Xu hướng 'pha Tây' trong ngôn ngữ người trẻ: Linh hoạt hay lạm dụng?

Tiếng Anh ngày càng phổ biến trong đời sống hàng ngày của người Việt, đặc biệt trong giới trẻ. Không chỉ xuất hiện trong công việc hay học tập, ngôn ngữ toàn cầu này đang len lỏi vào những cuộc trò chuyện thông thường. Từ đó, hình thành xu hướng giao tiếp 'nửa Tây nửa Ta' – vừa thuận tiện, vừa gây tranh cãi.

Tiếng Anh – “Gia vị” của câu chuyện thường ngày

Nguyễn Trọng Huân, sinh viên ngành trường Đại học Xây dựng, Hà Nội, chia sẻ rằng việc sử dụng tiếng Anh đan xen trong cuộc trò chuyện là điều bình thường trong những cuộc giao tiếp hiện đại. “Khi nói chuyện với bạn bè, mình hay dùng những cụm từ tiếng Anh như "That’s cool!" (hay đó chứ) hay What's up bro (thế nào ông bạn) để nhấn mạnh cảm xúc. Nhiều lúc mình thấy tiếng Anh ngắn gọn và "chất" hơn hẳn so với tiếng Việt,” Huân nói.

Trọng Huân cho rằng việc sử dụng tiếng Anh đan xen trong cuộc trò chuyện là điều bình thường trong những cuộc giao tiếp hiện đại. (Ảnh: NVCC)

Trọng Huân cho rằng việc sử dụng tiếng Anh đan xen trong cuộc trò chuyện là điều bình thường trong những cuộc giao tiếp hiện đại. (Ảnh: NVCC)

Còn với Trần Kim Anh, một bạn trẻ làm việc trong ngành thiết kế đồ họa tại TP.HCM, việc pha trộn tiếng Anh lại mang ý nghĩa khác. Kim Anh thường dùng những thuật ngữ tiếng Anh liên quan đến công việc như "brief", "feedback" hay "deadline". Cô nàng chia sẻ: “Mình làm việc với khách hàng nước ngoài khá nhiều, nên các cụm từ tiếng Anh đã trở thành một phần quen thuộc. Đôi khi, sử dụng tiếng Việt để diễn đạt chúng lại mất thời gian hơn.”

Nguyễn Thanh Hằng, học sinh lớp 11 tại một trường quốc tế ở TP.HCM cho rằng những từ tiếng Anh phổ biến trong giới trẻ như "happy birthday" (chúc mừng sinh nhật, "good night" (chúc ngủ ngon) hay "let’s go" (đi thôi) khiến cuộc trò chuyện thú vị và thoải mái hơn. “Những cụm từ này đã được bạn bè mình sử dụng hàng ngày nên không có gì khó hiểu cả. Chỉ là cách mình thể hiện sự tự nhiên thôi,” Hằng chia sẻ.

Dẫu vậy, việc lạm dụng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày cũng không phải không gây phiền toái. Nguyễn Thu Trang, hiện đang làm trong lĩnh vực truyền thông tại Hà Nội, thừa nhận rằng đôi khi cô nàng cảm thấy khó chịu khi chứng kiến nhiều người trẻ cố tình “nhồi nhét” tiếng Anh vào mọi câu nói, mọi tình huống giao tiếp:

“Có lần bạn mình nói: ‘Tối nay đi chill (thư giãn) chút đi, mình vừa finish (hoàn thành) xong project căng thẳng quá! hay 'Cậu check mail (đọc thư điện tử) rồi download (tải về) cho tớ bài này’. Nghe mà thấy gượng gạo vì hoàn toàn có thể nói bằng tiếng Việt,” Liên chia sẻ.

Thu Trang cảm thấy khó chịu khi nhiều bạn trẻ nhồi nhét ngoại ngữ quá mức trong mọi trường hợp giao tiếp. (Ảnh: NVCC)

Thu Trang cảm thấy khó chịu khi nhiều bạn trẻ nhồi nhét ngoại ngữ quá mức trong mọi trường hợp giao tiếp. (Ảnh: NVCC)

Tương tự, Dương Hoài Nam, sinh viên năm nhất Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng gặp rắc rối khi giao tiếp với một nhóm bạn thường xuyên dùng tiếng Anh. “Nhiều lúc mình cảm thấy như bị 'bỏ rơi' vì các bạn chèn quá nhiều từ mà mình không hiểu hết ý nghĩa. Tiếng Anh là công cụ hữu ích, nhưng nếu lạm dụng, nó dễ làm mất đi sự gần gũi trong đối thoại,” Nam nói.

Tiếng Việt đủ giàu đẹp để thay thế

TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh, chuyên gia nghiên cứu Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng hiện tượng giao tiếp “nửa Tây nửa Ta” phản ánh sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa đến ngôn ngữ. “Không thể phủ nhận rằng tiếng Anh đã và đang giúp giới trẻ tiếp cận tri thức và giao lưu quốc tế. Nhưng điều đáng buồn là nhiều bạn trẻ lại lạm dụng nó đến mức tiếng Việt bị làm lu mờ trong giao tiếp hàng ngày,” bà bày tỏ.

Theo bà, tiếng Việt vốn rất phong phú và đủ sức biểu đạt mọi sắc thái cảm xúc, ý nghĩa. Bà lấy ví dụ, thay vì nói "deadline", hoàn toàn có thể dùng từ “hạn chót”; hay thay "highlight" bằng “điểm nổi bật”. “Nếu chúng ta không tôn trọng và giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt dần sẽ mất đi sức sống vốn có,” bà nhận định.

PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, chỉ ra rằng việc sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp xuất phát từ ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, người nói không tìm được từ tiếng Việt tương ứng phù hợp hoặc dễ hiểu như tiếng Anh. Thứ hai, nhiều từ tiếng Anh đã trở nên phổ biến và quen thuộc, khiến người nói không còn bận tâm tìm từ thay thế bằng tiếng Việt. Và cuối cùng, không thể phủ nhận rằng có một bộ phận người trẻ dùng tiếng Anh để “khoe chữ”, thể hiện bản thân.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, Tiếng Việt giàu và đẹp hoàn toàn có thể thay thế ý nghĩa cho bất kì từ Tiếng Anh nào. (Ảnh minh họa bởi AI)

Các chuyên gia chỉ ra rằng, Tiếng Việt giàu và đẹp hoàn toàn có thể thay thế ý nghĩa cho bất kì từ Tiếng Anh nào. (Ảnh minh họa bởi AI)

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, việc không nắm vững tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với việc chưa hoàn thành trách nhiệm của một người yêu nước. Để làm chủ bất kỳ ngoại ngữ nào, chúng ta cần xây dựng nền tảng vững chắc từ sự thông thạo ngôn ngữ bản địa. Chỉ khi sử dụng tiếng Việt một cách thành thục và nhuần nhuyễn, ta mới có thể tạo nền móng vững vàng cho việc học các ngôn ngữ khác.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, tiếng Anh ngày càng khẳng định vị thế quan trọng. Nhưng việc sử dụng nó thế nào để không làm mất đi bản sắc ngôn ngữ Việt vẫn là một câu hỏi lớn. TS. Tuyết Minh khuyến nghị giới trẻ nên cân nhắc hoàn cảnh giao tiếp trước khi sử dụng tiếng Anh.

“Trong các hội thảo quốc tế hay những buổi học chuyên ngành, việc sử dụng thuật ngữ tiếng Anh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu trong những cuộc trò chuyện đời thường hoặc khi đối tượng giao tiếp là người Việt, hãy ưu tiên sử dụng tiếng Việt. Điều này không chỉ giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ mẹ đẻ mà còn thể hiện sự tôn trọng đối phương,” TS. Minh chia sẻ.

Bên cạnh đó, TS. Minh khuyến khích việc đẩy mạnh các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về giá trị của tiếng Việt. Các chương trình học cần tạo điều kiện để học sinh, sinh viên cảm nhận được vẻ đẹp và sự tinh tế của ngôn ngữ dân tộc.

Việc giao tiếp “nửa Tây nửa Ta” đang trở thành xu hướng, nhưng không vì thế mà làm lu mờ vai trò của tiếng Việt. Tiếng Anh có thể là chiếc chìa khóa giúp giới trẻ mở cánh cửa hội nhập, nhưng tiếng Việt vẫn luôn là mái nhà để chúng ta tìm về.

Trong tiến trình toàn cầu hóa, tiếng Việt và tiếng Anh bổ trợ lẫn nhau, thay vì để một bên lấn át bên kia. Giới trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể cân bằng giữa việc tiếp thu ngôn ngữ quốc tế và giữ gìn sự phong phú của tiếng mẹ đẻ. Vì suy cho cùng, ngôn ngữ không chỉ là lời nói, mà còn là tấm gương phản chiếu văn hóa và tâm hồn của một dân tộc.

"Trong tiến trình toàn cầu hóa, tiếng Việt và tiếng Anh bổ trợ lẫn nhau, thay vì để một bên lấn át bên kia. Giới trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể cân bằng giữa việc tiếp thu ngôn ngữ quốc tế và giữ gìn sự phong phú của tiếng mẹ đẻ. Vì suy cho cùng, ngôn ngữ không chỉ là lời nói, mà còn là tấm gương phản chiếu văn hóa và tâm hồn của một dân tộc", bà nhận định.

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/xu-huong-pha-tay-trong-ngon-ngu-nguoi-tre-linh-hoat-hay-lam-dung-post1696316.tpo