Bán tín chỉ carbon: Nông dân hưởng lợi
Với 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL, ngoài thu về hơn 7.000 tỉ đồng/năm, nông dân còn được hưởng lợi khoảng 100 triệu USD/năm từ bán tín chỉ carbon
Việt Nam được coi là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Với hơn 7,1 triệu ha lúa, đây là cơ hội lớn để Việt Nam mà trực tiếp là nông dân thụ hưởng từ việc bán tín chỉ này.
Thành công bước đầu
Ngày 27-11-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". Đề án được triển khai tại 12 tỉnh, thành thuộc ĐBSCL gồm: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long và chia thành 2 giai đoạn.
Mục tiêu của đề án là đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 180.000 ha. Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha. Ngày 5-1-2024, tại tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì hội nghị triển khai đề án.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đang phối hợp với các địa phương triển khai 5 mô hình điểm về "Canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh" tại các tiểu vùng sinh thái khác nhau thuộc 5 tỉnh, thành gồm: Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ, với ít nhất 250 ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp và phải làm liên tục trong 3 vụ hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2025-2026.
Mô hình điểm vừa được khởi động đầu tiên vào ngày 5-4, tại Hợp tác xã (HTX) Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) với diện tích 50 ha. Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Thuận Tiến, cho biết mô hình đáp ứng các tiêu chí: sử dụng giống xác nhận, áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ (AWD); áp dụng bón phân chuyên vùng chuyên biệt (SSNM), sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân...
"Mô hình này giúp thu gom rơm, rạ khỏi đồng làm nấm rơm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa. Đồng thời, theo như ngành chức năng thì giá bán tín chỉ carbon ở mức 10 USD/tấn. Như vậy, ngoài việc bán lúa có nhãn hiệu "phát thải thấp" được doanh nghiệp bao tiêu, nông dân còn thu thêm lợi nhuận từ việc bán nấm rơm và tín chỉ carbon" - ông Nguyễn Cao Khải bày tỏ lạc quan.
Theo ông Trần Tấn Thành, Trưởng vùng ĐBSCL thuộc Công ty CP Phân bón Bình Điền, từ khi đề án được Bộ NN-PTNT phát động, công ty đã triển khai nhiều mô hình về quy trình canh tác lúa thông minh. Điển hình trong vụ đông xuân 2023-2024, công ty triển khai quy trình ở 6 tỉnh với 8 mô hình, qua tổng kết đạt được nhiều kết quả khả quan.
Tại huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), công ty đã phối hợp với một đơn vị thực hiện quy trình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải. Kết quả thu được cho thấy lượng phát thải đã giảm 25% so với canh tác thông thường. Từ thành công bước đầu, công ty tiếp tục duy trì, nhân rộng trong vụ hè thu 2024 và tập trung hỗ trợ cho những HTX được địa phương lựa chọn thực hiện đề án.
Nguồn thu lớn cho nông dân
Với đề án đang triển khai, Cục Trồng trọt tính toán nông dân trồng lúa không chỉ giảm được chi phí đầu vào, tăng được giá bán đầu ra mà còn thu được tiền từ bán tín chỉ carbon.
Cụ thể, với diện tích lúa khi thực hiện đề án sẽ giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tương đương khoảng 9.500 tỉ đồng/năm. Nếu áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng thêm khoảng 10%, tức thu về hơn 7.000 tỉ đồng/năm. Như vậy, ngành lúa có thêm 16.000 tỉ đồng/năm, tương đương 500 triệu USD.
Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết mua 10 USD/tín chỉ carbon (1 tấn carbon bằng 1 tín chỉ carbon). Trồng 1 triệu ha lúa, nông dân sẽ thu về khoảng 100 triệu USD mỗi năm từ bán tín chỉ carbon. Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB, xác nhận nếu thực hiện đúng cam kết, trung bình 1 ha lúa sẽ giảm được tương đương khoảng 8 tấn CO2 trong một năm. Nếu mở rộng ra toàn ĐBSCL thì giảm khoảng 10 triệu tấn CO2 trong một năm. Con số này là khá lớn và đóng góp quan trọng vào việc mua bán khí carbon. Một tín chỉ carbon tương đương với quyền phát thải 1 tấn CO2. Với mức giá khoảng 10 USD/tín chỉ, ĐBSCL có thể thu cả trăm triệu USD/năm.
Theo Bộ NN-PTNT, để hướng đến tăng trưởng xanh, được chi trả tín chỉ carbon nhờ phát thải thấp, vùng 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao của ĐBSCL sẽ phải thực hiện giảm lượng lúa giống còn 80 kg/ha, giảm lượng phân bón hóa học 30%, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học 40%, giảm lượng nước tưới trên 30%... Đồng thời, tỉ lệ diện tích ứng dụng quy trình sản xuất tốt (GAP) và tương đương được công nhận đạt 100%; tỉ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 50%; giảm phát thải khí nhà kính trên 20%; rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 100% diện tích thu hoạch.
Để đáp ứng các tiêu chí trên là một thách thức lớn, đòi hỏi phải thay đổi một cách căn cơ về cách làm. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho hay Ban Chỉ đạo đề án đang quyết liệt cùng lúc triển khai 3 nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế pháp lý, cơ chế vận hành và đánh giá hiệu quả mô hình để sớm khẳng định được ý nghĩa và hiệu quả của đề án.
"Nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8-2024, chúng ta sẽ có sản phẩm "lúa giảm phát thải" và Cục Trồng trọt sẽ công bố tiêu chuẩn cơ sở ban đầu" - ông Trần Thanh Nam thông tin.
Nghệ An, Đắk Lắk... cùng làm
Hiện nay, ngoài khu vực ĐBSCL, một số địa phương cũng đang bắt tay vào việc phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, hướng đến mục tiêu bán tín chỉ carbon về lúa.
Hiện tỉnh Nghệ An đang triển khai dự án hợp tác phát hành tín chỉ carbon trong sản xuất lúa, triển khai thử nghiệm từ vụ xuân 2024. Dự kiến ở mùa đầu tiên, dự án sẽ thực hiện trên diện tích gần 6.000 ha lúa ở các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu..., thuộc vùng tưới của Thủy lợi Bắc và Thủy lợi Nam, với khoảng 24.000 hộ dân tham gia.
Tại Đắk Lắk, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết mô hình canh tác lúa giảm phát thải tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk triển khai bước đầu có hiệu quả và địa phương này bước đầu có thể thực hiện mua tín chỉ carbon từ diện tích lúa canh tác này.
C.Nguyên - Đ.Ngọc
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT LÊ MINH HOAN:
Mang lại đa giá trị từ cây lúa ở ĐBSCL
Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững, góp phần mang lại đa giá trị từ cây lúa ở ĐBSCL; hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng, canh tác bền vững và hiệu quả.
Đề án là cách tiếp cận và tư duy rất mới, khó thực hiện nhưng kích thích chúng ta không ngừng nỗ lực để tạo ra giá trị mới, thấy được niềm vui, sự mới mẻ khi tham gia vào công việc này.
Ông TRẦN THÁI NGHIÊM, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ:
Nông dân hưởng phần nhiều lợi nhuận
Tín chỉ carbon thì mắt thường không nhìn thấy, phải chứng minh làm sao đó là lúa giảm phát thải. Hiện nay có 2 quan điểm: Một là, dùng dụng cụ đo CO2 nhưng không khéo sẽ tăng thêm chi phí; hai là, nông dân áp dụng đúng quy trình canh tác đưa ra thì công nhận là giảm phát thải. Vì vậy, việc làm mô hình thí điểm là để tìm ra giải pháp.
Bộ NN-PTNT đang tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về tín chỉ carbon. Trong đó, quan điểm của bộ là lợi nhuận từ việc bán tín chỉ thì chia cho người nông dân phần nhiều.
Ông TRẦN MINH HẢI, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn:
Phải thực hiện nghiêm túc cam kết
Ngoài bán lúa, để thu được tiền tín chỉ carbon, người trồng lúa và doanh nghiệp cần hiểu và tham gia vào các quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải, bảo đảm các tiêu chí "1 phải, 5 giảm": Phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Lưu ý là để bán được tín chỉ carbon thì người tham gia dự án phải thực hiện nghiêm túc các cam kết. Nếu nông dân và doanh nghiệp không thực hiện đúng quy trình, đúng cam kết thì tín chỉ carbon thu được không nhiều, từ đó dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao.
V.Duẩn - C.Linh ghi
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-tin-chi-carbon-nong-dan-huong-loi-196240515220234613.htm