Xung đột Nga-Ukraine: Kiev nhận tin buồn về tên lửa từ Mỹ, Thụy Sỹ muốn làm 'cây cầu hòa bình'
Ngày 1/7, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định tạm dừng việc chuyển giao một số lô hàng tên lửa phòng không và đạn dược chính xác cho Ukraine.

Lầu Năm Góc quyết định tạm ngưng chuyển giao một lô vũ khí viện trợ cho Ukraine trong xung đột với Nga. (Bloomberg)
Kênh NBC News cho biết, theo xác nhận của các quan chức Lầu Năm Góc, Quốc hội và hai nguồn thạo tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã ra lệnh tạm dừng một lô vũ khí, bao gồm tên lửa và đạn dược, dự kiến gửi tới Ukraine, trong bối cảnh xuất hiện lo ngại về mức độ suy giảm của kho dự trữ quân sự Mỹ.
Theo các nguồn tin, quyết định này được đưa ra vài tuần sau khi ông Hegseth ban hành một bản ghi nhớ yêu cầu rà soát toàn diện kho vũ khí của Mỹ.
Việc cung cấp vũ khí kéo dài cho Ukraine nhằm đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, cùng gần hai năm tham chiến ở Trung Đông chống lại phiến quân Houthi tại Yemen và bảo vệ Israel trước mối đe dọa từ Iran, đã khiến lượng dự trữ quốc phòng của Mỹ sụt giảm đáng kể.
Các quan chức cho biết, quá trình chuyển giao vũ khí có thể bị tạm hoãn cho đến khi hoàn tất đánh giá và nếu phát hiện các loại đạn dược đang thiếu hụt hoặc cần thiết cho các chiến trường khác, việc chuyển giao có thể bị đình chỉ lâu hơn nữa.
Lô vũ khí bị hoãn bao gồm hàng chục tên lửa đánh chặn Patriot có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình Nga, hàng nghìn đạn pháo 155 mm cho pháo Howitzer, hơn 100 tên lửa Hellfire, hơn 250 hệ thống tên lửa dẫn đường chính xác GMLRS cùng hàng chục tên lửa phòng không Stinger, tên lửa không đối không AIM và súng phóng lựu.
Người phát ngôn Nhà Trắng Anna Kelly khẳng định: “Quyết định này được đưa ra để đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu, sau khi Bộ Quốc phòng rà soát tổng thể việc hỗ trợ quân sự cho các nước trên toàn cầu. Sức mạnh của Quân đội Mỹ vẫn không thể nghi ngờ, hãy hỏi Iran mà xem”.
Hồi tháng 2 và tháng 3, chính quyền Tổng thống Trump cũng đã từng tạm dừng viện trợ toàn bộ viện trợ vũ khí cho Ukraine trong ngắn hạn, song sau đó đã tiếp tục gửi những lô hàng viện trợ cuối cùng được phê duyệt dưới thời người tiền nhiệm Joe Biden. Hiện tại, Lầu Năm Góc chưa đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào về thông tin này và chưa có chính sách mới nào được công bố.
Liên quan xung đột Nga-Ukraine, ngày 1/7, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Thụy Sỹ Karin Keller-Sutter tại Điện Élyseé, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một số điểm nóng hiện nay, trong đó có tình hình ở Ukraine
Phát biểu họp báo sau đó, Tổng thống Thụy Sỹ nói: “Tổng thống Emmanuel Macron đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với nền tảng đàm phán giữa Ukraine và Nga tại Geneva”.
Theo bà, Thụy Sỹ "sẽ cố gắng làm cầu nối để các bên đến đàm phán. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn phụ thuộc vào quyết định của Nga và thậm chí là cả Mỹ - nước có liên quan cuộc xung đột ở Ukraine”.