Ấn tượng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Chủ trương mới, sáng tạo của TP.HCM tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã và đang được triển khai mạnh mẽ tại các cơ quan, đơn vị, khu phố, trường học… trên địa bàn. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn, lan tỏa sâu rộng, góp phần xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Sống động không gian văn hóa

Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM ghi nhận đến nay có hơn 2.900 mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở cơ quan, đơn vị, cơ sở tôn giáo, khu nhà trọ, chung cư... Nhiều mô hình, công trình không gian văn hóa Hồ Chí Minh được các đơn vị, địa phương xây dựng với nội dung, hình thức phong phú và hoạt động thiết thực, như: Tủ sách Bác Hồ; triển lãm hình ảnh về Bác; thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, các hội thi văn hóa - văn nghệ ca ngợi Hồ Chủ tịch…

Những không gian văn hóa đa dạng, đầy màu sắc thể hiện tình cảm yêu mến của nhân dân cả nước nói chung, người dân miền Nam nói riêng dành cho Bác.

Phong phú các loại ấn phẩm, hình ảnh, tư liệu quý về Bác được trưng bày tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Phong phú các loại ấn phẩm, hình ảnh, tư liệu quý về Bác được trưng bày tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Với ý tưởng và hoạt động cụ thể mang nét đặc trưng riêng về giới, không gian văn hóa Hồ Chí Minh được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP xây dựng ngay tại trụ sở Thành Hội, tuyên truyền trực quan sinh động như: chuyên mục “Lời Bác dạy năm xưa”, “Chuyện kể về Bác Hồ”; phát động hội viên, phụ nữ treo ảnh Bác tại nhà; thi đua mỗi người lựa chọn một môn thể thao để luyện tập hàng ngày gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”…

Bà Trịnh Thị Thanh – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM cho rằng việc hình thành không gian văn hóa này đã góp phần lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến gần hơn với mỗi người dân thành phố: "Nơi đây thường tổ chức các hoạt động phong trào của Hội, nên việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại cơ quan Thành Hội góp phần lan tỏa mạnh mẽ giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tâm huyết đó, chúng tôi đầu tư rất kỹ để thực hiện một không gian vừa trang trọng, vừa gần gũi, thân thuộc, có ý nghĩa sâu sắc trong giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, hội viên".

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu hút người dân đến tham quan, tìm hiểu

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu hút người dân đến tham quan, tìm hiểu

Cũng xem đây là công trình tâm huyết, cán bộ, chiến sĩ dân quân quận Phú Nhuận (Bộ Tư lệnh TP.HCM) đã ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Điển hình như Ban Chỉ huy Quân sự Phường 8 đã tiến hành số hóa và truy cập bằng mã điện tử QR để tra cứu thông tin, tập tin ghi âm giới thiệu về cuộc đời, biên niên sự kiện, quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng nhiều tác phẩm kinh điển của Người như Bản Tuyên ngôn Độc lập, Di chúc của Bác Hồ, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Đường Kách mệnh; tuyển tập thơ, mẩu chuyện về Bác…

Ông Trịnh Hoàng Khanh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Phường 8, Quận Phú Nhuận cho biết: "Xây dựng một không gian văn hóa để cho anh em chiến sĩ dân quân học tập. Trong quá trình làm đã có nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi các đơn vị bạn cũng như chỉ đạo của Đảng ủy phường về nội dung cũng như thực hiện các mã QR. Với không gian văn hóa Hồ Chí Minh, chiến sĩ dân quân có nơi để học tập thêm về tư tưởng của Bác Hồ, học thói quen đọc sách".

Xây dựng lối sống đẹp

Là quận trung tâm của TP.HCM, Quận 1 xác định xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài. Nhiều mô hình, hoạt động cụ thể, hình thức phong phú, sinh động đã giới thiệu, tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, thành phần khác nhau, tạo sự lan tỏa, thấm sâu tinh thần của Bác trong đời sống. Trong đó có tour du lịch Biệt động Sài Gòn thu hút nhiều du khách, được xem là “đặc sản” du lịch Quận 1.

Với hành trình đặc biệt khám phá 18 điểm di tích lịch sử, sản phẩm du lịch này đã góp phần phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn Quận 1, gắn với việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ðịa phương tận dụng tối đa mặt tích cực của Internet, các nền tảng mạng xã hội trong tổ chức tuyên truyền, quảng bá. Tiêu biểu như mô hình "Hành trình tri thức"; triển lãm tranh ảnh và giới thiệu các tác phẩm, ấn phẩm sách-báo viết về Bác Hồ; không gian văn hóa Hồ Chí Minh trực tuyến...

Tham quan không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Ban Chỉ huy Quân sự Phường 8, quận Phú Nhuận

Tham quan không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Ban Chỉ huy Quân sự Phường 8, quận Phú Nhuận

Theo Bí thư Quận ủy Quận 1 Tô Thị Bích Châu, thực hiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần quan tâm những mô hình có thể nhân rộng lâu dài và thiết thân với người dân: "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh có văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Trong xây dựng không gian đó, người dân mong muốn điều gì, những vấn đề tốt đẹp thế nào, phải tạo sự đồng thuận xã hội cao hơn bằng cách tuyên truyền, vận động, lắng nghe phản ánh của dân. Với tinh thần của Bác Hồ “thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua”, làm sao nhuyễn được suy nghĩ đó trong từng hành động của người dân, biến thành ham muốn được lao động, được cống hiến".

Hiện nay nhiều cơ sở tôn giáo tại TP.HCM cũng thành lập không gian đặc biệt này để tưởng nhớ, học tập và làm theo Bác. Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, khoảng 100 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng dân gian tại thành phố như Phật giáo, Công giáo, Cao đài, Tin lành, Hồi giáo, Hội quán đồng bào Hoa, đình miếu... bước đầu có các thiết chế văn hóa Hồ Chí Minh.

Thượng tọa Thích Huyền Ý, trụ trì Chơn Đức Thiền Viện bày tỏ, việc hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Tổ đường của Thiền viện là điều mong mỏi từ lâu: "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các tự viện nói chung và Chơn Đức Thiền Viện nói riêng thì các Phật tử, bổn đạo đến đây cảm thấy rất hạnh phúc, họ vào lễ Phật, lễ tổ xong và đến đây thắp hương. Họ rất mừng vì các cơ sở tôn giáo được tôn tượng Bác Hồ để họ đến chùa được tưởng nhớ công ơn của Bác Hồ và anh linh các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh. Đó là sự mong muốn và đồng tình của các chư tăng, Phật tử".

Thượng tọa Thích Huyền Ý, trụ trì Chơn Đức Thiền Viện cho biết: "Việc hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Tổ đường là mong muốn của nhiều chư tăng, phật tử"

Thượng tọa Thích Huyền Ý, trụ trì Chơn Đức Thiền Viện cho biết: "Việc hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Tổ đường là mong muốn của nhiều chư tăng, phật tử"

Chung tay nhân rộng công trình, nhiều địa phương vận động các cơ sở, doanh nghiệp trang trí “góc học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh”, trưng bày những quyển sách hay, những hình ảnh, hiện vật gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Ông Phạm Xuân Sơn, Phó Bí thư Chi bộ Hội Doanh nghiệp Phường 7, quận Bình Thạnh chia sẻ: "Góc làm việc của tôi tại Công ty đều có những câu nói mà tôi tâm đắc từ Bác và ảnh của Bác. Tư tưởng, lối sống của Bác đã ảnh hưởng đến cách học tập và làm việc của tôi từ trước đến giờ. Tôi thích nhất ở Bác là phong cách giản dị, khiếm tốn, nhưng sâu trong đó là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng".

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng những việc làm hiệu quả trên nhiều lĩnh vực có điểm chung là xuất phát từ ý thức tự giác học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Điều này giúp bản thân mỗi người trở nên tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng: "Đã có nhiều hình thức, phương thức triển khai đa dạng, phong phú, phát hiện, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình học tập và làm theo Bác. Qua đó kịp thời động viên, khuyến khích sự phấn đấu, nỗ lực của các tập thể, cá nhân, tạo thành phong trào học tập, làm theo một cách cụ thể thiết thực, hiệu quả nhất. Với sự đoàn kết, năng động sáng tạo, TP sẽ mang hết quyết tâm, tinh thần trách nhiệm và tâm huyết để phát huy kết quả đạt được, có những cách làm chủ động, sáng tạo để thực hiện tốt Kết luận 01 và các phong trào thi đua yêu nước".

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tham quan không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tham quan không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố

TP.HCM (Sài Gòn - Gia Định), nơi chứa đựng nhiều dấu ấn của Bác trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước và là nơi Bác luôn hằng mong trở về, như Người từng nói: “miền Nam trong trái tim tôi”. Vì vậy, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh không là chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân thành phố mang tên Bác. Những di sản văn hóa vật thể, cùng những giá trị văn hóa tinh thần phi vật thể mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh luôn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc để lại cho thế hệ mai sau. Đến với không gian văn hóa Hồ Chí Minh, mỗi người tự suy ngẫm lại mình, cùng vươn lên trong lao động, học tập, làm nhiều việc tốt... để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn.

Ngọc Xuân/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/an-tuong-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-post1068523.vov