Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức: Cần sớm di dời các hộ dân sinh sống trong diện tích rừng

Hiện nay, có khoảng 500 hộ sinh sống trên diện tích rừng thuộc khu di tích thắng cảnh chùa Hương, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Việc sinh hoạt của các hộ dân tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Cử tri đã nhiều lần kiến nghị Thành phố hỗ trợ kinh phí để di dời các hộ dân sinh sống trong diện tích rừng trên địa bàn xã Hương Sơn.

Qua nhiều thế hệ, ông Lê Mạnh Đông (ở thôn Phú Yên, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) cùng gia đình sinh sống trong khu rừng phòng hộ Hương Sơn. Gia đình ông sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt các cây ăn quả như mơ, mận, củ sắn, củ mài và chăn nuôi gia súc.

Việc sinh hoạt hàng ngày của ông và các hộ dân tại đây như việc đun nấu, đốt vàng mã, tàn thuốc lá… đều có nguy cơ dẫn đến cháy rừng. Qua công tác truyên truyền của chính quyền địa phương, ông Đông nhận thức việc quan trọng trong công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, nên ông sẵn sàng chấp hành các chủ trương, phương án của thành phố nếu như phải di dời khỏi đây.

Phú Yên là một trong 6 thôn thuộc xã Hương Sơn, tập trung khoảng hơn 500 hộ dân, với 2.312 nhân khẩu. Trong thời gian sinh sống tại đây, ông Đông và tất cả người dân đều được chính quyền địa phương, ban quản lý di tích, công an huyện tập huấn cho công tác phòng, chống cháy rừng, sẵn sàng ứng cứu nếu như có sự cố xảy ra.

Đường vào thôn Phú Yên, xã Hương Sơn.

Đường vào thôn Phú Yên, xã Hương Sơn.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hải Lưu - Trưởng thôn Phú Yên, cho biết: Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Hương Sơn (hay còn gọi là chùa Hương) có 21 điểm di tích, nằm trải dài trong rừng. Vì thế, chỉ cần một sơ suất nhỏ của du khách như đốt vàng mã, vứt tàn thuốc không đúng nơi quy định, hoặc những sơ suất nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây cũng có thể gây cháy rừng.

Do đặc thù như vậy nên công tác phòng cháy, chữa cháy được quan tâm thường xuyên, liên tục trong năm. Ban Quản lý di tích Hương Sơn đã lập phương án đưa các hộ kinh doanh vào 1 khu để trả lại cảnh quan di tích, đảm bảo vệ sinh môi trường, cũng như phòng ngừa những sự cố về cháy rừng có thể xảy ra.

Theo ông Vương Trọng Đạo - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn: “Xã Hương Sơn, có 6 thôn với dân số hơn 22.000 người, tổng diện tích 4089,43 ha, trong đó có 5 thôn là có người sinh sống và kinh doanh trong rừng phòng hộ. Theo thống kê năm 2019, diện tích rừng phòng hộ có diện tích 2295,47 ha chiếm 56,13% diện tích xã Hương Sơn. Diện tích rừng chiếm đa số như vậy, nên công tác phòng cháy, chữa cháy tại chùa Hương được huyện đặc biệt quan tâm, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm.

Hàng năm, huyện rà soát, xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng một cách chi tiết. Công tác phối hợp giữa các đơn vị, UBND xã Hương Sơn, Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, Hạt Kiểm lâm số 9 (đơn vị phụ trách địa bàn huyện Mỹ Đức) cũng rất chặt chẽ với việc thành lập tổ xung kích, thường xuyên tuần tra, kiểm soát khu vực lễ hội và đặc biệt là những tháng mùa hè nắng nóng nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời cháy rừng, ảnh hưởng đến khu vực tâm linh, thờ tự...”.

Một trong những căn nhà nằm trong diện tích đất rừng thuộc xã Hương Sơn.

Một trong những căn nhà nằm trong diện tích đất rừng thuộc xã Hương Sơn.

Mới đây, trả lời cử tri huyện Mỹ Đức về vấn đề hỗ trợ kinh phí để di dời các hộ dân sinh sống trong diện tích rừng trên địa bàn xã Hương Sơn, UBND Thành phố cho biết: Rừng đặc dụng Hương Sơn do Thành phố quản lý theo phân cấp, UBND Thành phố sẽ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND huyện Mỹ Đức điều tra, khảo sát, tổng hợp hiện trạng và nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố phương án di dời các hộ dân sinh sống trong diện tích rừng trên địa bàn xã Hương Sơn, trình cấp có thẩm quyền làm căn cứ triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định.

Như vậy, có thể thấy, công tác bảo vệ rừng luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành phố, sự vào cuộc của các cấp sở ngành, chính quyền địa phương. Vì thế, ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng của đa số các chủ rừng và người dân sống ven rừng cũng như khách tham quan, du lịch đã được nâng lên rõ rệt.

Các biện pháp bảo vệ rừng cũng đã được triển khai đồng bộ, chủ động từ thành phố đến cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng khai thác rừng bừa bãi, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp vẫn còn diễn ra tại một số địa phương, nguy cơ cháy rừng vẫn tiềm ẩn. Đặc biệt, mùa hè năm 2024 được dự báo là nhiệt độ tăng rất cao, nắng nóng kéo dài do diễn biến thời tiết bất thường. Điều này đòi hỏi các sở ban ngành, các quận huyện thị xã có rừng và các chủ rừng cần tăng cường các biện pháp bảo vệ, phòng chống cháy rừng.

Đồng thời UBND các xã, phường, thị trấn có rừng cần tăng cường kiểm tra để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như lấn chiếm đất rừng, chặt phá cây rừng và san ủi, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.

H.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xa-huong-son-huyen-my-duc-can-som-di-doi-cac-ho-dan-sinh-song-trong-dien-tich-rung-172085.html