Ăn gì để đi ngủ sớm và dậy sớm?
Tiêu thụ carbohydrate, vitamin B12 và vitamin C làm tăng tổng hợp các hormone quan trọng giúp điều chỉnh giấc ngủ, từ đó đi ngủ sớm hơn.
Theo News Medical, nghiên cứu mới với sự tham gia của nữ vận động viên từ một trường đại học cho biết những gì chúng ta ăn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Công trình này sẽ được trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh Sinh lý học Mỹ, cuộc họp thường niên hàng đầu của Hiệp hội Sinh lý học Mỹ (APS) tại Long Beach, California.
Nghiên cứu tiết lộ các vận động viên ăn nhiều carbohydrate, vitamin B12 và vitamin C có xu hướng đi ngủ sớm và dậy sớm hơn so với người tiêu thụ ít các chất dinh dưỡng này.
Các tác giả cho biết 3 chất dinh dưỡng trên có thể làm tăng tổng hợp các hormone quan trọng giúp điều chỉnh giấc ngủ, bao gồm serotonin và melatonin.
Lauren Rentz, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học West Virginia, cho biết: “Đối với các vận động viên, thành công không chỉ đo lường bằng sự sẵn sàng thi đấu mà còn cả khả năng phục hồi trong và ngoài sân cỏ. Giấc ngủ giúp cơ thể hồi phục từ sự căng thẳng về thể chất và tinh thần hàng ngày, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động của chúng trong tương lai”.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa giấc ngủ và lượng chất dinh dưỡng hấp thụ chưa được nghiên cứu kỹ ở các vận động viên có thành tích cao, người thường xuyên trải qua nhiều căng thẳng.
Đối với nghiên cứu, các tác giả đánh giá giấc ngủ và mô hình dinh dưỡng của 23 nữ cầu thủ bóng đá ở trường đại học. Họ đeo một chiếc nhẫn thông minh theo dõi giấc ngủ trong 31 đêm liên tiếp suốt mùa thi đấu. Trong 3 ngày cuối cùng của cuộc đánh giá, người tham gia ghi lại chế độ ăn uống của họ.
Phân tích cho thấy mối liên hệ giữa tiêu thụ chất dinh dưỡng và thời gian ngủ, không phải thời lượng ngủ. Nó cũng chỉ ra hầu hết vận động viên ngủ trung bình 7-8 giờ/đêm và đáp ứng lượng vitamin khuyến nghị.
Tuy nhiên, khoảng một nửa số vận động viên bị thiếu vitamin A và K cũng như protein. Ngoài ra, hầu hết họ đều không tiêu thụ đủ lượng vitamin D và carbohydrate khuyến nghị.
“Việc sử dụng thiết bị công nghệ đeo trên cơ thể trở nên phổ biến đối với các vận động viên. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cách các dữ liệu này được sử dụng để phù hợp với sức khỏe của người dùng. Thiết bị đeo cũng nắm bắt tốt phản ứng của cơ thể đối với tác nhân gây căng thẳng sinh lý”, bà Rentz cho biết.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo kết quả của họ không nên được hiểu là nguyên nhân và kết quả. Nó chỉ cho thấy các khía cạnh khác nhau của sức khỏe có thể đóng góp vào hiệu suất và khả năng phục hồi.
Tiếp theo, các tác giả dự định đánh giá mô hình sức khỏe tương tự ở nhiều người tham gia khác và xem xét chúng có thể ảnh hưởng như thế nào đến thành công của vận động viên.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/an-gi-de-di-ngu-som-va-day-som-post1424427.html