Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Lào đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới
Trong công cuộc đổi mới đất nước Lào hiện nay, cùng với xu thế mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, Đảng Nhân dân cách mạng (NDCM) Lào luôn quan tâm, chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược, góp phần đưa đất nước Lào phát triển nhanh, bền vững.
Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ
Cán bộ, công chức là công dân Lào được tuyển dụng, bầu cử hoặc bổ nhiệm giữ một chức vụ nào đó trong các tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Lào xây dựng đất nước và các tổ chức quần chúng ở Trung ương và địa phương là người phục vụ nhân dân, dưới sự giám sát của nhân dân, là người có phẩm chất đạo đức cách mạng, nỗ lực học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Cán bộ, công chức là xương sống của mọi công việc, công việc thành công hay không phụ thuộc vào cán bộ, công chức giỏi hay kém như lời Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã nói: “Cán bộ, công chức là nguồn tài nguyên quý giá nhất của Đảng, là người lãnh đạo nhân dân, là người phục vụ nhân dân, là cầu nối giữa Đảng và quần chúng, sau khi có đường lối đúng đắn, mọi công việc cách mạng của Đảng sẽ thành công hay thất bại, sẽ thắng lợi hay thất bại đều do cán bộ Đảng quyết định”.
Đảng NDCM Lào luôn khẳng định, có đội ngũ cán bộ tốt mới có thể làm cho đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng trở nên cụ thể, được triển khai đến cơ sở rộng rãi và phù hợp với lợi ích của quần chúng. Với tầm quan trọng như vậy, Đảng NDCM Lào luôn quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ kiến thức, năng lực, phẩm chất, có lập trường chính trị vững vàng, có lòng trung thành sâu sắc với Tổ quốc và lý tưởng của Đảng, có tấm lòng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, có lối sống lành mạnh, có ý chí rèn luyện, tu dưỡng bản thân và tích cực nghiên cứu học tập nâng cao trình độ mọi mặt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị mà Đảng cũng như tổ chức giao phó.
Đảng và Nhà nước Lào đã đặc biệt quan tâm đến cán bộ, công chức, coi đây là vấn đề chiến lược của Đảng, thể hiện trong các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, các hội nghị công tác tổ chức xây dựng Đảng toàn quốc đều xác định phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, mà nòng cốt là công tác cán bộ. Đồng thời, đã ban hành nhiều văn bản quy định về công tác cán bộ để nâng cao chất lượng công tác cán bộ, cụ thể như: Nghị quyết số 030/BCTTW ngày 3-1-2021 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo quản lý; Nghị quyết số 031/BCTTW,ngày 3-1-2021 của của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về công tác quản lý cán bộ và Nghị quyết số 032/BCTTW ngày 3-1-2021 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về công tác xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý; Nghị quyết số 073/BCTTW ngày 14-5-2019 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý; Nghị quyết số 04/BCHTW ngày 30-9-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc công tác cán bộ; Quy định số 02/BCTTW ngày 14-7-2007 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về việc bổ nhiệm, luân chuyển chức vụ và nơi công tác của cán bộ và Hướng dẫn số 292/BTCTW ngày 26-4-2018 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo quản lý, về công tác quản lý cán bộ và về công tác xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý. Các nghị quyết, hướng dẫn nêu trên nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng trong từng giai đoạn.
Bám sát các nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương, các cấp ủy, chính quyền và cơ quan tham mưu làm công tác cán bộ đã tích cực cụ thể hóa, triển khai thực hiện một cách phù hợp, sáng tạo, góp phần tạo nhiều chuyển biến trong công tác cán bộ. Số lượng cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành được tạo nguồn, bồi dưỡng cả dài hạn và ngắn hạn về lý luận, chuyên môn ở trong nước và nước ngoài ngày càng tăng. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn tại các cơ sở giáo dục như Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia, trường lý luận của tỉnh gắn với rèn luyện, thử thách qua công việc thực tế tại chỗ và cử đi luân chuyển tại cơ sở; đồng thời thực hiện tốt chính sách lương, phụ cấp, thăng hạng - thăng bậc lương, thăng cấp bậc, chính sách đất đai, hỗ trợ vốn xây dựng nhà ở, chính sách chữa bệnh, sinh con, nghỉ hưu, chính sách gia đình có người từ trần, chính sách cho cán bộ làm nhiệm vụ ở vùng sâu vùng xa và một số chính sách khác, qua đó giúp đời sống của cán bộ ngày càng tốt hơn, yên tâm công tác. Nhờ sự quan tâm sâu sát của Đảng và Nhà nước cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp, đến nay đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành ở Lào đã có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ ở Lào cũng còn một số hạn chế, khó khăn như trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã đánh giá: Sự suy thoái về phẩm chất đạo đức cách mạng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề đáng lo ngại của Đảng và xã hội, làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng; vẫn còn một số cán bộ, đảng viên thiếu chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, tinh thần hy sinh vì lợi ích chung chưa cao và không dám đấu tranh các hiện tượng tiêu cực; vẫn còn hiện tượng cán bộ lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi cá nhân và lợi ích nhóm, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Khả năng nắm bắt đường lối chính sách, trình độ nhận thức thực tiễn của một số cán bộ, đảng viên chưa cao; việc tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Một bộ phận không nhỏ cán bộ làm việc hời hợt, làm theo nghĩa vụ, có thái độ dựa dẫm, thiếu trách nhiệm, thiếu chủ động, thiếu nhiệt huyết trong việc tự học, tự nâng cao trình độ, chỉ chờ đợi mệnh lệnh từ cấp trên mà không chủ động sáng tạo trong công việc mình phụ trách. Ở nhiều lĩnh vực kinh tế vẫn còn tồn tại tình trạng không có lợi ích cá nhân nên không nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ. Việc khen thưởng ở một số cơ quan, một số ngành chưa thực chất, chưa hiệu quả.
Một số cán bộ lãnh đạo cũng như cơ quan tham mưu về công tác cán bộ ở một số cấp, ngành, trình độ, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác đánh giá cán bộ ở một số cấp ủy còn hạn chế, chưa thực chất, thiếu giải pháp khắc phục phù hợp...
Giải pháp thời gian tới
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giữ vững lý tưởng xã hội chủ nghĩa, có tinh thần chủ động, nâng cao trách nhiệm, thực hiện tốt các nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, các cấp ủy, tổ chức đảng ở Lào cần quan tâm thực hiện một số giải pháp như sau:
Một là, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần xác định công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chiến lược của cấp ủy, tổ chức đảng. Đồng thời, cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu cần có quyết tâm thống nhất, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, bảo đảm các khâu trong công tác cán bộ được thực hiện chính xác, minh bạch, khách quan, toàn diện, công bằng, vì lợi ích chung. Thường xuyên quan tâm, theo dõi, kiểm tra, đánh giá phẩm chất đạo đức, tư cách cách mạng, quan điểm, tư tưởng, mặt mạnh và mặt yếu của cán bộ để bố trí, sử dụng hợp lý, hiệu quả.
Hai là, phát huy vai trò tham mưu của cơ quan làm công tác cán bộ cũng như những người làm công tác cán bộ, cần nắm chắc, hiểu rõ tình hình thực tế và trình độ, năng lực, sở trường của cán bộ để tham mưu đúng, trúng. Muốn làm được như vậy đòi hỏi người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng cần rèn luyện đức tính trung thực, lắng nghe ý kiến của quần chúng, công tâm, khách quan để giúp cấp ủy lựa chọn đúng cán bộ. Cần tránh những hiện tượng như nâng đỡ người thân, người quen, nhóm bè phái, phe cánh, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức và sự phát triển của đất nước.
Ba là, đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp cần tự rèn luyện mình về mọi mặt, kiên định với đường lối của Đảng, có lòng trung thành với Tổ quốc và biết ơn nhân dân; không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tự mình làm gương cho quần chúng, hết lòng kính trọng, yêu thương nhân dân. Bất kể ở lĩnh vực nào cũng cần nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn. Kiên quyết chống lại thói lười biếng, tư tưởng cơ hội, ích kỷ, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực khác.