Bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian dân tộc La Ha

Đồng bào dân tộc La Ha có nhiều nét văn hóa dân gian đặc sắc, đa dạng từ các điệu múa, dân ca, các nghi lễ mang bản sắc riêng biệt. Thời gian qua, huyện Mường La đã quan tâm khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người La Ha, tránh bị mai một.

Những nét văn hóa độc đáo

Tại Mường La, cộng đồng người La Ha đang sinh sống tại 18 bản thuộc 10 xã trên địa bàn huyện, với gần 5.000 người. Bản của người La Ha có quy mô nhỏ, thường ở vùng thấp, chủ yếu dọc sông Đà và một số con suối lớn, xen kẽ với một số dân tộc khác.

Bà Cà Thị Thủy, cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mường La, cho biết: Dân tộc La Ha ở Mường La sống cộng cư với dân tộc Thái nhiều năm, nên văn hóa có sự giao thoa. Trang phục của người La Ha nơi đây có nét tương đồng với trang phục dân tộc Thái, phụ nữ mặc áo cóm, cúc bạc, váy đen, có cạp và thắt lưng màu xanh lá cây, đầu đội khăn piêu có thêu hoa văn và búi tóc ngược lên đỉnh đầu khi đã lập gia đình; trang sức là dây xà tích, hoa tai bạc, vòng. Phân biệt phụ nữ dân tộc Thái với dân tộc La Ha qua cách đội khăn piêu.

Nhà sàn của đồng bào La Ha.

Nhà sàn của đồng bào La Ha.

Đồng bào La Ha cũng ở nhà sàn, từ bao đời nay, vốn canh tác nương rẫy là sản xuất chính, trồng lúa nếp, sắn, ngô và bông, đánh bắt cá. Đồng bào La Ha theo tín ngưỡng thờ đa thần giáo, có những kiêng kỵ và thờ cúng nhiều loại ma với những tên khác nhau. Trong gia đình người La Ha có thờ ma và thờ cúng tổ tiên.

Lễ hội Pang A của dân tộc La Ha, xã Pi Toong.

Lễ hội Pang A của dân tộc La Ha, xã Pi Toong.

Một điểm độc đáo khác là các đạo cụ, nhạc cụ của người La Ha thường được làm từ các loại cây gần gũi, gắn bó với đời sống hằng ngày, như tre, nứa; đơn giản, dễ làm khi nhảy, múa tạo ra âm thanh vui nhộn. Nhạc cụ, đạo cụ được sử dụng trong các điệu múa của người La Ha, như: “tăng bu”, “hưn mạy”, "sừng lừng" gắn với những quan niệm, tín ngưỡng đặc trưng riêng. Đồng bào La Ha có lễ hội Pang A, thường được tổ chức vào cuối tháng 3, hoặc đầu tháng 4 dương lịch hằng năm, là dịp nhân dân trong bản cầu cho mùa màng tươi tốt, con người có sức khỏe, cầu may mắn và bày tỏ lòng cảm tạ thần linh, cùng các thầy lang có công bảo vệ sức khỏe cho dân bản.

Ẩm thực của dân tộc La Ha cũng rất đặc sắc, các món ăn được làm từ những nguyên liệu là ngô và gạo nếp, các loại rau, củ, hoa rừng… Đặc biệt, người La Ha có rượu là đồ uống được đồng bào ưa chuộng, nhất là trong các dịp tiếp khách, lễ hội, cưới xin, ma chay. Gia đình nào cũng ủ sẵn vài chum rượu cần trong nhà để mời khách, dùng trong dịp lễ, tết.

Rượu cần là thức uống truyền thống đặc trưng của người La Ha.

Rượu cần là thức uống truyền thống đặc trưng của người La Ha.

Bảo tồn văn hóa dân tộc La Ha

Thực hiện các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy di sản văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn, huyện Mường La đã quan tâm triển khai nhiều chương trình, chính sách đặc thù bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, trong đó, có dân tộc La Ha.

Bà Mùa Thị Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, cho biết: Huyện đã triển khai, xây dựng nhiều giải pháp phù hợp với từng địa phương, khôi phục, duy trì và phát huy các nét đẹp văn hóa của các lễ hội truyền thống đồng bào dân tộc La Ha, như lễ hội Pang A… Đồng thời, triển khai chính sách ưu đãi đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc, khảo tả, phục dựng lễ hội; động viên, khuyến khích bà con bảo tồn, duy trì tiếng nói và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp trong văn hóa qua việc tổ chức học tiếng bằng cách truyền khẩu, giao tiếp hằng ngày…

Trang phục truyền thống của phụ nữ La Ha.

Trang phục truyền thống của phụ nữ La Ha.

Nhận thức được những giá trị của văn hóa truyền thống, hầu hết đồng bào dân tộc La Ha ở xã Pi Toong, huyện Mường La, đều có ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, như trang phục truyền thống, duy trì lễ hội, điệu múa, các món ẩm thực…

Ông Lường Văn Vui, Phó Chủ tịch UBND xã, nói: Trong xã, 2 bản có dân tộc La Ha, là bản Pi Tạy với 42 hộ, 221 nhân khẩu; bản Chà Lào có 76 hộ, 359 nhân khẩu. Xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, các trưởng bản, người có uy tín tuyên truyền, vận động, khuyến khích các gia đình người La Ha phát huy truyền thống, bảo tồn văn hóa dân tộc mình, đặc biệt lưu truyền cho thế hệ trẻ. Trong tháng 4 vừa qua, xã đã phục dựng tổ chức thành công lễ hội Pang A, thu hút đông đảo nhân dân trên địa bàn và các vùng lân cận đến chung vui.

Phụ nữ La Ha làm cơm lam.

Phụ nữ La Ha làm cơm lam.

Bản Kẻ xã Ngọc Chiến có 74 hộ với 340 nhân khẩu, trong đó, dân tộc La Ha có hơn 200 nhân khẩu, chiếm 63,23%. Phát huy nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người La Ha, nhân dân trong bản đã đoàn kết thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa để lưu giữ nét văn hóa của dân tộc gắn với phát triển du lịch, góp phần quảng bá văn hóa dân tộc La Ha đến du khách.

Ông Lò Văn Luốn, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Kẻ, nói: Văn hóa rượu cần của người La Ha rất độc đáo, chính vì vậy “Khu chum đá lẩu xá” của bản được tạo nên lấy cảm hứng từ chum rượu cần, đây là điểm nhấn, nhận diện của bản Kẻ, nơi có cộng đồng người La Ha sinh sống. Ngoài khu chum đá lẩu xá, trước cổng mỗi gia đình cũng đều đặt chum đá, tạo nên nét độc đáo riêng biệt, thu hút rất nhiều người đến tham quan. Ngoài ra, bản còn duy trì nghi lễ Pang A trong mỗi gia đình người La Ha được thực hiện mỗi khi xuân về; truyền khẩu tiếng dân tộc mình cho các thế hệ con cháu…

Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc La Ha đang được các cấp, các ngành và địa phương nơi có đồng bào dân tộc La Ha sinh sống, quan tâm thực hiện. Trong thời gian tới, huyện Mường La tiếp tục triển khai việc bảo tồn nét văn hóa dân gian của dân tộc La Ha, phục hồi những bản sắc đang dần bị mai một, góp phần làm phong phú kho tàng bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La.

Lam Giang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/bao-ton-va-phat-huy-van-hoa-dan-gian-dan-toc-la-ha-pvav31YIR.html