Xử lý kỷ luật lao động cần đúng quy trình

Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người sử dụng lao động (NSDLĐ) áp dụng hình thức kỷ luật sa thải khi người lao động (NLĐ) có hành vi trộm cắp tài sản tại nơi làm việc. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức sa thải NLĐ trong trường hợp này cũng phải cẩn trọng, đúng quy định pháp luật.

Luật gia Phạm Đình Đức (giữa, Hội Luật gia TP.Biên Hòa) tư vấn pháp luật về lao động cho người lao động ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Đ.Phú

Luật gia Phạm Đình Đức (giữa, Hội Luật gia TP.Biên Hòa) tư vấn pháp luật về lao động cho người lao động ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Đ.Phú

* Lúng túng khi xử lý

Trong quá trình giao cho NLĐ gia công hạt điều tại cơ sở, ông T.V. (chủ cơ sở gia công hạt điều tại TP.Long Khánh) phát hiện có thất thoát thành phẩm. Do đó, ông bí mật tìm hiểu xem ai đã lấy trộm và phát hiện ra NLĐ A. thỉnh thoảng lén lút lấy thành phẩm đem về nhà sử dụng. Ông T.V. muốn sa thải NLĐ A. nhằm làm gương cho những NLĐ khác nhưng vẫn băn khoăn không biết làm vậy có vi phạm pháp luật về lao động hay không.

Hay như trường hợp ông C.K. (ở H.Vĩnh Cửu) kiên quyết đòi sa thải người lái xe chở gỗ khi người này trộm cắp một lượng dầu, gỗ tràm của cơ sở ông đem bán lấy tiền tiêu xài. Tuy nhiên, khi tham khảo ý kiến tổ chức Công đoàn thì ông được khuyên cần cân nhắc với quyết định nói trên. Trong trường hợp này, không xử lý kỷ luật sa thải người lái xe được vì trong nội quy lao động và hợp đồng lao động không quy định điều này.

Một số ý kiến cho rằng, nếu ông C.K. xử lý kỷ luật sa thải tài xế thì người tài xế có thể dựa vào Khoản 3, Điều 127 Bộ luật Lao động năm 2019 khởi kiện ông kỷ luật sa thải NLĐ trái luật. Khi đó, ông C.K. phải nhận người tài xế trở lại làm việc, đồng thời phải bồi thường vật chất như: chế độ tiền lương những ngày không được làm việc, trợ cấp mất việc, đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… theo đúng quy định.

Ông C.K. bày tỏ, do cơ sở sản xuất của ông nhỏ, chỉ sử dụng vài chục lao động, còn thiếu cán bộ pháp chế nên lúng túng trong việc xử lý NLĐ có hành vi vi phạm như trên.

* Xử lý kỷ luật phải đúng quy trình

Để NSDLĐ như các ông: V.A. (ở TP.Long Khánh), C.K. (ở H.Vĩnh Cửu) áp dụng hình thức kỷ luật lao động sa thải khi NLĐ có hành vi trộm cắp tài sản tại nơi làm việc một cách đúng luật, luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) hướng dẫn, khi nội quy lao động, hợp đồng lao động không có quy định thì NSDLĐ cần phải bổ sung quy định đó vào. Theo đó, cần quy định rõ, NLĐ có hành vi trộm cắp sẽ bị sa thải.

Trước khi sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, NSDLĐ phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở và phải được thông báo, niêm yết cho NLĐ biết. Nội quy lao động sửa đổi, bổ sung đó cũng phải nộp và đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Còn đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động thì NSDLĐ phải báo cho NLĐ biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.

Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động có quy định phạt tiền từ 5-40 triệu đồng đối với hành vi: không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở trước khi ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín hoặc nhân phẩm của NLĐ khi xử lý kỷ luật lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. Xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không quy định.

“Do đó, NSDLĐ cần lưu ý để tránh việc xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải đối với NLĐ mà không đúng quy định của pháp luật về lao động. Điều đó không chỉ không xử lý được NLĐ khi họ có hành vi trộm cắp tài sản tại nơi làm việc, trong quá trình làm việc mà còn phải gánh chịu hậu quả pháp lý như: bồi thường trách nhiệm vật chất, nhận NLĐ trở lại làm việc, bị xử phạt vi phạm hành chính” - luật gia Phạm Đình Đức lưu ý.

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư Đồng Nai), dù nội quy lao động, hợp đồng lao động không có quy định hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ có hành vi trộm cắp tài sản tại nơi làm việc, trong quá trình làm việc, NSDLĐ vẫn có giải pháp xử lý khác để răn đe bằng cách đề xuất với cơ quan có thẩm quyền như: công an, UBND nơi xảy ra vi phạm xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 3, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31-12-2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, NLĐ có hành vi trộm cắp tài sản bị phạt từ 2-3 triệu đồng.

Luật sư NGUYỄN VĂN HÒA (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho biết, khi xử lý kỷ luật NLĐ, NSDLĐ phải chứng minh được lỗi của NLĐ; phải có sự tham gia của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở mà NLĐ đang bị xử lý kỷ luật là thành viên; NLĐ phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện NLĐ bào chữa… Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản; không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động...

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202303/xu-ly-ky-luat-lao-dong-can-dung-quy-trinh-3162046/