Ý nghĩa Tết Đoan ngọ là gì?

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, Tết Đoan ngọ xuất phát từ điển tích trong dân gian. Điển tích này có nhiều dị bản khác nhau.

Theo dân gian, vào một vụ mùa bội thu, người nông dân đang ăn mừng thì sâu bọ kéo đến đông đảo, ăn hết cây trái, thực phẩm đã thu hoạch.

Người dân rất lo lắng, đau đầu không biết làm cách gì để giải quyết được nạn sâu bọ thì xuất hiện một ông lão xưng là Đôi Truân.

 Mâm lễ Tết Đoan ngọ.

Mâm lễ Tết Đoan ngọ.

Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm những lễ vật đơn giản: Bánh gio, trái cây, sau đó đi ra trước nhà mình vận động thể dục. Mọi người làm theo lời ông thì chỉ một lúc sau, sâu bọ té ngã rã rượi.

Ông hướng dẫn thêm, hàng năm vào ngày này, sâu bọ rất hung hăng. Vì vậy, mỗi năm vào đúng mùng 5/5, mọi người cứ làm theo những gì đã dặn thì sẽ trị được chúng.

Từ đó, dân chúng đặt cho ngày này là Tết “diệt sâu bọ", nhiều người gọi là Tết Đoan ngọ.

Quan niệm của người xưa cho rằng, ngày 5/5 âm lịch là thời điểm kết thúc vụ mùa, người dân làm lễ thắp hương Tết Đoan ngọ để tạ ơn trời đất, tổ tiên. Đồng thời phát động phong trào tiêu diệt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng và cầu mong một vụ mùa bội thu.

Bên cạnh đó, mọi người ăn hoa quả, cơm rượu nếp vào ngày 5/5 như một cách diệt trừ sâu bọ. Trong ngày này, cần phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, ăn một bát cơm rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đó là ăn trái cây cho sâu bọ chết.

Ở nhiều địa phương, các gia đình còn có thói quen ăn bánh tro (bánh gio), chè trôi nước, hạt sen... để diệt trừ sâu bọ, bệnh tật trong người.

Theo VTC News

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/y-nghia-tet-doan-ngo-la-gi-120717.bbg