Xử lý game lậu, game cờ bạc cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam
Nhiều tựa game lậu, game không phép cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam đã bị gỡ bỏ khỏi các chợ ứng dụng Apple và Google.
Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT), trong năm 2024, Cục đã phối hợp với các đơn vị chức năng, rà quét, ngăn chặn 667 fanpage quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng (tỷ lệ đạt 95%) trên nền tảng Facebook.
Cũng trong năm nay, Cục PTTH&TTĐT đã ngăn chặn xử lý hơn 5.300 tên miền liên quan đến hoạt động quảng cáo, tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng.
Cơ quan chức năng đã rà quét, phát hiện hơn 600 game không phép, cờ bạc trên các chợ ứng dụng nước ngoài, yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không kết nối thanh toán.
Kết quả, Apple đã gỡ 90 game không phép trên chợ ứng dụng App Store. Google đã gỡ 294 game không phép, game cờ bạc phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam trên chợ ứng dụng Google Play.
Nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, Bộ TT&TT và Sở TT&TT các địa phương đã rà soát, chấn chỉnh 45 tổ chức, cá nhân.
Trong đó, xử phạt 10 trường hợp với tổng số tiền phạt là 535 triệu đồng với các hành vi: Thay đổi địa chỉ đặt máy chủ cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 nhưng thông báo không đúng thời hạn; Ngừng cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 nhưng không báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 khi không có quyết định phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi điện tử G1; không đáp ứng điều kiện kỹ thuật cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1…
Một trường hợp bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là buộc dừng hoạt động trong vòng 1,5 tháng. Một trường hợp khác phải dừng phát hành trò chơi điện tử G1 trong vòng 2 tháng.
Theo Cục PTTH&TTĐT, bằng việc triển khai các giải pháp quyết liệt, nhờ đó, tình trạng game lậu, game cờ bạc, game vi phạm pháp luật đã cơ bản được chấn chỉnh, xử lý, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Tuy vậy, lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ trò chơi được cấp phép phát hành có nguồn gốc nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Việt Nam chỉ chiếm 14%, trong khi Trung Quốc chiếm 81% và các quốc gia khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật bản… chiếm 5%. Việc tranh chấp, khiếu nại về bản quyền, hình ảnh, nội dung game còn thường xuyên xảy ra.
Trên thực tế, các công ty game Việt Nam chủ yếu chỉ đóng vai trò là những nhà phát hành game thay vì nhà sản xuất, trong khi năng lực sản xuất, tiềm năng phát triển game tại Việt Nam là rất lớn. Chính vì nghịch lý này nên tỷ trọng đóng góp cho ngành game tại Việt Nam đang không tương xứng với doanh thu.
Thị trường game Việt Nam cũng còn đó một số bất cập như một số doanh nghiệp chưa chấp hành quy định trong việc quản lý thông tin người chơi. Có doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện chậm các thủ tục sửa đổi, bổ sung hoặc thông báo khi thay đổi các thông tin trong giấy phép, giấy chứng nhận. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo quy định.
Để hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý cho lĩnh vực này, Bộ TT&TT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nghị định 147 sẽ có hiệu lực từ 25/12/2024, với nhiều điểm mới đối với hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.
Cụ thể, nhà cung cấp phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật quản lý thời gian chơi trong ngày của người dưới 18 tuổi, không quá 60 phút đối với từng trò chơi, không quá 180 phút với tất cả các trò chơi mà doanh nghiệp cung cấp.
Ngoài ra, đơn vị phát hành phải có thông tin khuyến cáo "chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe" tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị, với tần suất 30 phút/lần trong suốt quá trình chơi.
Bên cạnh đó, Nghị định 147 đã điều chỉnh, cắt giảm bớt các điều kiện, thủ tục không cần thiết và giảm thời gian thẩm định, cấp phép, đối với cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Chính phủ cũng bổ sung thêm quy định không cấp phép đối với các trò chơi có thưởng, game sử dụng hình ảnh lá bài.
Trong năm 2025, để thúc đẩy game Việt phát triển, Cục PTTH&TTĐT sẽ duy trì, tổ chức Ngày hội Gameverse lần thứ 3 với quy mô lớn. Từ thành công của 2 kỳ tổ chức trước, sự kiện này dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều công ty, tập đoàn hàng đầu về công nghệ, game trong khu vực và thế giới.