm virus cúm gia cầm trên hiện đang trong tình trạng nguy kịch và được điều trị tại bệnh viện nhi ở Vancouver.

Kết quả giải trình tự gen virus cho thấy: đã xuất hiện các đột biến, có thể giúp virus dễ dàng xâm nhập đường hô hấp. Điều đáng chú ý là bệnh nhân không có tiền sử tiếp xúc với gia cầm hay sống tại trang trại.

Thiếu niên người Canada bắt đầu có triệu chứng một tuần trước khi nhập viện, có thể là đủ thời gian để virus lây nhiễm các tế bào mà nó đang cố gắng xâm nhập.

Jesse Bloom - nhà virus học tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson, giải thích rằng điều này có thể xảy ra khi một loại virus đang tiến hóa trong vật chủ và hiện diện trong cơ thể dưới nhiều dạng khác nhau.

Mặc dù vậy, xét nghiệm trên khoảng 36 người tiếp xúc gần bệnh nhân trên không phát hiện ca nhiễm nào, chứng tỏ virus chưa có khả năng lây từ người sang người. Tuy nhiên, đây là diễn biến đáng lo ngại song các chuyên gia khẳng định "chưa có dấu hiệu của một đại dịch mới".

Mặt khác, các nhà khoa học nhận định những biến đổi về gene nêu trên chính là lời nhắc nhở về khả năng có thể bùng phát dịch bệnh do vi rút này lan rộng.

Các nhà khoa học Canada cũng khẳng định virus cúm gia cầm H5N1 trong cơ thể của thiếu niên này không phải là chủng virus lây lan từ bò sữa ở Mỹ. Thay vào đó, họ xác định loại virus H5N1 đột biến này xuất phát từ các loài chim hoang dã như ngỗng ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương.

Trang Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/who-keu-goi-tang-cuong-giam-sat-cum-gia-cam-h5n1-o-dong-vat-179241129162450148.htm