Xu hướng sống một mình đe dọa tinh thần tập thể của người Nhật

Lối sống độc thân, không kết hôn và không cần bạn bè đồng hành đang là xu thế mới, gây ảnh hưởng không nhỏ lên xã hội Nhật Bản vốn nổi tiếng có tinh thần tập thể cao.

Khoảng một thập kỷ trước, ăn trưa một mình tại căng tin trường học hay công ty là một nỗi xấu hổ của người Nhật. Những người không có bạn bè ăn cùng thường phải vào nhà vệ sinh ăn, dẫn đến sự ra đời của cụm từ “benjo meshi”, tức “bữa trưa trong toilet”.

Tuy nhiên nhiều người nhận thấy rằng Nhật Bản đang “thay da đổi thịt”. Một trong số đó là Miki Tateishi, một bartender tại Tokyo. Cô làm việc ở quán bar Hitori, một địa điểm ấm cúng ở quận Shinjuku về đêm.

Quán được thiết kế dành riêng cho những người hay lui tới uống rượu một mình. Ngay ở cái tên “Hitori” cũng mang nghĩa là “một người”.

 Trước khi trở thành bartender, Miki Tateishi cũng là một người thích tận hưởng không gian một mình trong quán bar. Ảnh: Shiho Fukada và Keith Bedford.

Trước khi trở thành bartender, Miki Tateishi cũng là một người thích tận hưởng không gian một mình trong quán bar. Ảnh: Shiho Fukada và Keith Bedford.

Không gian quán với sức chứa hơn một chục người, cộng thêm đồ uống ngon, tạo nên cảm giác thoải mái khiến các vị khách dễ dàng bắt chuyện với nhau.

Tateishi nói: “Một số vị khách muốn tận hưởng không gian một mình, những người khác lại muốn tạo dựng những mối quan hệ mới”.

Kai Sugiyama (29 tuổi), nhân viên một công ty sản xuất Nhật Bản, nhận định: “Tôi cảm thấy người Nhật Bản luôn sống theo tập thể, chúng tôi làm mọi việc với nhiều người khác. Không tồn tại chuyện làm việc theo cá nhân trong văn hóa của chúng tôi. Nếu có thì thật sự hiếm thấy”.

 Nhiều phòng karaoke một người "mọc lên" nhờ sức ảnh hưởng của văn hóa ohitorisama. Ảnh: AFP.

Nhiều phòng karaoke một người "mọc lên" nhờ sức ảnh hưởng của văn hóa ohitorisama. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, quán bar Hitori không phải là ví dụ duy nhất về việc các doanh nghiệp chuyển mình để phù hợp với xu thế sống một mình của người dân Nhật Bản.

Từ các quán ăn đến những hoạt động của cuộc sống về đêm, nhiều lựa chọn mới đã xuất hiện dành riêng cho những cá nhân trong những năm gần đây.

Xu hướng này có tên “ohitorisama”, tức những người mạnh dạn lựa chọn làm việc một mình thay vì nghe theo ý kiến của những người khác.

Sức ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ohitorisama

Trong 18 tháng trở lại đây, ngày càng có nhiều người khẳng định niềm vui thích của họ với lối sống ohitorisama trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng.

Nếu tìm kiếm hashtag ohitorisama trên Instagram, bạn sẽ tìm thấy hàng trăm nghìn bức ảnh về bữa tối, buổi chiếu phim hay lều trại dành cho những chuyến phiêu lưu độc thân.

Thậm chí, ngay cả hoạt động vốn dành cho một nhóm người như karaoke cũng được chuyển hóa thành cho một người.

Daiki Yamatani, trưởng phòng bán hàng phụ trách PR của công ty karaoke 1Kara, cho biết: “Nhu cầu hát một mình ngày càng tăng, hiện chiếm 30-40% tổng số khách hàng đi hát karaoke”.

Vì vậy, công ty 1Kara đã bổ sung nhiều phòng hát cá nhân có hình dạng giống bốt điện thoại, thay thế cho những phòng hát đông người.

 Nhiều người lựa chọn đi hát karaoke một mình để thỏa mãn sở thích của bản thân mà không ảnh hưởng đến người khác. Ảnh: Shiho Fukada và Keith Bedford.

Nhiều người lựa chọn đi hát karaoke một mình để thỏa mãn sở thích của bản thân mà không ảnh hưởng đến người khác. Ảnh: Shiho Fukada và Keith Bedford.

Go Yamaguchi, một khách hàng của 1Kara, nói rằng anh phải đợi tới lượt của mình khi đi hát karaoke cùng bạn bè. “Nếu hát không hay trước mặt bạn bè, tôi sẽ rất xấu hổ. Khi đi hát một mình thì tôi hát thế nào cũng được, chả phải đợi ai, rất thoải mái”, anh nói thêm.

Trên thế giới, sống một mình không phải điều gì ngạc nhiên lắm. Không ít những influencer trên mạng xã hội nổi danh từ những ấn phẩm hướng dẫn cách uống rượu và đọc sách một mình ở quán bar.

Tuy nhiên, tại một quốc gia ưa chuộng tính tập thể như Nhật Bản, việc sống một mình là một vấn đề lớn.

Motoko Matsushita, nhà tư vấn cấp cao tại Viện nghiên cứu kinh tế Nomura, có những nghiên cứu chuyên sâu về nguồn gốc và tương lai của văn hóa ohitorisama. “Nhật Bản là một đất nước nhỏ, vì vậy mọi người cần nhau để tồn tại”, cô nói.

 Hiện nay, cái nhìn về văn hóa "sống một mình" của người Nhật Bản đã trở nên tích cực hơn 10 năm trước. Ảnh: AFP.

Hiện nay, cái nhìn về văn hóa "sống một mình" của người Nhật Bản đã trở nên tích cực hơn 10 năm trước. Ảnh: AFP.

Cô cũng chia sẻ thêm, sự tiến bộ vượt bậc của mạng xã hội, nơi mà số lượng bạn bè hay những lượt tương tác quyết định giá trị của người dùng, đã thúc đẩy sự phát triển văn hóa ohitorisama.

Theo cô Matsushita, những áp lực tiêu cực của xã hội về việc sống một mình có xu hướng giảm dần.

Kết quả của một cuộc khảo sát 10.000 người từ năm 2015 đến năm 2018 do cô chủ trì cho thấy thái độ tích cực của người Nhật Bản đối với lối sống độc lập và tính linh hoạt của gia đình.

Chẳng hạn, chỉ ít người cảm thấy mọi người nên kết hôn và sinh con, trong khi nhiều người lại cảm thấy việc ly hôn ngay cả khi bạn có con chung cũng không sao. Đối với các cặp vợ chồng, nhiều người cảm thấy ổn về việc giữ bí mật với đối phương của họ.

“Sức chi tiêu của những người độc thân không còn có thể bị bỏ qua”, theo ông Kazuhisa Arakawa, một nhà nghiên cứu thị trường tại Hakuhodo, một trong những công ty quảng cáo lớn nhất Nhật Bản.

 Số lượng thanh niên chọn lựa sống độc thân ngày càng tăng, dẫn đến tỷ lệ sinh của Nhật Bản giảm mạnh. Ảnh: Shiho Fukada và Keith Bedford.

Số lượng thanh niên chọn lựa sống độc thân ngày càng tăng, dẫn đến tỷ lệ sinh của Nhật Bản giảm mạnh. Ảnh: Shiho Fukada và Keith Bedford.

Arakawa còn là tác giả của nhiều cuốn sách về nền kinh tế “siêu độc lập” của xứ sở hoa anh đào. Theo ước tính của ông, khoảng 50% dân số từ 15 tuổi trở lên sẽ lựa chọn sống độc thân vào năm 2040.

“Tôi tin rằng, phải nhanh chóng nắm bắt được tập khách hàng độc thân này nếu thị trường Nhật Bản muốn phát triển trong tương lai”, ông khẳng định.

Văn hóa Ohitorisama sẽ là tương lai của thế giới

Hiện nay, Nhật Bản đang phải đối mặt với sự sụt giảm dân số đáng lo ngại. Theo dữ liệu điều tra dân số, tỷ lệ sinh đạt mức thấp nhất kể từ năm 1899.

Đồng thời, số hộ gia đình độc thân tăng lên, từ 25% lên hơn 35% vào năm 2015, tương ứng với tỷ lệ kết hôn giảm mạnh và cả tình trạng góa vợ, góa chồng ở người cao niên phát triển.

Văn hóa ohitorisama cũng tác động cả những gia đình truyền thống Nhật Bản. Theo nghiên cứu của ông Kazuhisa Arakawa, cứ một trong ba người đã lập gia đình thích các hoạt động giải trí chỉ có một mình.

Tuy nhiên, không chỉ có mỗi Nhật Bản bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn hóa “sống một mình”, nhiều quốc gia khác trên thế giới đang chứng kiến sự gia tăng các hộ gia đình độc thân.

 Văn hóa ohitorisama sẽ sớm trở thành tương lai của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ảnh: Shiho Fukada và Keith Bedford.

Văn hóa ohitorisama sẽ sớm trở thành tương lai của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ảnh: Shiho Fukada và Keith Bedford.

Theo báo cáo nghiên cứu năm 2019 của Euromonitor International, một công ty nghiên cứu thị trường độc lập có trụ sở tại London, ước tính số hộ gia đình độc thân trên toàn thế giới tăng 128% từ năm 2000 đến năm 2030. Đây là một con số kỷ lục chưa từng thấy.

Ông Arakawa cho biết: “Một xã hội ‘siêu’ độc thân, nơi mà người trẻ tuổi không bao giờ kết hôn và người cao niên lại độc thân sau khi góa chồng, góa vợ, sẽ là tương lai của tất cả các quốc gia, không chỉ riêng Nhật Bản”.

Tất nhiên, ở những quốc gia vốn đã quen làm mọi việc thì hiện tượng ohitorisama không gây xáo trộn xã hội lắm nhưng lại gây chấn động xứ sở hoa anh đào.

Cô Matsushida chia sẻ: “Mới chỉ 10 năm trước đây thôi, người Nhật còn lo sợ dùng bữa trưa trong nhà vệ sinh vì không có bạn bè hay đồng nghiệp ở trường học hay công sở. Giờ đây, mọi người đã có suy nghĩ tích cực hơn về lối sống tự thân một mình”.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/xu-huong-song-mot-minh-de-doa-tinh-than-tap-the-cua-nguoi-nhat-post1037129.html