Xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, đoàn thể năm 2024 đã xác định cụ thể 5 nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh sẽ phải tập trung thực hiện quyết liệt trong thời gian tới.

Một trong 5 nhiệm vụ đó là tiếp tục giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường giáo dục, kiểm tra, giám sát, nhắc nhở cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người đứng đầu các cấp gương mẫu chấp hành đúng chủ trương, đường lối, nguyên tắc hoạt động của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, đảng viên vi phạm từ tỉnh đến cơ sở, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền gần dân, vì dân phục vụ, đánh giá sử dụng cán bộ, bố trí cán bộ đảm bảo phù hợp, hiệu quả, phát huy được năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Chính vì vậy, thước đo hiệu quả công việc cho thấy đội ngũ cán bộ có đáp ứng được yêu cầu mà nhiệm vụ đề ra hay không. Tình trạng một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu đơn vị, địa phương thời gian qua có biểu hiện né tránh, sợ sai, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm đã dẫn đến hệ lụy rất xấu, kéo theo hàng loạt những bê trễ, tồn đọng. Nếu không giải quyết được tình trạng này thì công việc sẽ tiếp tục bị ngưng trệ và những hạn chế, tồn tại trong quá trình phát triển khó có được chuyển động như mong muốn.

Đó là một thực tế đã được lãnh đạo tỉnh nhìn nhận và chỉ rõ trong nhiều cuộc họp quan trọng thời gian qua. Đây được xem là “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh năm 2023, nhiều chỉ tiêu quan trọng mà tỉnh đề ra chưa đạt, quyết tâm chấn chỉnh, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ ở từng lĩnh vực sẽ phải được thực hiện nghiêm túc nhằm phát huy tối đa năng lực, sở trường của cán bộ ở từng vị trí công tác. Bên cạnh đó, cần đánh giá cán bộ một cách thực chất; làm tốt công tác thi đua - khen thưởng và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, trì trệ trong cải cách hành chính, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, việc tạo hành lang pháp lý để cán bộ yên tâm dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách là yếu tố rất quan trọng. Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích; Nghị định 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là những hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm cần được cụ thể hóa thành những tiêu chí để có cơ chế bảo vệ tốt hơn nữa cán bộ hiện nay.

Nguyễn Phượng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202401/xay-dung-doi-ngu-can-bo-dam-nghi-dam-lam-dam-chiu-trach-nhiem-39a5880/