Xuất khẩu dừa Việt Nam trước cột mốc 1 tỷ USD

Xuất khẩu dừa năm 2024 của Việt Nam có thể cán mốc 1 tỷ USD là thông tin được công bố tại Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa' vừa được Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp tổ chức tại Bến Tre.

Hiện nay, ngành dừa Việt Nam với diện tích gần 200.000ha, đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại các tỉnh duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Từ con số khiêm tốn chỉ 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2010, ngành dừa đã phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.

 Xuất khẩu dừa năm 2024 của Việt Nam có thể cán mốc 1 tỷ USD. Ảnh minh họa

Xuất khẩu dừa năm 2024 của Việt Nam có thể cán mốc 1 tỷ USD. Ảnh minh họa

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội to lớn cho dừa tươi Việt Nam chinh phục thị trường tỷ dân.

Thời gian, các cơ quan chức năng của Việt Nam, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực, đẩy mạnh đàm phán với Mỹ, châu Âu chấp thuận cho phép quả dừa Việt Nam nhập khẩu, đặc biệt là đàm phán thành công với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch, đã tạo ra tiền đề lớn cho sự mở rộng thị trường và phát triển bền vững của ngành dừa.

Trung Quốc hiện là thị trường rất quan trọng của dừa; hằng năm nước bạn tiêu thụ 4 tỷ quả dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỷ quả tươi... Trong khi nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế, đây chính là cơ hội cho quả dừa của Việt Nam.

Quả dừa tươi được sơ chế, bóc lớp vỏ ngoài.

Quả dừa tươi được sơ chế, bóc lớp vỏ ngoài.

Nhận định về cơ hội và thách thức tại thị trường này, ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây hàng đầu của nước ta đánh giá, thị trường Trung Quốc đem đến nhiều cơ hội lớn cho xuất khẩu dừa Việt Nam, nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức.

Về thuận lợi, Trung Quốc là thị trường đông dân, nhu cầu cao đối với các sản phẩm từ dừa, đặc biệt là dừa tươi, nước dừa, dầu dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa. Với vị trí địa lý gần gũi, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chi phí vận chuyển so với các đối thủ từ Đông Nam Á và châu Phi. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi về giảm thuế và đẩy mạnh giao thương. Việt Nam là quốc gia có sản lượng dừa lớn, đặc biệt từ Bến Tre và các tỉnh miền Tây, bảo đảm khả năng cung cấp ổn định cho thị trường.

Tuy nhiên, đại diện Công ty Vina T&T Group cũng cho rằng, xuất khẩu dừa sang Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật, chất lượng và an toàn thực phẩm. Sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước sản xuất dừa khác như Thái Lan, Indonesia đòi hỏi doanh nghiệp phải cải tiến sản phẩm và giữ giá hợp lý. Việc các đơn vị Trung Quốc thuê các xưởng nhỏ không bảo đảm an toàn thực phẩm và không có mã cơ sở đóng gói xuất khẩu, gây ảnh hưởng đến các công ty đầu tư bài bản.

Ngoài ra, các thay đổi về chính sách nhập khẩu; chi phí vận chuyển, bảo quản và xử lý hậu cần vẫn là một thách thức, đặc biệt với dừa tươi yêu cầu bảo quản kỹ càng; đặc biệt sự phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc dễ dẫn đến rủi ro nếu thị trường này thay đổi đột ngột.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho rằng, để ngành dừa phát triển, cần chia sẻ hài hòa lợi ích nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời cần phải quan tâm tới chất lượng, nâng cao năng lực sản xuất và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là cần thiết để bảo đảm sự phát triển bền vững của quả dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/xuat-khau-dua-viet-nam-truoc-cot-moc-1-ty-usd-806936