Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu phục hồi từ các thị trường chủ lực

Theo ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương, mặc dù còn nhiều khó khăn tác động từ giảm nhu cầu tiêu thụ, nhưng xuất khẩu thủy sản của nước ta đã có dấu hiệu phục hồi từ các thị trường chủ lực, trong những tháng gần đây. Thực tế này hứa hẹn tăng trưởng xuất khẩu mặt này trong những tháng còn lại của năm 2023.

Tín hiệu mừng của xuất khẩu thủy sản

Phát biểu tại hội nghị đồng hành cùng ngành thủy sản thúc đẩy xuất khẩu (XK) diễn ra chiều 31/10, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, hiện đã xuất hiện những tín hiệu tích cực trong 1 - 2 tháng gần đây cho thấy XK thủy sản đang dần phục hồi, lấy đà tăng trưởng trong quý IV/2023, sau khi sụt giảm mạnh do áp lực từ các yếu tố vĩ mô cả trong nước và quốc tế.

Ông Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Anh

Ông Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Anh

Tín hiệu mừng của XK thủy sản đến từ sự phục hồi của các thị trường chủ lực do nhu cầu tăng vào các dịp lễ cuối năm với các sản phẩm thế mạnh của ngành như cá ngừ, tôm, cá tra.

Phân tích về thách thức đối với mặt hàng thủy sản thời gian qua, ông Đỗ Thắng Hải chia sẻ, sự cạnh tranh về giá thủy sản trên thị trường quốc tế khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam gặp khó khăn, dẫn tới việc giảm giá. Tiếp theo, nhu cầu thủy sản nhập khẩu cũng giảm do các quốc gia nhập khẩu cũng chưa tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho lớn của năm trước.

Mặc dù vậy, đã xuất hiện một số tín hiệu tốt từ thị trường thế giới và trong nước cũng như xu hướng tiêu dùng gia tăng ở các thị trường chính vào những tháng cuối năm đang đem lại triển vọng phục hồi XK ngành hàng này.

Xuất khẩu thủy sản dần phục hồi. Ảnh: minh họa

Xuất khẩu thủy sản dần phục hồi. Ảnh: minh họa

Tín hiệu mừng của XK thủy sản đến từ sự phục hồi của các thị trường chủ lực do nhu cầu tăng vào các dịp lễ cuối năm với các sản phẩm thế mạnh của ngành như cá ngừ, tôm, cá tra.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP (Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản), cho biết trong mấy tháng gần đây nhu cầu gia công thủy sản từ các “ông chủ” lớn đến từ các thị trường trọng điểm như Nhật Bản và Mỹ gia tăng đáng kể.

Từ tháng 6 trở đi tăng trưởng âm thu hẹp dần. Riêng trong tháng 9, doanh số XK chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ nên tổng kim ngạch trong quý III chỉ thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022 và đây cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý năm nay.

Tại hội nghị, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng chia sẻ, quý III/2023, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ giảm 34%. Tuy nhiên, so với với 2 quý đầu năm thì con số này vẫn được coi là tăng trưởng tích cực. Mặt khác, so với các đối tác cạnh tranh, mức sụt giảm vẫn thấp hơn các quốc gia khác.

Ông Đỗ Ngọc Hưng nhận định, hiện lượng tồn kho của Hoa Kỳ đang giảm, nhu cầu tiêu thụ lớn cho các dịp lễ tết cuối năm sẽ là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản.

Trợ lực cho doanh nghiệp thủy sản lấy lại đà tăng trưởng

Dự cảm về tình hình thị trường trong thời gian tới, ông Đỗ Thắng Hải nhận định, bức tranh của ngành thủy sản năm 2023 mặc dù khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn. Những khó khăn này dự kiến kéo dài từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2024.

Để hỗ trợ DN gia tăng kim ngạch XK lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm, ông Đỗ Thắng Hải đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục chủ động, nắm bắt, phân tích chính sách, nhu cầu thị trường để cung cấp thông tin kịp thời cho hiệp hội ngành hàng, DN.

Còn trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Phòng vệ thương mại… phối hợp chặt chẽ với hệ thống thương vụ kịp thời tham mưu xây dựng chính sách ứng phó với biến động thị trường, điều chỉnh chiến lược sản xuất, xuất khẩu gắn với định hướng phát triển DN địa phương.

VASEP cần chủ động hướng dẫn hỗ trợ DN điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh; xây dựng các hoạt động xúc tiến thương mại của đơn vị đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó có yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững; chủ động cung cấp thông tin của chính DN để các bộ, ngành ngành xây dựng, định hướng chính sách phù hợp.

“Về phía DN, cần tiếp tục tuân thủ quy định của Nhà nước, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. DN, địa phương làm tốt các hoạt động liên quan góp phần thúc đẩy phát triển ngành nói riêng, phát triển nền kinh tế nói chung” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, về chủng loại thủy sản XK chính của Việt Nam như cá tra, tôm và một số loại mới, khả năng khai thác chế biến cũng rất tốt. Đây là lợi thế lớn của DN thủy sản Việt Nam.

Để tận dụng thời cơ, gia tăng kim ngạch XK trong những tháng cuối năm, DN cần tập trung thêm vào khâu quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm thế mạnh của ngành; tăng cường tính hiệu quả, chuỗi giá trị ngay từ cấp vùng nuôi.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-khau-thuy-san-co-dau-hieu-phuc-hoi-tu-cac-thi-truong-chu-luc-138604.html