Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ xây dựng đất nước, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy, tăng cường sự đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Với thế và lực tích lũy được sau 40 năm đổi mới đất nước, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là kỷ nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện thành công mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.
Để thực hiện mục tiêu đó, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, ý chí tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại có ý nghĩa then chốt - đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên giữ vai trò nòng cốt có trách nhiệm vinh quang, cao cả”.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đại hội X MTTQ Việt Nam xác định: “Tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân ở trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài biết và ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước”.
Trong giai đoạn mới, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận trên cơ sở đổi mới toàn diện các mặt công tác, lĩnh vực hoạt động, từ việc xây dựng và ban hành chủ trương, tổ chức triển khai thực hiện, tăng cường cơ chế phối hợp trong và ngoài hệ thống với các giải pháp:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng việc phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó MTTQ Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong tình hình, nhiệm vụ mới.
Toàn hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc nội dung, nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của cách mạng Việt Nam trên lĩnh vực đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò của mặt trận để mặt trận có đủ yếu tố cần và đủ thực hiện vai trò, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Nhà nước rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong điều kiện mới. Đối với MTTQ Việt Nam, Nhà nước cần cụ thể hóa cơ chế đảm bảo cho mặt trận thực sự là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.
Bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật thực hiện dân chủ và quyền giám sát, phản biện xã hội của Nhân dân theo Hiến pháp năm 2013, Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 22/12/2013; Quyết định số 218- QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và theo Luật MTTQ Việt Nam năm 2015.
Thứ ba, hoàn thiện tổ chức, bộ máy của MTTQ Việt Nam. Nhà nước và MTTQ Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa việc xây dựng bộ máy và nhân sự của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong điều kiện mới. MTTQ cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp để có đủ năng lực và kinh nghiệm triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.