Yên Thành - Hai tiếng yêu thương

Có một miền quê, mỗi lần nghĩ về, tim tôi như chùng lại bởi biết bao điều thân thuộc ùa về. Nơi ấy, tôi gọi bằng hai tiếng dịu dàng - Yên Thành.

Hai tiếng ấy, ngỡ như một cái tên bình thường trong hàng trăm, hàng ngàn địa danh trên dải đất hình chữ S, vậy mà đối với tôi, nó là cả một miền ký ức, là khúc hát của tuổi thơ, là dáng mẹ hao gầy dưới nắng, là giọng cha trầm ấm bên bếp lửa mờ sương, là đồng lúa tháng Năm chín rộ, là con trâu già đứng im nghe gió, là tiếng sáo vi vu đầu ngõ những đêm trăng.

Yên Thành - nơi tôi sinh ra, lớn lên, nơi gói ghém thanh xuân của bao lớp người. Giản dị, bình yên, mà cũng kiêu hãnh, hào hùng như đất mẹ Nghệ An.

Ai từng sống ở Yên Thành hẳn đều quen với hai điều: gió Lào và lúa chín. Gió Lào - thứ gió như hun lửa từ bên kia biên giới, quét qua những thửa ruộng khô khát, đốt cháy cả da thịt lũ trẻ con ngày hè. Lúa chín - là khi đồng bằng dậy hương, lúa như vàng đổ mật, rơm phơi đầy sân, và những đoàn người ra đồng hối hả gặt hái với nụ cười mướt mồ hôi.

Yên Thành là một vựa lúa của Nghệ An. Dù đất chẳng màu mỡ như miền đồng bằng Bắc Bộ, nhưng nhờ sự chịu thương chịu khó, người nông dân Yên Thành đã tạo nên những mùa vàng rực rỡ, nuôi sống bao thế hệ con người. Cánh đồng quê tôi không chỉ là nơi canh tác, mà là máu thịt, là linh hồn, là nơi cha truyền con nối những kinh nghiệm mùa vụ từ bao đời.

Tôi nhớ những buổi sáng mùa hè, khi mặt trời vừa lấp ló trên đỉnh tre, mẹ đã gánh thúng ra đồng, vai áo sờn nắng, đôi chân trần dẫm lên đất ruộng nứt nẻ. Chiếc nón cũ mẹ đội che nửa khuôn mặt, chỉ thấy mồ hôi lấm tấm chảy quanh cổ. Cha tôi đi trước, tay cầm liềm, thoăn thoắt cắt lúa. Tôi - đứa con trai mới lớn, theo sau lưng cha, lòng vừa háo hức vừa mỏi rã. Nhưng điều tôi nhớ nhất không phải là mệt nhọc, mà là tiếng chim chiền chiện hót vang trời, là mùi rơm mới, là gió đồng đưa mát rượi. Ấy là mùa hè tuổi thơ tôi.

Tôi từng đọc đâu đó rằng: "Quê hương không chỉ là mảnh đất, mà là những người ta yêu thương đã và đang sống ở đó." Với tôi, quê hương mang khuôn mặt của mẹ, dáng hình của cha, tiếng cười của em, ánh mắt của bà nội và những buổi tối trăng ngà ngồi quây quần bên mâm cơm đơn sơ, đạm bạc.

Nhà tôi nằm gần một con đường đất đỏ, ngày mưa lầy lội, ngày nắng bụi mù. Căn nhà nhỏ mái ngói bạc màu, tường vôi loang lổ, nhưng luôn ấm cúng bởi tình thân. Những chiều hè oi ả, mẹ hay đun nước lá chè xanh cho cả nhà giải nhiệt. Hương chè thơm mát, ngòn ngọt và chan chát - như chính vị quê hương: giản dị mà sâu đậm.

Người Yên Thành nổi tiếng chịu khó, thông minh và hiếu học. Có một câu nói không chính thức nhưng nhiều người vẫn truyền miệng: "Nhất Yên Thành, nhì Đô Lương", để chỉ hai vùng đất học của Nghệ An. Từ mảnh đất bán sơn địa ấy, bao nhiêu con người đã vươn lên bằng nghị lực và khát vọng tri thức.

Tôi có anh bạn thân tên Cường, nhà nghèo, mẹ mất sớm, cha đi phụ hồ. Vậy mà Cường học giỏi nhất lớp, thi đâu đậu đó. Năm lớp 12, em đậu thủ khoa đại học Y Hà Nội, cả xã rưng rưng xúc động. Cường đi học, mang theo cả lời nhắn của cha: “Con đi đi, học thành tài rồi nhớ quay về giúp quê mình.”

Yên Thành còn có những người nông dân làm thơ, những cụ già kể chuyện cổ tích hay như sử gia, những ông đồ già viết chữ Hán, và cả những em nhỏ đạp xe mười cây số đến trường mỗi ngày, áo trắng phai nắng, tóc bay giữa gió đồng. Chính những con người ấy, không cần danh tiếng, đã làm nên một Yên Thành bền bỉ, sâu sắc và đầy nhân ái.

Yên Thành bây giờ không còn là Yên Thành của riêng tôi ngày trước. Đường sá đã mở rộng, cầu cống nối dài, trường học mọc lên khang trang, trạm y tế được đầu tư, và những khu công nghiệp đã bắt đầu manh nha.

Ngày tôi về lại sau nhiều năm sững người trước con đường bê tông hóa chạy thẳng tắp giữa làng. Chỗ xưa từng là ruộng trũng nay đã san lấp làm chợ mới. Dòng sông Đào thơ ấu từng tắm mát giờ đã bị nắn dòng, hai bên kè bê tông hóa.

Tôi vui, vì quê hương khang trang hơn. Nhưng tôi cũng chạnh lòng, vì những dấu tích cũ dần biến mất. Cái lạch nhỏ nơi tôi từng câu cá, bờ tre nơi từng thả diều, giờ trở thành quán ăn, quán café máy lạnh.

Càng đi nhiều, tôi càng nhận ra: “quê hương” không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn, mà là thứ neo giữ ký ức và lòng trung thành của một con người. Dù nơi ấy thay đổi ra sao, dù tên gọi có còn hay không, thì hai tiếng Yên Thành vẫn nằm nguyên trong tim, không xê dịch.

Yên Thành sáp nhập địa giới hành chính, lòng tôi chợt nhói lên một nhịp. Không phải vì mất mát gì cụ thể, mà vì hai tiếng “Yên Thành” - cái tên đã thành máu thịt nay có thể sẽ chỉ còn là một phần trong một địa danh mới.

Một người bạn tôi thở dài: “Tên đất mất rồi, mai mốt con cháu có còn biết là mình quê ở đâu không?” Câu nói tưởng chơi chơi mà đau thật. Không còn tên gọi, người ta dễ đánh rơi gốc gác.

Nhưng rồi tôi nghĩ lại. Quê hương không chỉ là tên gọi hành chính. Quê hương là tình yêu người dân dành cho đất, là phong tục, là tiếng nói, là cách nấu bát canh cà, là lời ru của mẹ, là giọng Nghệ “nặng mà thương”.

Có một lần tôi đi công tác tận miền Tây Nam Bộ. Trên chuyến xe đêm, tôi bắt gặp một bác tài xế người Nghệ. Bác hỏi tôi quê đâu. Tôi đáp: “Cháu quê Yên Thành.” Bác ngẩng mặt cười: “Rứa là đồng hương rồi. Tau quê Lý Thành.”

Chỉ một câu vậy thôi, mà cả đoạn đường còn lại, chúng tôi chuyện trò rôm rả. Từ chuyện đồng áng, đến chuyện trường làng, đến món canh khoai sọ nấu lươn đặc trưng. Xa lạ bỗng thành thân quen. Vì hai tiếng Yên Thành.

Lúc xuống xe, bác dúi vào tay tôi bịch lạc rang và dặn: “Mang vô Sài Gòn mà ăn. Nhớ quê thì ăn lạc quê.” Tôi cười, xúc động. Thì ra, quê hương có thể gói trọn trong một gói lạc nhỏ xíu mà mang theo khắp thế gian.

Tôi viết những dòng này, khi đã sống xa quê. Lắm lúc đi giữa phố thị nhộn nhịp, tôi vẫn thèm được nghe tiếng gà gáy ban mai, được ngửi mùi khói rơm, được nghe mẹ gọi vọng: “Mô rồi, vô ăn cơm!”

Dẫu cuộc sống bận rộn, tôi vẫn luôn tìm cớ để quay về. Về để thắp nén nhang cho bà, để đứng giữa cánh đồng lộng gió mà nhắm mắt hít một hơi quê hương. Về để nghe lại tiếng xóm giềng, tiếng ru con ngày cũ, và tự hỏi lòng: “Mình còn giữ được bao nhiêu phần quê trong người?”

Tôi mong những ai sinh ra ở mảnh đất này, dù đi đâu, làm gì, cũng nhớ lấy cội nguồn. Đừng quên rằng mình từng là đứa trẻ đội nắng gặt lúa, từng học dưới mái trường làng, từng mơ giấc mơ nhỏ nhoi là một ngày được đi xa - để rồi khi đi xa rồi, lại mơ trở về.

Với tôi, đó không chỉ là quê hương, mà còn là nơi lưu giữ căn cước tâm hồn. Một địa danh gợi nhớ. Một miền thương nhớ không thể thay tên.

Dẫu ngày mai có ra sao, dẫu sáp nhập, đổi tên thì tôi tin, trong tim mỗi người con xứ Nghệ, Yên Thành vẫn luôn là hai tiếng dịu dàng nhất, đầy yêu thương nhất, không gì thay thế được.

Danh Tiến Hòa

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/yen-thanh-hai-tieng-yeu-thuong-a29521.html