Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều mới dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn

Đề cập về định hướng giảm nghèo trong giai đoạn tới ông Nguyễn Lê Bình Phó chánh văn phòng Quốc gia giảm nghèo ( Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định, công tác giảm nghèo sẽ không chỉ hướng tới việc tạo ra công việc tốt, thu nhập cao hay giúp người dân tiếp cận các chiều an sinh, mà còn phải làm cho người dân Việt Nam nói chung và người nghèo nói riêng được 'hạnh phúc'.

Theo Báo cáo của Văn phòng quốc gia giảm nghèo (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), tỷ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm từ 5,02% đầu kỳ (2021) xuống còn 1,93% cuối năm 2024, đạt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao là giảm 1,0–1,5%/năm. Dự kiến đến cuối năm 2025, tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm thêm 0,8–1%. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm từ 44,97% xuống 24,86%, trung bình giảm 6,7%/năm – cao hơn mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 25,91% xuống còn 12,55%, tương đương mức giảm trung bình 4,45%/năm. Có 19 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và 3 huyện nghèo đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2025, 22 huyện nghèo sẽ được công nhận thoát nghèo, tương ứng 30% số huyện nghèo, đạt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao.

Kết quả đạt được là tiền đề quan trọng để xây dựng khung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn mới (2026–2030).

Nhờ mô hình trồng bưởi xuất khẩu đời sống của nhiều người dân tại Phú Thọ đã thoát nghèo Ảnh: Trọng Thủy.

Nhờ mô hình trồng bưởi xuất khẩu đời sống của nhiều người dân tại Phú Thọ đã thoát nghèo Ảnh: Trọng Thủy.

Bộ Tài chính dự báo, đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều sẽ tiếp tục giảm 0,8% - 1%/ năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số dự kiến giảm trên 3% trong năm 2025 và các huyện nghèo sẽ giảm từ 4% - 5%.Mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ có 30% huyện nghèo và 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Quốc hội giao.

Những kết quả này có được nhờ sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng tại các vùng nghèo. Chương trình đã đầu tư xây dựng mới 2.716 công trình, bao gồm đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, hệ thống nước sạch, công trình văn hóa, điện và các công trình khác.

Một trong những vấn đề lớn nhất và mang tính nền tảng cho giai đoạn tới chính là việc xây dựng một chuẩn nghèo mới. Theo ông Nguyễn Lê Bình - Phó Chánh Văn phòng Giảm nghèo quốc gia, chuẩn nghèo hiện tại sẽ kết thúc vào cuối năm 2025 và một chuẩn nghèo mới với các tiêu chí được nâng lên đang được trình Chính phủ. Điều này gần như chắc chắn làm cho tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước tăng lên trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận đây không phải là một bước lùi, mà là một sự điều chỉnh tất yếu để phản ánh đúng hơn mức sống và sự phát triển của đất nước. Việc nâng chuẩn nghèo cho thấy chúng ta không chấp nhận một mức sống tối thiểu như trước, mà hướng đến việc người dân được chia sẻ nhiều hơn thành quả từ tăng trưởng kinh tế.

Khái niệm "nghèo" trong bối cảnh mới không còn chỉ gói gọn trong thiếu hụt thu nhập. Ảnh: Anh Dũng.

Khái niệm "nghèo" trong bối cảnh mới không còn chỉ gói gọn trong thiếu hụt thu nhập. Ảnh: Anh Dũng.

Bà Phạm Minh Thu - Chuyên gia giảm nghèo cũng cho rằng, khái niệm "nghèo" trong bối cảnh mới không còn chỉ gói gọn trong thiếu hụt thu nhập hay các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục. Bà Phạm Minh Thu đề xuất cần bổ sung các "chiều nghèo" mới cho phù hợp với thời đại. Đó có thể là chiều thiếu hụt về kỹ năng số, an ninh mạng trong bối cảnh chuyển đổi số; hay những rủi ro và tác động từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường (chất lượng không khí, rác thải), đặc biệt là tại các khu vực đô thị đang phát triển nóng.Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải có một cái nhìn toàn diện hơn, đa chiều hơn để nhận diện đúng và giải quyết trúng các vấn đề của người nghèo trong xã hội hiện đại.

Tại hội nghị mới đây khi đề cập đến việc thiết kế về chuẩn nghèo mới lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và môi trường cũng khẳng định, các định hướng, chỉ tiêu cần được hoạch định rõ ràng, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, và đặc biệt là sự đồng hành của người dân.

"Chúng ta cần một cách tiếp cận khoa học, toàn diện, phù hợp với thực tế để chuẩn nghèo không chỉ là con số thống kê, mà là công cụ thúc đẩy chính sách công hiệu quả, hướng tới sự phát triển bền vững và công bằng xã hội", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng khẳng định.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xay-dung-chuan-ngheo-da-chieu-moi-dua-tren-co-so-khoa-hoc-va-thuc-tien-10310705.html