Xúc cảm cùng dàn nhạc ngũ âm

Âm nhạc truyền thống dân gian Khmer mang nét đặc trưng rất riêng. Khi dàn nhạc ngũ âm (Pinpeat) cùng tấu lên một bản nhạc sẽ tạo ra sức thu hút lạ thường. Tại chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh có một ban nhạc như thế. Điều cuốn hút còn vì thành viên của ban nhạc đều là học sinh người Khmer.

Gìn giữ bản sắc văn hóa Khmer

Anh Lâm Tích, trước đây phụ trách công tác văn hóa của chùa Sóc Lớn cho biết: Khoảng hơn 10 năm về trước, các già làng Lâm Uynh, Lâm Póch, Lâm Bắc… đề xuất với sư thầy Thạch Nê, trụ trì chùa tổ chức ban nhạc ngũ âm để phục vụ các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer. Ngay sau đó, sư Thạch Nê đã nhờ mua dàn ngũ âm từ tỉnh Sóc Trăng với kinh phí hơn 60 triệu đồng.

Ban nhạc ngũ âm chùa Sóc Lớn tham gia chương trình mừng xuân tại Hà Nội

Ban nhạc ngũ âm chùa Sóc Lớn tham gia chương trình mừng xuân tại Hà Nội

Ngũ âm ở đây có 5 chất liệu được dùng để chế tác các loại nhạc cụ đó là: đồng, sắt, gỗ, da và hơi để hình thành các nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Khmer. Hiện dàn ngũ âm chùa Sóc Lớn có 7 nhạc cụ: đàn thuyền (Rô niết) 2 cây, đàn Khưm, trống, bộ cồng chiêng vòng lớn và vòng nhỏ cùng Sămpô. Khi mua được nhạc cụ, chùa tuyển chọn nhạc công cho ban nhạc, mục đích hướng đến là các em học sinh. Tuy đã tuyển đủ 7 em, nhưng cộng đồng đồng bào Khmer ở Bình Phước không ai am tường về dàn nhạc ngũ âm, nên chùa đã mời thầy Lý Thươl ở Sóc Trăng lên truyền dạy. Sau 2 tháng, thầy trò miệt mài tập luyện sớm trưa, ban nhạc ngũ âm gồm 7 em học sinh đã thành thục những bài nhạc đơn giản. Để có lớp kế thừa, sư thầy chùa Sóc Lớn và các già làng tiếp tục tìm kiếm và đưa các em tham gia học. Theo đó, cứ vào dịp nghỉ hè hằng năm, các thành viên trong ban nhạc ngũ âm đến chùa chỉ dạy cho các em lớp sau. Nhờ đó, hơn 10 năm qua, chùa Sóc Lớn luôn rộn ràng trong tiếng nhạc truyền thống ngũ âm, góp phần phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trong cuộc sống hiện đại.

“Hữu xạ tự nhiên hương”

Từ khi có ban nhạc ngũ âm, các sự kiện lớn, nhỏ trong khu dân cư hay các lễ hội truyền thống hằng năm của đồng bào Khmer tại Lộc Ninh nói riêng và Bình Phước nói chung không thể thiếu sự góp mặt của ban nhạc. Các em đã tập luyện và biểu diễn phối hợp nhuần nhuyễn gần 20 bài nhạc truyền thống phục vụ cho lễ hội của đồng bào Khmer, nhất là các bài gắn liền với những điệu múa Say yăm, Rom Vong, Dzù kê… Bên cạnh đó, ban nhạc ngũ âm còn chơi được những bài nhạc mới.

Mừng xuân Mậu Tuất năm 2018, ban nhạc đã được Trung tâm Văn hóa tỉnh chọn là đại diện cho Bình Phước ra Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội biểu diễn. Trong chuyến đi đó, các em được tham quan thủ đô Hà Nội, thăm Lăng Bác, cố đô Huế và viếng mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình. Một chuyến đi thật nhiều niềm vui và cảm xúc. Tiếp đó, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã giới thiệu ban nhạc trong chương trình “Những cung bậc quê hương” mừng xuân Canh Tý năm 2020. Nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh đã mời ban nhạc giao lưu hay biểu diễn tại những sự kiện văn hóa mang tính dân tộc. Tỉnh Bình Dương cũng đã mời ban nhạc ngũ âm về biểu diễn.

Ban nhạc ngũ âm chùa Sóc Lớn không chỉ là nét sinh hoạt tinh thần của cộng đồng đồng bào Khmer tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh mà còn góp phần làm cho sắc màu văn hóa dân tộc ở Bình Phước thêm đa dạng phong phú. Và càng thêm trân quý những đóng góp hết sức ý nghĩa thiết thực của những người luôn tâm huyết gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trên quê hương Bình Phước, trong thời kỳ đổi mới xây dựng, phát triển và hội nhập.

Đức Hòa

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/253/124128/xuc-cam-cung-dan-nhac-ngu-am