BĐBP Cà Mau chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Ngày 26/2/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh. Để cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả Chỉ thị trên, Đảng ủy BĐBP Cà Mau đã có Nghị quyết lãnh đạo, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh có kế hoạch triển khai thực hiện về phòng, chống khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên khu vực biên giới biển tỉnh Cà Mau.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sông Đốc phát tờ rơi tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm các quy định trong hoạt động đánh bắt thủy sản. Ảnh: Lê Khoa

Đại tá Phạm Minh Giang, Chính ủy BĐBP Cà Mau cho biết: Xác định nhiệm vụ ngăn chặn khai thác thủy sản có tính hủy diệt là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng này, nhằm bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản ngày càng đa dạng, phong phú, bền vững, đơn vị đã chỉ đạo các đồn, Hải đội Biên phòng (BĐBP Cà Mau) đã đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi mọi người dân không tham gia, không mua bán, không sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động ngư dân không sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản, thời gian qua, BĐBP Cà Mau cũng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Từ tháng 2/2024 đến cuối tháng 4/2024, các đơn vị đã tuyên truyền được 86 buổi/176 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, có 680 lượt người nghe; cấp phát 300 tờ rơi về các quy định phòng chống khai thác thủy sản mang tính hủy diệt. Cùng với đó là tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của các xã, thị trấn khu vực biên giới biển và mô hình “Tiếng loa Biên phòng"... Đến nay, đã vận động người dân tự nguyện giao nộp 67 bộ kích điện; tịch thu 26 bộ do ngư dân dùng khai thác thủy sản và xử phạt hành chính với số tiền trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, các đơn vị đã vận động 86 hộ dân cam kết không đánh bắt, khai thác thủy sản mang tính hủy diệt. Trong đó, Đồn Biên phòng Khánh Hội là đơn vị thực hiện khá hiệu quả về công tác vận động ngư dân giao nộp các bộ xung điện.

Thiếu tá Đỗ Văn Lanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Đốc cho biết: Việc sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản ảnh hưởng rất lớn đến các loài thủy sản, thủy sinh trong vùng nước tự nhiên; gây mất an ninh trật tự trên biển. Ngoài ra, việc sử dụng xung điện, dòng điện, chất độc, chất nổ còn trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng, thậm chí dẫn đến chết người. Vì vậy, từ đầu năm 2024 đơn vị đã bắt giữ và xử phạt vi phạm hành chính 6 vụ/6 phương tiện xử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản. Đơn vị tịch thu tang vật và xử phạt số tiền gần 30 triệu đồng.

Trước đó, vào chiều 2/4, Đồn Biên phòng Sông Đốc phối hợp với Đội Đặc nhiệm, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phát hiện tại cơ sở sửa chữa điện tử của ông Trần Xuân Đ (ngụ tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đang tàng trữ 2 bộ xung điện tự chế. Kiểm tra tại đây, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện thêm 5 bộ xung điện tự chế để trong nhà, tổng cộng phát hiện tại nhà ông Đ đang tàng trữ 7 bộ kích điện tự chế. Qua làm việc với cán bộ Đồn Biên phòng Sông Đốc, ông Đ thừa nhận hành vi đã tàng trữ trái phép các bộ dụng cụ kích điện tự chế. Đơn vị đã xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngư dân xã Khánh Hội, huyện U Minh tự nguyện giao nộp xung điện cho Đồn Biên phòng Khánh Hội. Ảnh: Tô Quý

Trung tá Ðinh Văn Khén, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Khánh Hội chia sẻ: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nội dung bài tuyên truyền về tác hại và hệ lụy do sử dụng xung điện và các chất cấm trong khai thác thủy sản để phát trên “Tiếng loa Biên phòng” và hệ thống truyền thanh của xã. Đồng thời, kêu gọi mọi người dân không tham gia, không mua bán, không sử dụng xung điện để đánh bắt, tự nguyện giao nộp bộ xung điện. Kết quả, đơn vị đã vận động ngư dân tự nguyện giao nộp 31 bộ xung điện. Sau khi giao nộp, các hộ dân đều viết cam kết không tái phạm, không bao che cho người khác vi phạm và được biểu dương trong các buổi họp dân do đồn Biên phòng phối hợp với địa phương tổ chức hàng tháng.

Để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng dùng các công cụ, phương thức đánh bắt trái quy định của pháp luật trên khu vực biên giới biển tỉnh Cà Mau, cũng theo Đại tá Phạm Minh Giang, trong thời gian tới BÐBP Cà Mau tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo khác có liên quan.

Đồng thời, chỉ đạo các đồn, Hải đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ phương tiện trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản, khai thác thủy sản trong khu vực cấm. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân, ngư dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ tài nguyên môi trường biển; tuyệt đối không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác thủy sản.

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bdbp-ca-mau-chung-tay-bao-ve-nguon-loi-thuy-san-post475291.html