Xung quanh việc lấn chiếm hồ thủy lợi Tiền Phong: Kỳ I: Ký ức của những người ngăn dòng, đắp đập

LTS: Hồ thủy lợi Tiền Phong (tên cũ là hồ thủy lợi bản Mòn) nằm trên địa bàn xã Hát Lót (Mai Sơn) có diện tích mặt nước trên 70 ha, đảm bảo nước tưới sản xuất, sinh hoạt cho các hộ dân hai xã Mường Bon và Hát Lót. Từ năm 2002, đã xuất hiện tình trạng người dân đổ đất lấn chiếm lòng hồ nhưng việc xử lý không dứt điểm, dẫn đến khoảng 10 năm trở lại đây, một số hộ dân sinh sống phía cuối hồ thuộc địa phận tiểu khu 10, thôn Nà Sản và thôn Tiền Phong (xã Hát Lót) tiếp tục đổ đất lấn chiếm một diện tích lớn đất quy hoạch lòng hồ. Cơ quan quản lý hồ và chính quyền địa phương đã không ít lần vào cuộc xử lý, song việc lấn chiếm lòng hồ vẫn tiếp diễn.

Khơi dòng nước mát

Tìm hiểu về lịch sử của hồ, người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là bà Lò Thị Mòn, cán bộ kỹ thuật phụ trách xây dựng công trình hồ thủy lợi Tiền Phong. Ở tuổi 70, mặc dù bước đi không còn nhanh nhẹn, nhưng khi hỏi về công trình thủy lợi này, những ký ức đẹp về ngày đầu thi công hồ được bà kể tường tận, chi tiết. Bà Mòn bảo: Tôi sinh ra và lớn ở bản Mé, xã Mường Bon, năm 1973, tốt nghiệp Trường Trung cấp thủy lợi miền núi Thái Nguyên, tôi nhận nhiệm vụ tại Phòng Thủy nông thuộc Ty Thủy lợi (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); được phân công là cán bộ kỹ thuật chỉ đạo xây dựng công trình hồ thủy lợi Tiền Phong.

Một góc công trình hồ thủy lợi Tiền Phong.

Một góc công trình hồ thủy lợi Tiền Phong.

Ảnh: Phong Lưu

Theo lời kể của bà Mòn thì trước kia khi chưa có công trình thủy lợi, ở Mường Bon ruộng chỉ cấy được vụ mùa. Cơm độn ngô, sắn hoặc ăn củ mài, rau rừng thay cơm là chuyện thường ngày của hộ dân nơi đây. Khi đó diện tích để mở rộng mặt hồ Tiền Phong bây giờ chỉ là một lòng suối cạn. Để khơi dòng nước mát, sau nhiều lần khảo sát, công trình hồ thủy lợi Tiền Phong chính thức được thi công.

Ngày đó, việc thi công công trình diễn ra trong điều kiện vô cùng khó khăn, hai bên là núi cao, rừng rậm và được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công từ nạo vét, đào đất, đắp đập. Trang thiết bị duy nhất là cuốc, xẻng, xe rùa, xe bò. Vì khối lượng công việc lớn, vừa làm vừa tránh máy bay của địch, ước tính trung bình mỗi ngày có hàng trăm dân quân và thanh niên xung phong được huy động từ các xã trên địa bàn các huyện của tỉnh Sơn La cùng tham gia thi công. Vất vả là thế nhưng trên công trường luôn rộn rã tiếng cười, mọi người đều làm việc hăng say với nhiều đợt phát động phong trào thi đua nước rút. Ròng rã suốt 3 năm, đến năm 1976, công trình hồ thủy lợi hoàn thành, đưa vào sử dụng. Bà con ai cũng phấn khởi; có nước, người dân cấy thêm lúa vụ xuân, trồng hoa màu vụ ba, nhiều nhà đào ao thả cá. Ngoài phục vụ nước sản xuất, hồ thủy lợi Tiền Phong còn cung cấp nước sinh hoạt miễn phí cho hàng trăm người dân xã Mường Bon đến tận bây giờ.

Chia tay bà Mòn, chúng tôi gặp bà Trần Thị Thảo, tổ 5, tiểu khu 11, thị trấn Hát Lót. Bà Thảo là người quản lý, vận hành công trình thủy lợi từ năm 1976 đến năm 1993. Vốn quê gốc ở Thái Nguyên, sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Thủy lợi miền núi Thái Nguyên, bà lên nhận công tác tại Phòng Thủy nông, Ty Thủy lợi và đảm nhận quản lý vận hành công trình thủy lợi hồ Tiền Phong. Bà Thảo cho biết: Ngày đó việc quản lý vận hành công trình vất vả, lương không đủ ăn, cuộc sống khó khăn nên chúng tôi phải cấy lúa, đào ao thả cá và chăn nuôi mới đủ sống. Công việc hàng ngày đi đo nước, kiểm tra nước theo tuyến mương để điều tiết cho phù hợp. Theo bà Thảo thì mực nước hồ hiện nay so với trước hẹp và cạn hơn rất nhiều, nhất là sau khi thực hiện nâng cấp, cải tạo quốc lộ 6.

Người dân bản Mé, xã Mường Bon lấy nguồn nước từ hồ thủy lợi Tiền Phong để nuôi cá.

Người dân bản Mé, xã Mường Bon lấy nguồn nước từ hồ thủy lợi Tiền Phong để nuôi cá.

Niềm tự hào về công trình hồ thủy lợi Tiền Phong còn được kể lại qua trí nhớ của ông Nguyễn Thanh Liêm, thôn Nà Sản (xã Hát Lót). Ở tuổi 73 nhưng trong ký ức của vợ chồng ông về hồ thủy lợi Tiền Phong vẫn đong đầy cảm xúc. Ông kể: Gia đình tôi sinh sống ở đây từ năm 1977, khi đó tôi là nhân viên của Công ty cá (sau đổi tên là Công ty thủy sản Sơn La). Vào những năm 90 trở về trước, hồ rất rộng, khu vực sâu nhất đo được gần 30 m. Vị trí từ đảo nổi ở giữa hồ khi chưa đắp đập tích nước vốn là rừng rẻ, gần vị trí đảo có cây dâu cổ thụ, đường kính thân cây to bằng thùng phi. Vì vậy, việc đánh bắt cá khu vực này nếu ai không am hiểu, thiếu kinh nghiệm mà thả lưới quá sâu thì lưới sẽ mắc vào cành cây mọc dưới đáy hồ. Năm 1985, tôi bị đắm 1 chiếc thuyền sắt hơn 10 tấn đến giờ vẫn chưa tìm thấy...

Điểm nhấn cho cao nguyên Nà Sản

Từ khi được xây dựng đến nay, hồ thủy lợi Tiền Phong đã góp phần tôn tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho gần một trăm ha cây hoa màu của hộ dân sinh sống trên địa bàn các xã: Hát Lót, Mường Bon. Xác định tầm quan trọng của hồ, ngày 14/9/2000, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2069/QĐ-UB giao cho Công ty khai thác Công trình thủy lợi tỉnh (nay là Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La) quản lý, bảo vệ và khai thác toàn diện các nguồn lợi của hồ từ cao trình 602.5 trở xuống kể cả diện tích đảo nổi giữa hồ tương ứng với tổng diện tích khoảng 92 ha (nhiều hơn 22 ha so với cao trình 600.2 trước kia). Nhiệm vụ công trình cấp nước tưới cho 80 ha lúa hai vụ, tưới ẩm cây nông nghiệp, công nghiệp 100 ha, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 15 ha, cấp nước sinh hoạt cho 1.500 nhân khẩu và các nhu cầu tiêu dùng khác.

Phóng viên Báo Sơn La tìm hiểu các nội dung về hồ thủy lợi Tiền Phong.

Phóng viên Báo Sơn La tìm hiểu các nội dung về hồ thủy lợi Tiền Phong.

Đến ngày 12/12/2002, UBND tỉnh Sơn La tiếp tục ban hành Quyết định số 4111/QĐ-UBND về việc thu hồi 1.803.122 m² đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại khu vực hồ thủy lợi Tiền Phong, xã Hát Lót (Mai Sơn) giao cho Công ty khai thác công trình thủy lợi Sơn La thuê để xây dựng khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái hồ Tiền Phong (giao đợt 1). Ngay sau khi nhận bàn giao, Công ty đã triển khai đo đạc cao độ, diện tích vùng lòng hồ và cắm mốc chỉ giới, thống kê các gia đình có đất, nhà ở nằm dưới cao trình 602.5 m.

Suốt 46 năm qua, hồ Tiền Phong luôn thực hiện tốt sứ mệnh phục vụ nước tưới tiêu sản xuất, sinh hoạt cho hàng trăm người dân xã Mường Bon và xã Hát Lót. Ngay phía sau đập vẫn còn 2 tuyến mương, gồm: Mương tả dẫn nước về bản Un, Nà Ban (xã Hát Lót) và mương hữu về bản Mé, bản Bon (xã Mường Bon)... Cách đập vài chục mét, vị trí sâu nhất của hồ đang có mô hình nuôi trai lấy ngọc của Công ty TNHH Một thành viên Queen Pearl Sơn La. (mô hình được triển khai thực hiện từ năm 2020, quy mô 3.000 m², nuôi trên 2.000 con trai đã được ghép nhân). Phía sau chân đập là cuộc sống trù phú của người dân xã Mường Bon. Những kênh nước giúp người dân sản xuất thêm vụ lúa xuân, đào ao, thả cá, trồng hoa, cây ăn quả xanh mướt các triền đồi, những đàn cò trắng bay về mò ốc mùa lúa xuân tạo lên một bức tranh làng quê thanh bình, trù phú... Ngày nay, công trình còn cấp nước cho Nhà máy tinh bột sắn của Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên - Chi nhánh Sơn La... Từng đó cũng đủ thấy, trong quá trình xây dựng và phát triển của xã Mường Bon và các bản của xã Hát Lót hôm nay có sự đóng góp không nhỏ từ công trình hồ thủy lợi Tiền Phong. Công trình không chỉ tạo điểm nhấn cho cao nguyên Nà Sản mà đã và đang mang lại nguồn sinh kế cho hàng trăm hộ dân.

Trong ký ức của thế hệ 7X, 8X, hồ thủy lợi Tiền Phong từng có thời kỳ là điểm du lịch, giải trí cuối tuần hấp dẫn khi Dự án khu du lịch hồ Tiền Phong được triển khai (đến nay, dấu tích còn lại là ngôi nhà xây cấp IV của Ban Quản lý dự án; một tuyến đường bê tông dài hơn 100m chạy thẳng từ quốc lộ 6 vào bờ hồ; vài chiếc thuyền thiên nga cũ, hư hỏng chất đống trên bờ ở khu đảo nổi giữa hồ của HTX Thương binh 27/7, là đơn vị triển khai Dự án du lịch hồ Tiền Phong).

Ngày 17/10/2014, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 2787/QĐ-UBND về việc thu hồi đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty TNHH Nhà nước MTV nông nghiệp Tô Hiệu tại huyện Mai Sơn, với nội dung: Thu hồi 11.067.813,3 m² đất trong tổng số 22.930.003,9 m² của Công ty TNHH Nhà nước MTV Nông nghiệp Tô Hiệu, giao cho UBND huyện Mai Sơn quản lý, sử dụng theo quy hoạch (trong đó có vị trí đất nằm trong khu vực xung quanh Hồ Tiền Phong).

Bà Lò Thị Mòn giới thiệu khu vực tràn xả lũ sau mương của công trình hồ thủy lợi Tiền Phong được xây dựng ngày trước.

Bà Lò Thị Mòn giới thiệu khu vực tràn xả lũ sau mương của công trình hồ thủy lợi Tiền Phong được xây dựng ngày trước.

Thực hiện Quyết định này, UBND xã Hát Lót, Nông trường Quốc doanh Tô Hiệu (nay là Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Tô Hiệu) và Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã phổ biến tuyên truyền với nhân dân vùng lòng hồ về pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; các nghị định xử phạt về vi phạm công trình thủy lợi; các văn bản, quyết định của tỉnh về công tác bảo vệ công trình thủy lợi.

Tuy nhiên, việc bàn giao đất giữa các đơn vị mới chỉ diễn ra trên giấy mà chưa bóc tách rõ ràng đâu là phần đất của Nông trường và đâu là phần đất của hồ thủy lợi Tiền Phong. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân lợi dụng đổ đất lấn chiếm đất công trình thủy lợi trong suốt thời gian qua mà chúng tôi sẽ phản ánh ở các kỳ sau.

Phong Lưu - Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/xung-quanh-viec-lan-chiem-ho-thuy-loi-tien-phong-ky-i-ky-uc-cua-nhung-nguoi-ngan-dong-dap-dap-40064