Ý nghĩa của lễ hóa vàng trong ngày Tết Nguyên đán

Lễ hóa vàng ngày Tết là một nghi thức quan trọng trong phong tục thờ cúng Tổ tiên của người Việt, thể hiện đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn,' đề cao chữ hiếu, tri ân nguồn cội.

Tết là khoảng thời gian thiêng liêng đối với người Việt bởi Tết khởi đầu cho một Năm mới đầy hy vọng, là dịp sum họp, đoàn viên của gia đình, không chỉ với những người đang sống mà còn cả với những người đã khuất.

Trong lễ cúng tất niên ngày 30 Tết, các gia đình sẽ khấn mời hương linh tổ tiên, ông bà và những người thân đã qua đời về ăn Tết với con cháu.

Từ đây cho đến hết Tết, người Việt tin rằng Tổ tiên, ông bà đang quây quần bên con cháu. Trên bàn thờ gia tiên luôn ấm cúng nhang đèn với đầy đủ các lễ vật. Hằng ngày, con cháu đều làm mâm cơm chu đáo dâng cúng Tổ tiên.

Cứ thế cho đến ngày mùng 3 Tết hoặc mùng 7 Tết khai hạ, khi tiệc Xuân đã mãn, con cháu lại sửa soạn cáo lễ để tiễn đưa Tổ tiên trở về âm cảnh. Nghi thức này được gọi là lễ hóa vàng nhằm dâng cúng lộ phí và vật dụng để Tổ tiên, ông bà trở về cõi xa./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/y-nghia-cua-le-hoa-vang-trong-ngay-tet-nguyen-dan-post927372.vnp