Xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP

Trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với sản phẩm OCOP, các địa phương, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đã và đang chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu lớn, ổn định để mở rộng quy mô sản xuất, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP trà đinh lăng-cà gai leo của hộ kinh doanh Trương Anh Tuấn (Tam Đảo) còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn trong quá trình mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh Nguyễn Lượng

Vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP trà đinh lăng-cà gai leo của hộ kinh doanh Trương Anh Tuấn (Tam Đảo) còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn trong quá trình mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh Nguyễn Lượng

Có 2 sản phẩm được tỉnh công nhận đạt tiêu chí OCOP là trà hoa vàng Tam Đảo, trà túi lọc trà hoa vàng Tam Đảo của Công ty TNHH Trà hoa vàng Tam Đảo được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tham gia hội chợ, triển lãm… Nhờ đó, giá trị sản phẩm từng bước được nâng lên; doanh thu tăng 2-3 lần so với trước đây.

Nhằm kiểm soát vùng nguyên liệu an toàn, mở rộng thị trường xuất khẩu, cuối năm 2021, công ty đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện Tam Đảo, xây dựng vùng trồng cây trà hoa vàng 1 ha theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đối với sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch, sau 3 năm được công nhận OCOP 3 sao, huyện tiếp tục mở rộng diện tích, trồng mới 200 ha trong giai đoạn 2018- 2021; xây dựng vùng sản xuất thanh long ruột đỏ chuyên canh tại 5 xã Vân Trục, Ngọc Mỹ, Xuân Hòa, Quang Sơn và Hợp Lý phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Việc hình thành các vùng nguyên liệu tập trung đã phần nào giúp giá cả, chất lượng cũng như nguồn cung thanh long ruột đỏ Lập Thạch ổn định hơn, từ đó tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Để từng bước hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung cho sản phẩm OCOP, thời gian qua, nhiều địa phương, DN, HTX đã chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với OCOP, góp phần mở ra cơ hội liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nhờ đó, nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như thanh long ruột đỏ Lập Thạch, rau su su Tam Đảo, rau an toàn Vân Hội - Tam Dương… được hình thành, từng bước kiểm soát nguồn nguyên liệu tại chỗ, tạo điều kiện cần thiết để xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, hiện nay, số lượng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn cho sản phẩm OCOP còn khá khiêm tốn, dẫn tới chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, năng lực cạnh tranh chưa cao, thị trường tiêu thụ không ổn định.

Sau khi có chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm trà đinh lăng-cà gai leo của hộ kinh doanh Trương Anh Tuấn (Tam Đảo) đã và đang tiếp cận được nhiều thị trường lớn, tiềm năng như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh…

Dù kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt với doanh số gần 1.000 hộp/tháng, nhưng anh Tuấn vẫn chưa dám tính đến những bước đi xa hơn bởi vùng sản xuất cây đinh lăng, cà gai leo của gia đình chỉ vỏn vẹn 2 mẫu, phân bố rải rác ở nhiều xứ đồng.

Anh Tuấn đề xuất: “Rất mong các cấp chính quyền tạo điều kiện cho gia đình mở rộng quy mô sản xuất và vùng nguyên liệu, để chủ động nguyên liệu cho sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”.

Đến nay, toàn tỉnh có 61 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận chất lượng OCOP. Trong đó, phải kể đến các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, mang đặc trưng, lợi thế, thương hiệu của từng địa phương như thanh long ruột đỏ Lập Thạch, cá thính Dũng Hoa (Lập Thạch), tinh bột nghệ Tam Đảo, trà hoa vàng Tam Đảo, mật ong Tam Đảo, đông trùng hạ thảo Tam Đảo…

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm cộng đồng, sản phẩm chủ lực có lợi thế ở mỗi địa phương; phấn đấu phát triển mới từ 70-80 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 sao trở lên.

Một trong những tiêu chí hàng đầu của các sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.

Bởi vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ, phát triển thương hiệu cho sản phẩm OCOP, thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện tốt quy hoạch nông - lâm nghiệp, thủy sản để tạo ra các vùng sản xuất tập trung đối với từng nhóm sản phẩm, làm cơ sở để phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực theo Bộ tiêu chí Chương trình OCOP; quy hoạch, bảo tồn, phát triển các vùng sản xuất với các cây, con đặc sản để tạo ra các sản phẩm OCOP đặc trưng của các vùng miền.

Phùng Hải

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/80973/xay-dung-vung-nguyen-lieu-cho-san-pham-ocop.html