Yêu cầu nguồn thu NCKH 5% nhưng nhiều năm Trường ĐH Thủ đô Hà Nội 'đứng im' ở 0%
Thông tư 01 yêu cầu trung bình nguồn thu NCKH và chuyển giao công nghệ đặt ra là 5%, nhưng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội năm học 2023-2024 đứng ở mức 0%.
.t1 { max-width: 100%; }
Tiền thân là Trường Sư phạm Trung, Sơ cấp Hà Nội; Trường Đại học Thủ đô Hà Nội (Ha Noi Metropolitan University - HNMU) được thành lập theo Quyết định số 2402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/12/2014.
Theo thông tin từ website cơ sở giáo dục, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có sứ mệnh "phát triển thành cơ sở đào tạo đa ngành trong đó tiếp tục coi trọng công tác đào tạo giáo viên, theo định hướng ứng dụng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, các sản phẩm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, vùng Thủ đô và cả nước".
Nhà trường có tầm nhìn trở thành trung tâm giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế có uy tín, xứng tầm với sự phát triển của Thành phố Hà Nội, được xếp hạng cao trong hệ thống các trường đại học khu vực và quốc tế. Đến năm 2045, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trở thành trường đại học thông minh có uy tín hàng đầu, được tổ chức theo mô hình đại học gồm các hệ thống đơn vị thành viên là các trường đại học, viện nghiên cứu, trường thực hành có nhiều cấp học và các doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Hiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường.
Trụ sở chính của nhà trường tại số 98 Dương Quảng Hàm, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Ảnh: website nhà trường.
Trường công khai 0% nguồn thu nghiên cứu khoa học
Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của độc giả liên quan đến một số nội dung trong báo cáo ba công khai các năm học gần đây của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có nhiều thông tin chưa rõ. Để tìm hiểu những thông tin này, phóng viên đã tiếp cận báo cáo ba công khai năm học 2023-2024 của nhà trường.
Theo báo cáo công khai tài chính năm học gần nhất 2023-2024 cho thấy, tổng thu của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đạt 115 tỷ đồng/năm.

Tổng thu của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đạt 115 tỷ đồng theo báo cáo công khai tài chính năm học 2023-2024. Ảnh: chụp màn hình.
Trong đó, nguồn thu từ ngân sách là 31 tỷ đồng/năm (chiếm tỷ lệ khoảng 26.95%), nguồn thu từ học phí là 44 tỷ đồng/năm (chiếm tỷ lệ 38.26%), nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 0 tỷ đồng/năm (chiếm tỷ lệ 0%), và từ các nguồn hợp pháp khác là 40 tỷ đồng/năm (chiếm tỷ lệ khoảng 34.78%).
Như vậy tổng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội (0%/năm) trong khi Tiêu chí 6.1, Tiêu chuẩn 6, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT yêu cầu, tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%.
Còn đối với năm học 2022-2023, theo báo cáo công khai tài chính của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, phóng viên không tìm thấy nội dung công khai về tổng thu năm, các nguồn thu từ ngân sách, học phí, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các nguồn thu hợp pháp khác của nhà trường.
Còn năm học 2021-2022, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội báo cáo nguồn thu từ ngân sách là 22.881 tỷ đồng, nguồn thu từ học phí là 34.351 tỷ đồng, từ các nguồn thu hợp pháp khác là 44.192 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà trường tiếp tục bỏ trống tổng thu năm học 2021-2022 và nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.


Trường Đại học Thủ đô Hà Nội không công bố tổng thu và nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm học 2021-2022. Ảnh: chụp màn hình.
Tỷ lệ giảng viên cơ hữu trình độ tiến sĩ mới đạt 25.98%
Theo Đề án tuyển sinh năm 2022, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội mở thêm ngành học mới, đó là ngành Giáo dục thể chất. Đến năm 2023, nhà trường mở mới thêm 5 ngành, bao gồm: Bảo hộ lao động, Tài chính ngân hàng, Văn hóa học, Văn học, Tâm lý học. Năm 2024, nhà trường không mở thêm ngành nào mới.
Nhà trường chưa thông báo Đề án tuyển sinh chính thức năm 2025. Song, theo Phương án tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội công bố đào tạo 31 ngành học. Trong đó có bốn ngành mới là Quản lý kinh tế, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Sư phạm Tin học, và Sư phạm Tiếng Anh; đồng thời không có chỉ tiêu tuyển sinh đối với ngành Bảo hộ lao động năm 2025.
Như vậy, trong vòng 4 năm gần đây, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tuyển sinh thêm 10 ngành học mới.

Cơ sở 4 của nhà trường. Ảnh: Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
Đối sánh trong báo cáo ba công khai các năm học gần nhất (2021-2022, 2022-2023, 2023-2024) cho thấy, số lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có nhiều thay đổi đáng kể.
Trong năm học 2021-2022, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có 82 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ (gồm 1 giáo sư và 7 phó giáo sư), 177 giảng viên có trình độ thạc sĩ và 4 thầy cô trình độ đại học.
Đến năm học 2022-2023, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có 85 giảng viên trình độ tiến sĩ (gồm 10 phó giáo sư), 221 giảng viên trình độ thạc sĩ và 16 thầy cô trình độ đại học. Nhà trường bỏ trống mục công khai số lượng giảng viên cơ hữu có chức danh giáo sư.

Công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội năm học 2022-2023. Ảnh: chụp màn hình.
Theo thông tin công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu năm học 2023-2024, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có tổng số 304 giảng viên cơ hữu. Trong đó, đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 79 giảng viên (bao gồm 0 giáo sư và 8 phó giáo sư), 212 giảng viên có trình độ thạc sĩ, 5 giảng viên trình độ đại học.

Công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội năm học 2023-2024. Ảnh: chụp màn hình.
Như vậy, tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội năm học 2023-2024 chiếm khoảng 25.98%. Trong khi theo Tiêu chí 2.1 của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ yêu cầu: "Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ”.
Tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 27/2/2025 Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đối với định hướng phát triển và phân bố mạng lưới đến năm 2030 có nêu “chấm dứt hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030 đối với cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn hoặc không hoàn thành xác lập vị trí pháp lý theo quy định của pháp luật”.
Để có thông tin khách quan và giải đáp những nội dung còn chưa rõ trong báo cáo 3 công khai của nhà trường, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi câu hỏi đến trụ sở chính của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội vào ngày 23/04/2025 và liên hệ với nhà trường. Tuy nhiên, cho đến nay, phóng viên chưa nhận được phản hồi từ Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.