Xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường do sơ chế cà phê tại bản Đông Hưng

Vào vụ sản xuất cà phê hằng năm, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế tại bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu) đi vào hoạt động lại gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường cho các hộ dân sống xung quanh bởi mùi hôi thối, khói bụi, tiếng ồn...

Ban đêm, những chiếc xe tải chở đầy cà phê ra vào xưởng.

Ban đêm, những chiếc xe tải chở đầy cà phê ra vào xưởng.

(Ảnh chụp lúc 22 giờ ngày 28/9)

Tối 28/9, nhóm phóng viên đến bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi để “thực mục sở thị”, ngay khi đến địa phận của bản đã bắt đầu có mùi hôi thối. Theo dõi, đến 21 giờ 31 phút, nhiều xe tải chở đầy cà phê từ khắp nơi tấp nập ra, vào xưởng sơ chế.

Hoạt động sơ chế cà phê tươi vào ban đêm tại xưởng của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế.

Hoạt động sơ chế cà phê tươi vào ban đêm tại xưởng của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế.

(Ảnh chụp lúc 22 giờ 15 phút ngày 28/9)

Vào gia đình anh N.S, cách xưởng sơ chế vài chục mét, vừa gặp chúng tôi vợ chồng anh S, than thở: Mùi hôi thối lắm! Đêm không ngủ nổi, mặc dù đã đóng kín hết cửa mà vẫn mùi. Nhất là khi trời vừa mưa xong mà nắng lên, thì càng nặng mùi hơn. Xưởng hoạt động cả ngày lẫn đêm, tiếng máy sát cà phê tươi đến tận sáng mới nghỉ cực kỳ ồn ào. Đêm là thời gian nghỉ ngơi, mà tiếng ồn xuất hiện liên tục và kéo dài suốt nhiều năm qua, người dân ở đây ai cũng bức xúc!

Tiếp tục đến nhà anh N.H cũng gần xưởng sơ chế. Cửa nhà đóng kín, gọi mãi anh mới trả lời, anh H, chia sẻ: Gia đình tôi sống ở đây hơn 20 năm, nhưng khoảng 10 năm qua, khi xưởng sơ chế cà phê của Công ty Cát Quế đi vào hoạt động, thì cũng ngần ấy năm chúng tôi phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường sống. Ngoài mùi hôi thối, còn cả khói bụi mù mịt, nhất là sáng sớm, khói bụi bay là là sát mặt đất. Tôi rất lo lắng cho sức khỏe của cả gia đình!

Chứng kiến việc sản xuất của xưởng sơ chế cà phê trong đêm, chúng tôi đã trèo lên mái nhà của một người dân gần đó quan sát. Đã 22h30, nhưng tiếng máy hoạt động rầm rầm, các xe tải chở đầy cà phê tiếp tục đổ về xưởng. Đến 23h, bắt đầu thấy công nhân vận hành máy sát cà phê tươi; lúc này tiếng ồn tăng thêm, thi thoảng lại có tiếng ầm ầm của máy xúc dồn cà phê tươi vào máy sát. Tuy nhiên, theo anh N.S thì hôm nay ít cà phê, nên sát muộn hơn và chỉ vận hành 1 giàn máy, những hôm cà phê nhiều, chất thành đống tràn hết ra ngoài sân phơi thì phải sát từ 22h và vận hành cả 3 giàn máy và tiếng ồn to hơn rất nhiều.

Khói từ lò sấy cà phê của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế.

Khói từ lò sấy cà phê của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế.

(Ảnh chụp lúc 6 giờ 32 phút ngày 29/9)

Tìm hiểu về mức độ khói bụi như phản ánh người dân, sáng sớm hôm sau, 6 giờ hơn chúng tôi tiếp tục có mặt ở khu vực xưởng sơ chế cà phê, tiếng máy vẫn hoạt động rầm rầm. Trên mái nhà xưởng sấy cà phê, khói nghi ngút, dày đặc trắng xóa bao phủ cả vùng. Ghé vào các nương sản xuất của bà con gần khu vực xưởng sơ chế cà phê, nhận thấy những vườn cà phê, ngô, mận thân cây còi cọc, thân, lá, bụi bám một lớp dày đặc.

Bụi bám chặt kín trên lá cây cà phê gần xưởng sơ chế.

Bụi bám chặt kín trên lá cây cà phê gần xưởng sơ chế.

(Ảnh chụp lúc 6 giờ 37 phút ngày 29/9)

Thấy chúng tôi chụp ảnh, ghi hình, chị N.T.L đang làm cỏ cho cây ngô như được xả nỗi lòng: Nhà tôi cách xưởng 1km, nhưng vẫn ngửi thấy mùi thối. Không chỉ vậy, vườn mận gần xưởng luôn bị bụi phủ kín, không thể ra hoa đậu quả được.

Quan sát khu vực sau xưởng sơ chế, thấy hai đống lớn vỏ quả cà phê và vỏ bao đổ trực tiếp ra suối, các bức tường của xưởng bị đục thủng để tiện việc đổ vỏ hạt cà phê và vỏ bao ra suối. Dưới lòng suối, nước đọng thành từng vũng đen kịt và đây chính là con suối dẫn đến hang Thẳm Tát Tòng là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân địa bàn Thành phố.

Nước đen kịt đọng từng vũng trong lòng suối cạn ngay sau xưởng sơ chế.

Nước đen kịt đọng từng vũng trong lòng suối cạn ngay sau xưởng sơ chế.

(Ảnh chụp lúc 6 giờ 45 phút ngày 29/9)

Vỏ hạt cà phê và các bao tải vứt tràn ra suối cạn ngày sau xưởng sơ chế.

Vỏ hạt cà phê và các bao tải vứt tràn ra suối cạn ngày sau xưởng sơ chế.

(Ảnh chụp lúc 6 giờ 41 phút ngày 29/9)

Đục tường để tiện đổ vỏ hạt cà phê và bao tải ra suối cạn.

Đục tường để tiện đổ vỏ hạt cà phê và bao tải ra suối cạn.

(Ảnh chụp lúc 6 giờ 42 phút ngày 29/9)

Trao đổi với Bí thư Chi bộ bản Đông Hưng, được biết: Cứ vào vụ sản xuất cà phê hằng năm, xưởng đi vào hoạt động luôn gây ra mùi hôi thối, khói bụi và tiếng ồn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của 21 hộ sống gần xưởng sơ chế và khu vực chứa nước thải. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với các cấp có thẩm quyền, nhưng tình trạng vẫn vậy. Mong muốn, cơ sở điều chỉnh thời gian sản xuất hợp lý và thực hiện nghiêm quy định bảo vệ môi trường.

Khu thu gom và xử lý chất thải rất gần khu dân cư.

Khu thu gom và xử lý chất thải rất gần khu dân cư.

(Ảnh chụp lúc 9 giờ 32 phút ngày 29/9)

Theo người dân trong khu vực phản ánh, Công ty còn mua đất sản xuất ngay sau dân cư để làm khu vực thu gom, xử lý nước thải. Các hồ chứa nước thải của xưởng sơ chế sau khi kết thúc vụ sơ chế được tưới cho các nương, vườn hay lợi dụng trời mưa thì xả trực tiếp ra suối ngay sát sau xưởng sơ chế.

Dấu vết miệng cống mà xưởng sơ chế xả nước thải khi trời mưa.

Dấu vết miệng cống mà xưởng sơ chế xả nước thải khi trời mưa.

(Ảnh chụp lúc 6 giờ 52 phút ngày 29/9)

Quan sát bể lọc rác - là bể đầu tiên nhận nước thải từ sơ chế, tại đây đã lắp camera giám sát và có 2 vòi lắp đồng hồ đo lượng nước thải bơm lên. Tuy nhiên, khi mở xem đồng hồ của vòi đang bơm nước thải lên thì đồng hồ không quay, có chỉ số là 4.139 m³. Nhân viên bảo vệ giải thích là đồng hồ “bị tắc”?. Sau khi lấy que khơi thông và bơm lại, đồng hồ chỉ quay một lúc rồi lại dừng, bảo vệ cho biết đồng hồ rất hay bị tắc như vậy, mặc dù đồng hồ mới lắp được 20 ngày và đã được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát rất kỹ.

Nước thải bơm lên khu xử lý được lắp đồng hồ nhưng thường xuyên bị tắc không hoạt động.

Nước thải bơm lên khu xử lý được lắp đồng hồ nhưng thường xuyên bị tắc không hoạt động.

(Ảnh chụp lúc 8 giờ 58 phút ngày 29/9)

Ông Vương Bá Trung, Quản lý xưởng sơ chế của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế, cho biết: Công suất máy sát cà phê tươi là 8-10 tấn/giờ; lượng nước cần dùng khi sát 1 tấn cà phê tươi mất khoảng 0,9-1,1 m³ nước. Từ đầu vụ đến nay, xưởng đã mua và sơ chế được trên 2.000 tấn cà phê tươi.

Như vậy, theo lời ông Trung thì 2.000 tấn cà phê tươi, sau sơ chế sẽ thải ra khoảng 2.000 m³ nước thải. Nhưng thực tế chỉ số đồng hồ hiển thị đã là 4.139 m³ nước thải, cao gấp đôi lần số nước thải đã sơ chế, đấy là còn chưa tính việc đồng hồ bị tắc, không quay? Một con số thật khó lý giải???

Vỏ cà phê sau khi sát được tập kết thành đống không được che phủ.

Vỏ cà phê sau khi sát được tập kết thành đống không được che phủ.

(Ảnh chụp lúc 8 giờ 53 phút ngày 29/9)

Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu về hiện tượng bốc mùi hôi thối, khói bụi và tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, ông cho biết, chưa thấy người dân có phản ánh hiện tượng này đến huyện! Để phát triển sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản bền vững và lâu dài, UBND huyện đã đề nghị Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế cùng các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt trong thời gian tới xem xét phương án di chuyển vị trí cơ sở đến các cụm công nghiệp đã được lên phương án quy hoạch trên địa bàn huyện gồm 70 ha tại cụm công nghiệp xã Tông Cọ và 20 ha tại cụm công nghiệp xã Phổng Lái.

Câu chuyện ô nhiễm môi trường từ hoạt động sơ chế cà phê của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế luôn tái diễn, tình trạng ô nhiễm nước thải từ hoạt động chế biến cà phê gây ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn là câu chuyện không mới. Rõ nhất là tình trạng ô nhiễm nguồn nước của các nhà máy cấp nước sinh hoạt tại Thành phố và huyện Mai Sơn trong các niên vụ cà phê trước đây, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt các hộ dân.

Đảm bảo tiêu thụ cà phê cho người dân, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Ngày 27/9, tại cuộc làm việc về công tác bảo vệ nguồn nước của Thành phố, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chỉ đạo huyện Thuận Châu rà soát, thực hiện nghiêm Đề án và Quyết định 331 của UBND tỉnh về phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh... Đối với các đơn vị vi phạm, thực hiện không nghiêm, phải có biện pháp mạnh, có thể khởi tố làm gương để bảo vệ các nguồn nước, sai phạm đến đâu xử lý đến đó; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, bà con bản Đông Hưng vẫn đang sống chung với mùi hôi thối, khói bụi và tiếng ồn từ hoạt động sơ chế cà phê của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế. Các cấp, ngành cần có biện pháp triệt để, không để tình trạnh ô nhiễm môi trường kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của Thành phố.

Nhóm PV

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/xu-ly-dut-diem-o-nhiem-moi-truong-do-so-che-ca-phe-tai-ban-dong-hung-43859