'Bà mối' tiếp sức cho doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc

Nhân dịp sự kiện 'Gặp gỡ Hàn Quốc 2024' tại Bình Dương (16-17/5), Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ cho rằng hợp tác kinh tế cần xuất phát từ cơ sở, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy người dân làm chủ thể.

Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ. (Ảnh: ĐSQ)

Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ. (Ảnh: ĐSQ)

Những năm gần đây, chương trình Gặp gỡ Hàn Quốc tạo được sức hút đối với doanh nghiệp của hai nước, Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc kết nối doanh nghiệp hai nước thông qua kênh này?

Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã chuyển sang giai đoạn mới, hai nước trở thành Đối tác chiến lược toàn diện từ 2022, trở thành “hình mẫu” trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Hợp tác sâu sắc, nội dung rộng lớn, hình thức đa dạng là những đặc điểm cơ bản của quan hệ Việt-Hàn ngày nay. Thuận theo dòng chảy, hợp tác kinh tế là điểm nhấn, là một trụ cột của mối quan hệ này.

Gặp gỡ Hàn Quốc được triển khai cách đây gần 10 năm, bởi vậy mang theo mình rất nhiều ý nghĩa.

Trước hết, sự kiện này thể hiện quyết tâm của lãnh đạo, người dân và doanh nghiệp cả Việt Nam và Hàn Quốc thúc đẩy quan hệ ngày càng phát triển, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai quốc gia, hai dân tộc.

Đồng thời, đây là dịp để văn hóa giao thoa, doanh nghiệp gặp gỡ và từ đó những tâm tư, nguyện vọng được truyền đạt tới lãnh đạo hai nước. Kết quả của những lần gặp đó là những hợp đồng thương mại, đầu tư, những sự kiện văn hóa xã hội đa dạng và cũng là những chính sách kịp thời, hợp tình hợp lý.

Rõ ràng Gặp gỡ Hàn Quốc đang dần trở thành một ngày hội giữa hai nước, được mong đợi hàng năm và là một nét đẹp trong bức tranh đa dạng, muôn màu của quan hệ Việt-Hàn.

Trong một chia sẻ gần đây, Đại sứ Hàn Quốc Choi Young Sam có nhấn mạnh muốn tập trung thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đất hiếm, chất bán dẫn với doanh nghiệp Việt Nam, Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực này?

Kinh tế thế giới biến động phức tạp, trùng điệp thách thức. Dựa vào nhau, hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển là giải pháp đúng đắn nhất trong hoàn cảnh này. Để thực hiện, cả Việt Nam lẫn Hàn Quốc cần tận dụng các cơ hội, phát huy các thế mạnh của nhau để vững vàng và phát triển trong môi trường cạnh tranh quốc tế.

Khai thác đất hiếm, phát triển bán dẫn là hai lĩnh vực mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia. Việt Nam có quyết tâm, sẵn sàng hợp tác, Hàn Quốc có thế mạnh về năng lực và công nghệ. Đương nhiên khi kết hợp lại sẽ khai thông được tiềm năng, tạo được sức mạnh mới, từ đó tạo đà cho hợp tác trong lĩnh vực này phát triển.

Sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tới Việt Nam tháng 6/2023, hai bên đã thỏa thuận thành lập trung tâm chuỗi cung ứng Việt-Hàn Quốc về đất hiếm và khoáng sản cốt lõi. Và cũng chỉ ít tháng sau, vào tháng 12/2023, hai bên đã trực tiếp trao đổi kinh nghiệm và thu hút nguồn lực phát triển công nghiệp bán dẫn, hydrogen, khí hóa lỏng…

Đại sứ Vũ Hồ (thứ 3, từ trái sang) cắt băng khai trương văn phòng Công ty CMC Korea - “cánh tay nối dài” của Tập đoàn Công nghệ CMC và đơn vị chiến lược CMC Global tại thị trường Hàn Quốc ngày 8/5. (Ảnh: PA)

Đại sứ Vũ Hồ (thứ 3, từ trái sang) cắt băng khai trương văn phòng Công ty CMC Korea - “cánh tay nối dài” của Tập đoàn Công nghệ CMC và đơn vị chiến lược CMC Global tại thị trường Hàn Quốc ngày 8/5. (Ảnh: PA)

Hiện nay có khoảng gần 800 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Bình Dương, một con số ấn tượng tại trung tâm công nghiệp của Việt Nam, trong triển vọng chung về hợp tác kinh tế Việt-Hàn hiện nay, Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác Hàn Quốc-Bình Dương thời gian tới?

Con số 800 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Bình Dương đúng là rất ấn tượng. Con số này còn trở nên ấn tượng hơn nữa nếu chúng ta biết thêm Bình Dương đã thiết lập quan hệ hợp tác gắn kết với thành phố Daejeon từ năm 2005, và quận Gangnam, thành phố Seoul vào đầu năm 2022.

Bình Dương phối hợp rất chặt chẽ, hợp tác nhịp nhàng với các địa phương kết nghĩa trên mọi bình diện đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng, số lượng phải đi đôi với chất lượng. Với những kết quả đã đạt được, tôi hiểu rằng hai bên đang phấn đấu để nâng cao hơn nữa chất lượng của hợp tác. Mục tiêu cần đạt tới sẽ phải là “ở Hàn Quốc có Bình Dương và ở Bình Dương có Hàn Quốc.”

Theo Đại sứ, việc thúc đẩy hợp tác địa phương có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước? Đại sứ có kế hoạch nào trong việc thúc đẩy hợp tác địa phương Việt-Hàn?

Như đã đề cập, kinh tế là nền tảng trong quan hệ quốc tế. Hợp tác kinh tế cần xuất phát từ cơ sở, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy người dân làm chủ thể. Và trong quá trình này, các cơ quan đại diện là “bà mối”, là cầu nối cho các địa phương thắt chặt quan hệ, phát triển hợp tác mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân địa phương mình, từ đó đóng góp cho quan hệ chung giữa hai quốc gia.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đặt mục tiêu cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc coi Đại sứ quán như điểm hẹn của mình. Các địa phương, các doanh nghiệp Việt Nam qua lại Hàn Quốc làm điểm dừng chân, tìm kiếm thêm sức mạnh, chia sẻ các ước muốn, nguyện vọng trên đường hợp tác. Đối với người Hàn Quốc, Đại sứ quán Việt Nam sẽ luôn là đại diện cho quê hương thứ hai của họ, quê hương Việt Nam.

Đây chính là ước mong và cũng là những gì tập thể Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đang theo đuổi hàng ngày, hàng giờ.

Quan hệ của Việt Nam-Hàn Quốc đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử. Hiện nay, Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí số một về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam (lũy kế đạt 86 tỷ USD); bên cạnh đó, giao lưu nhân dân, văn hóa và trao đổi đoàn cấp cao cũng diễn ra rất sôi động.

Có thể nói hai nước đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Hai bên còn nhiều dư địa tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, năng lượng gió, năng lượng sạch. Hai bên đã đặt mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ba-moi-tiep-suc-cho-doanh-nghiep-viet-nam-han-quoc-271549.html