Yếu tố thời vụ cuối năm có 'kích' được tăng trưởng tín dụng?

Ba tháng còn lại của năm 2023 là khoảng thời gian mang tính chất thời vụ và yếu tố thị trường dịp Tết âm lịch sẽ có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ và du lịch. Song, nhiều ngân hàng và các chuyên gia dự báo khó có đột biến tăng trưởng tín dụng ở giai đoạn cuối năm.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã định hướng tăng trưởng tín dụng của toàn ngành khoảng 14-15% và đến cuối tháng 7 đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho các ngân hàng với tổng mức tăng trưởng tín dụng là 14%. Tuy nhiên, số báo cáo dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 15/9 chỉ đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%, nhích nhẹ so với con số 5,33% cuối tháng 8.

Như vậy, mặc dù đã qua gần 2/3 chặng đường, ngành ngân hàng mới chỉ thực hiện được hơn 1/3 kế hoạch tăng trưởng tín dụng đã đề ra, do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.

Xuất hiện "điểm rơi" chính sách

Nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng của hai “đầu tàu” kinh tế cả nước có thể thấy có sự phân hóa. Theo đó, tại khu vực TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay, dư nợ tín dụng tháng 8 tại địa phương này tăng 3,26% so với cuối năm 2022 và tăng 5,62% so với cùng kỳ.

Dự báo tín dụng khó có tăng trưởng đột biến ở giai đoạn cuối năm.

Dự báo tín dụng khó có tăng trưởng đột biến ở giai đoạn cuối năm.

Riêng trong tháng 8, tín dụng đã tăng trưởng 0,92% so với tháng 7. Tín dụng ngắn hạn tại TP.HCM tăng 4,92% so với cuối năm ngoái, trong khi tín dụng dài hạn tăng 1,88%.

Ngược lại, trên địa bàn Hà Nội, đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,35%.

Trước tình hình này, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất cho vay. Thống kê của NHNN cho thấy, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay so với thời điểm đầu năm đã giảm từ 1-3% đối với khách hàng doanh nghiệp và 1-2,5% đối với khách hàng cá nhân. Thậm chí, một số ngân hàng còn tung các gói tín dụng ưu đãi lãi suất chỉ 7-8%/năm (thấp hơn cả lãi suất huy động) trong thời gian đầu 6 tháng đến 1 năm.

Vì thế, tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm 2023. Đáng chú ý là khi ngân hàng đang “thừa” tiền, thanh khoản khá dồi dào.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, 3 tháng còn lại của năm 2023 là khoảng thời gian mang tính chất thời vụ và yếu tố thị trường dịp Tết âm lịch sẽ có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ và du lịch.

"Sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, với sự xuất hiện của những điểm sáng về xuất khẩu; về sản xuất công nghiệp, về du lịch, dịch vụ và các thị trường...", ông Lệnh nhận định.

Đồng thời, “điểm rơi” chính sách xuất hiện và phát huy tác dụng như: 4 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN đã giúp các ngân hàng thương mại có dư địa giảm lãi suất huy động và cho vay; Chính sách cơ cấu nợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng; Việc ổn định thị trường tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và ổn định giá trị tiền đồng.

Những yếu tố trên đã và đang phản ánh trên thực tế bằng chỉ số tăng trưởng tín dụng tháng 8/2023 trên địa bàn TPHCM tăng gần 1% so với tháng 7/2023. Do đó, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM dự báo, những yếu tố này tiếp tục sẽ có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng.

Không dễ “kích” tăng trưởng tín dụng đột biến

Trong khi đó, không ít chuyên gia tài chính lại nhận định tín dụng khó có sự tăng đột biến đặc biệt ở những tháng cuối năm 2023.

Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu khi doanh nghiệp khó khăn. Do đó, bên cạnh giảm lãi vay cũng cần giải pháp kích cầu sức mua thì ngân hàng mới chữa được "bệnh thừa tiền".

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học kinh tế TP.HCM cũng cho hay, các chính sách của Việt Nam đều tập trung vào phía cung, ví dụ như chính sách giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng vấn đề ở đây là phía cầu. Sức hấp thụ vốn của nền kinh yếu do sức cầu giảm, đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp khó khăn nên chưa thể triển khai các kế hoạch sản xuất, kinh doanh mới. Do đó, cầu về vốn của doanh nghiệp khó tăng cao, kể cả mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

"Tăng trưởng tín dụng trong năm nay khả năng chỉ đạt đâu đó khoảng 12-13% so với mục tiêu ngành đưa ra là 14-15%”, ông Huân dự báo.

Theo nhận định của các ngân hàng, kỳ vọng tín dụng tăng mạnh cuối năm nay không dễ thành hiện thực và dự báo cả năm chỉ có thể đạt mức tăng trưởng 13-14% so với mục tiêu ngành đưa ra là 14-15%.

Ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Techcombank đánh giá, bước đi sắp tới về chính sách lãi suất đã đi tới hạn. Các ngân hàng hiện nay cũng rất mong muốn cho vay, tuy nhiên khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp còn thấp.

Theo đánh giá của Techcombank, vấn đề lãi suất cũng như tín dụng của ngân hàng không phải vấn đề cốt yếu đối với doanh nghiệp, mà có lẽ đánh giá rủi ro về môi trường kinh doanh mới là điều quan trọng để doanh nghiệp đưa ra quyết sách đầu tư, mở rộng kinh doanh.

Ngoài ra, trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế tác động lên hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nên mức độ rủi ro cũng được đánh giá cao hơn, vì vậy các ngân hàng cho biết rất khó khăn trong quyết định cho vay và không hạ được chuẩn tín dụng nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động.

Đồng tình, giới phân tích cũng cho rằng tín dụng khó có sự tăng đột biến đặc biệt ở những tháng cuối năm 2023. Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố báo cáo về ngành ngân hàng với nhận định, từ diễn biến thực tế có thể thấy nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa phục hồi trong năm 2023. Do đó, MBS điều chỉnh giảm tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho hầu hết các ngân hàng đang theo dõi, dự báo trong khoảng từ 12-13%.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/yeu-to-thoi-vu-cuoi-nam-co-apos-kich-apos-duoc-tang-truong-tin-dung-1095613.html