Xuất khẩu dệt may: Các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ

Mới bước sang đầu tháng 3 nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN) may trên địa bàn tỉnh đã có đủ đơn hàng đến hết quý II/2024, thậm chí là cả năm. Đây là tín hiệu tích cực để có thể hoàn thành mục tiêu sản xuất 115 triệu sản phẩm may của tỉnh trong năm 2024.

Hiện nay, các nhà máy may của Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT đã có đủ đơn hàng đến hết năm 2024, bảo đảm việc làm ổn định cho hơn 1.800 lao động. Ảnh: N.N

Hiện nay, các nhà máy may của Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT đã có đủ đơn hàng đến hết năm 2024, bảo đảm việc làm ổn định cho hơn 1.800 lao động. Ảnh: N.N

Là một trong những DN may xuất khẩu hàng đầu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (viết tắt là TNG) đã có đủ đơn hàng đến hết quý II/2024; chủ yếu là xuất khẩu cho các đối tác lớn như: Decathlon, Columbia, The Children’s Place, Sportmaster, Costco, Nike, Adidas…

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT của TNG chia sẻ: Năm nay, TNG đặt mục tiêu doanh thu, sản lượng tăng trưởng từ 5-10% so với năm 2023. Nhờ ký được các đơn hàng có số lượng lớn và giá trị kinh tế cao, trong 2 tháng đầu năm nay, doanh thu tiêu thụ của đơn vị đạt 871 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Hiện tại, TNG đang tập trung sản xuất các đơn hàng của tháng 3 để kịp thời bàn giao, đồng thời tiếp tục tìm kiếm các đơn hàng mới.

Tương tự đối với Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT (viết tắt là TDT), trụ sở chính tại huyện Phú Bình, chuyên may may áo khoác jacket, áo polo xuất khẩu sang các nước châu Âu. Ngay từ đầu năm, không khí lao động sản xuất của đơn vị đã rất nhộn nhịp do số lượng đơn hàng dồi dào và giá trị kinh tế tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, 2 nhà máy của TDT đặt tại huyện Phú Bình và Đại Từ đã có đủ đơn hàng đến hết năm 2024. Đây là những tín hiệu tích cực để TDT nỗ lực hoàn thành mục tiêu doanh thu 20 triệu USD trong năm 2024 (tăng hơn 10% so với năm 2023) và tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 1.800 người lao động.

Đơn cử như tại Công ty CP may Thành Hưng đã duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm thị trường mới. Ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty cho biết: Năm nay, đơn vị tập trung tái cơ cấu thị trường. Ngoài duy trì các thị trường truyền thống, DN này còn mở rộng tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang Nga, Hàn Quốc và một số nước châu Á...

Tính chung 2 tháng đầu năm nay, sản lượng may toàn tỉnh đạt 16,7 triệu cái (bằng 15% kế hoạch năm); giá trị xuất khẩu đạt 85,3 triệu USD. Tuy sản lượng chỉ bằng 99,9% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng theo các DN may thì giá trị các đơn hàng lại tăng hơn từ 5-10%. Đây được xem là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện nỗ lực của các DN may trong việc tìm kiếm, cơ cấu lại thị trường tiêu thụ.

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực dệt may, năm 2024, ngành dệt may cả nước nói chung và xuất khẩu may Thái Nguyên nói riêng sẽ có những tín hiệu tích cực giúp cho các DN hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể như Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất là động lực thúc đẩy tiêu dùng. Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều về vấn đề lao động, xung đột vũ trang trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một động lực mới cho đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam tốt hơn. Cùng với đó, 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đang được thực thi; 3 FTA khác đang trong quá trình đàm phám và sớm có hiệu lực. Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng GDP cao hơn năm 2023.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội tích cực thì tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam từ nay đến hết năm sẽ có nhiều biến động rất khó lường. Cụ thể như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức; chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của EU... Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào tăng cao, tỷ giá giảm, xu hướng chuyển đổi số diễn ra nhanh... cũng là những thách thức đặt ra với dệt may thời gian tới.

Dây chuyền cắt sản phẩm may tại Chi nhánh TNG Đại Từ (thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG).

Dây chuyền cắt sản phẩm may tại Chi nhánh TNG Đại Từ (thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG).

Trước những khó khăn, thách thức này, hiện, các DN may của tỉnh đã và đang đề ra các giải pháp để nắm bắt các cơ hội cũng như nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Cụ thể các DN tập trung vào chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế; tập trung nghiên cứu sản phẩm mới, chất lượng mới... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh. Đồng thời nâng cao năng lực quản trị thông qua áp dụng chuyển số trong công tác quản trị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chú trọng đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa, sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường...

Với những đặc điểm cơ bản của thị trường ngành dệt may giai đoạn tới, các chuyên gia cũng khuyến nghị thêm đối với các DN may cần bám sát thị trường, đối tác để có những dự báo, xây dựng phương án sản xuất, duy trì hoạt động; tận dụng tối đa những cơ hội từ FTA mang lại, đơn cử như Việt Nam là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tác cả đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Nga và Eu; hay như chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền móng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi - dệt - nhuộm...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202403/xuat-khau-det-may-cac-doanh-nghiep-chu-dong-tim-kiem-thi-truong-tieu-thu-d0c250b/