Xuân trong bếp mẹ

Khi xuân chạm ngoài ngõ, bất chợt loáng thoáng đâu đây hương vị ngọt lành từ những sợi khói bếp xưa của mẹ lan vào căn bếp nhà tôi…

Xưa nay, Tết Nguyên đán đối với người Việt đã trở thành dịp lễ văn hóa truyền thống trọng đại mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc gắn liền với đời sống của mọi người, mọi giới. Từ thôn quê cho đến thành thị, giàu cũng như nghèo, quý tộc hay dân dã, ai ai cũng đều nô nức chuẩn bị cho gia đình đón một cái Tết no đủ, nồng ấm hương xuân.

Phong vị ngày Tết Nguyên đán từ những món ăn truyền thống đã trở thành một nét văn hóa của người Việt. Không những thế, người Việt còn chú trọng đến việc cúng kiếng thờ tự. Việc lau dọn, trang hoàng bàn thờ cho sạch sẽ, trưng bày hoa tươi, quả tốt và sửa soạn mâm cỗ cúng ông bà là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của mọi gia đình.

Tết cũng là thời khắc thiêng liêng để mọi người đoàn tụ bên mâm cơm gia đình đậm tình yêu thương, cùng nhau ôn cố tri tân, chia ngọt sẻ bùi những thăng trầm trong năm cũ, những định hướng công ăn việc làm trong năm mới. Lúc này trong lòng mọi người sẽ dâng lên một niềm vui khó tả, mỗi người có thể cởi mở tâm sự, chia sẻ với nhau vui buồn trong cuộc sống đời thường.

Mang tâm trạng người xa quê, dù năm tháng có vô tình rây sương trên tóc thì ký ức ăn Tết trong lòng người con xa quê như tôi cũng không dễ gì quên. Nhớ năm xưa, mới vào đầu tháng Chạp là nhà tôi rộn ràng chuẩn bị đón Tết, cái rộn ràng chung của người Huế mang tính hướng nội, mà người bận nhất là mẹ tôi.

 Ảnh: Freepik Ảnh: Clem

Ảnh: Freepik Ảnh: Clem

 Onojeghuo/Pexels.com

Onojeghuo/Pexels.com

Trong cái se lạnh của những ngày cuối đông ở xứ Huế, có chút nắng hanh vàng về trải lụa trên dòng sông Hương cũng là lúc bếp nhà tôi ấm lên hương vị món ăn ngày Tết ngan ngát tình xuân. Rộn ràng nhất là từ thời điểm 23 tháng Chạp, ngày tiễn ông Táo về chầu trời, là mẹ tôi đã lo chuẩn bị chu đáo các món ăn Tết và cúng Tết. Người xưa quan niệm vào ngày Tết thì trong nhà phải đầy đủ món ăn, thức uống thì cuộc sống cả năm mới sung túc, ấm no. Có lẽ vì vậy mà ngày Tết nhà tôi không thể thiếu những món ăn như dưa món, thịt ngâm nước mắm; món ninh, hầm; xôi trắng thịt hon hay các món nhắm đưa cay như nem, tré, chả thủ...

Riêng mâm cỗ cúng với nhiều món chay được mẹ tôi chuẩn bị rất tinh tế, mỗi món thể hiện mùi lai phong vị của hương thiền không cao lương mỹ vị nhưng là kết hợp hài hòa từ phẩm vật thiên nhiên với cái tâm thành của người nấu để dâng lên tổ tiên. Trước là để nhắc nhở con cháu nhớ đến cội nguồn, biết giữ đức hiếu sinh, sau là cho con cháu được thọ hưởng lộc của các bậc tiên hiền. Những món chay lành vừa có lợi cho sức khỏe, vừa giải ngán cho cái dạ dày trong ba ngày Tết vốn chứa khá nhiều rượu thịt cay nồng, béo ngậy.

Theo bước thời gian, giờ đây xuân chạm ngoài ngõ, bất chợt loáng thoáng đâu đây hương vị ngọt lành từ những sợi khói bếp xưa của mẹ lan vào căn bếp nhà tôi vào buổi chiều cuối năm.

Phái nữ trong bếp đang tất bật làm cỗ cúng, sau cúng sẽ được “cấp”, đó là lúc gia đình đoàn tụ bên mâm cơm chay lành đong đầy ấm áp yêu thương, cũng là cái nôi hạnh phúc của mọi thành viên lớn nhỏ trong gia đình vào thời khắc thiêng liêng chuẩn bị bước sang năm mới.

Học theo nếp xưa của mẹ, chọn món nấu theo mùa. Thời tiết vào xuân thì món chiên giòn như chả giò trái cây sử dụng các loại trái cây tươi để làm nhân cuốn chả giò, một món ăn trong mềm mát, ngoài giòn rụm, hay món lẩu nấm chua cay được chế biến từ rau củ và nấm tươi là những món ăn bổ dưỡng ấm lòng.

Món bánh ướt nhân nấm chỉ đơn giản là tàu hũ ky tươi, rau sống, chấm tương kho. Trừ rau ra, tất cả đều được làm từ nguyên liệu đậu nành kể cả nước chấm. Ấy vậy mà làm món xanh giải ngán rượu thịt rất có hiệu quả.

Món vả trộn thập vị nhân duyên từ một loại trái cây thổ sản miền Trung giàu chất xơ, được tích hợp hài hòa giữa cái duyên loại sản vật dân dã với bàn tay khéo léo, cái đức tính cần kiệm và cái tâm nấu nướng của người phụ nữ miền Trung thành một món ăn đặc sản “nghèo mà sang” luôn là nỗi nhớ của người xa quê.

Món ram khoai thơm thảo, mà mỗi miền có cách gọi khác nhau, người miền Nam gọi là chả giò, người miền Trung gọi là ram, người miền Bắc lại gọi là nem rán đã trở thành một món ăn “kinh điển”. Từ củ khoai vàng vàng màu mơ trộn với các nguyên liệu ngũ sắc hòa quyện cùng nhau như cuốn cả vũ trụ vào trong một sản phẩm của vùng miền lúa nước, được đặt vào mâm cỗ truyền thống với mong cầu thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc…

Đặc biệt, món bánh hoa hồng không chỉ để chúng ta hồi hướng công đức của các đấng sinh thành, nhắc nhở con cháu về đạo hiếu làm đầu mà còn là món bánh truyền thống biểu tượng của tình yêu son sắc, nghĩa vợ tình chồng…

Cho dù có đi khắp bốn phương trời thì cứ mỗi năm hết Tết đến những món chay lành trong bếp mẹ ngày xưa vẫn mãi lung linh trong bếp ấm nơi đất phương Nam. Cho dù nhịp sống hiện đại phong cách ăn Tết có khác đi đôi chút, những phong tục cổ truyền không còn được đầy đủ như xưa thì Tết Nguyên đán vẫn luôn được người dân Việt Nam gìn giữ và trân trọng truyền thống với mong cầu một năm mới đất nước yên bình, mọi người luôn an vui, hạnh phúc.

HỒ ĐẮC THIẾU ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/xuan-trong-bep-me-post775431.html