Xây dựng mô hình chính quyền thân thiện bảo đảm thực chất, vì nhân dân phục vụ

BẮC GIANG - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025, tháng 8/2021, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp triển khai xây dựng điểm mô hình chính quyền thân thiện tại cấp xã để đánh giá, nhân rộng. Qua xây dựng mô hình nhằm đổi mới lề lối, tác phong làm việc từ “mệnh lệnh hành chính” sang “phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục”; xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiện đại, hiệu quả và phong cách làm việc "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", hướng đến sự hài lòng của tổ chức, công dân.

Giai đoạn 2021-2022, việc triển khai mô hình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã ra mắt mô hình. Để tiếp tục phát triển mô hình, hướng tới thực chất, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch xây dựng chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn giai đoạn 2023-2025.

Công dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa xã Đồng Tiến (Yên Thế).

Công dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa xã Đồng Tiến (Yên Thế).

Thực hiện mô hình, chính quyền cơ sở đã chú trọng hơn tới việc xây dựng cảnh quan, môi trường công sở văn minh, lịch sự; bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của người dân khi đến làm việc với chính quyền. Bố trí bộ phận tiếp nhận và trả kết quả khoa học, gọn gàng, bảo đảm tổ chức và công dân đến giao dịch thuận tiện, đáp ứng 4 tiêu chí “nhanh hơn, tiết kiệm hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn”; có sự gần gũi, thân thiện hơn giữa cán bộ, công chức khi làm việc với nhân dân.

Mô hình chính quyền thân thiện đã tạo hiệu ứng tích cực, được người dân, doanh nghiệp (DN) đồng tình, đánh giá cao. Trong quá trình thực hiện, một số địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, tiêu biểu như: Mô hình "Ngày thứ 6 nhanh" ở phường Lê Lợi; “Tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân trong xây dựng chính quyền thân thiện, đô thị văn minh” tại phường Thọ Xương (TP Bắc Giang); "Ngày thứ 6 không hẹn" ở xã Vĩnh An (Sơn Động); “Đám cưới đặc biệt” tại xã Quảng Minh (Việt Yên)… Những cách làm sáng tạo trên đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức, phong cách làm việc, tinh thần phục vụ nhân dân ở hầu hết các đơn vị, được người dân ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao.

Tuy vậy, xây dựng mô hình chính quyền thân thiện là việc mới, việc khó; nhận thức của một số tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu chưa đầy đủ, sâu sắc nên triển khai thực hiện còn bộc lộ một số tồn tại, khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất. Để thực hiện mô hình đòi hỏi có số kinh phí khá lớn, nổi bật như thực hiện chủ trương của tỉnh chuyển hệ thống truyền thanh truyền thống sang truyền thanh thông minh; đầu tư lắp đặt hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ; yêu cầu 100% bộ phận một cửa lắp điều hòa, trang bị máy photocoppy...

Trong khi đó, cơ sở vật chất, nhân lực ở nhiều xã còn khó khăn, nhất là ở miền núi, vùng cao. Một số cá nhân có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng. Những khó khăn, hạn chế trên ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ cũng như sự hài lòng của người dân, DN đối với công tác quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu xây dựng 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn chính quyền thân thiện, Ban Dân vận Tỉnh ủy - Cơ quan thường trực đã tham mưu với Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, xây dựng chính quyền thân thiện bảo đảm thực chất, phù hợp với xu thế phát triển của tỉnh. Trong đó, đã chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26, ngày 2/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm huy động sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng chính quyền thân thiện; lấy người dân là trung tâm, đặt sự hài lòng của người dân, DN là mục tiêu phấn đấu. Phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xây dựng chính quyền thân thiện. Hằng năm, hệ thống dân vận chủ trì, phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của người dân, tổ chức và DN đối với mô hình chính quyền thân thiện. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thành lập nhóm Zalo nắm bắt tình hình nhân dân; xây dựng, đưa vào hoạt động giải pháp “Ứng dụng chuyển đổi số, phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân”...

Qua thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay, nhiệm vụ xây dựng chính quyền thân thiện bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ nắm bắt dư luận nhân dân, thông tin trên báo chí, mạng xã hội và kết quả 3 đợt khảo sát sự hài lòng của người dân cho thấy, hoạt động của chính quyền thân thiện đã tạo nên hiệu ứng tích cực, nhân dân đồng tình, đánh giá cao... dần xóa bỏ khoảng cách giữa người dân và cán bộ. Người dân thực sự được hưởng lợi khi làm thủ tục hành chính.

Xây dựng “chính quyền thân thiện”, vì nhân dân phục vụ thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm chính trị của tỉnh trong xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả cùng với ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển đổi số vào các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là đối với việc phục vụ người dân, DN. Trong bối cảnh Bắc Giang là địa phương có tốc độ phát triển nhanh, việc triển khai mô hình chính quyền thân thiện ở 100% xã, phường, thị trấn góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, xây dựng hình ảnh đẹp về chính quyền tỉnh Bắc Giang năng động, thân thiện, phục vụ người dân, DN.

Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/410571/xay-dung-mo-hinh-chinh-quyen-than-thien-bao-dam-thuc-chat-vi-nhan-dan-phuc-vu.html