Cách tiếp cận mới trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt

Nhấn mạnh cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội là cách tiếp cận hoàn toàn mới, mang tính đột phá, nhiều chuyên gia cho rằng, việc hình thành cơ chế này cần có bước đi thận trọng, bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị của nước ta trong từng thời kỳ.

Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội Hoàng Nam Hải phát biểu tại Hội thảo

Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội Hoàng Nam Hải phát biểu tại Hội thảo

Đây là nội dung được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo "Một số vấn đề lý luận về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội" do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát còn thấp

Để tăng cường hiệu quả công tác thu hồi tài sản, đặc biệt là tài sản liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản đề cập vấn đề này. Văn kiện Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh “xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng”. Chỉ thị số 50 - CT/TW ngày 7.12.2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng cũng nêu: “Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”.

Nêu thực tiễn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp Lê Thị Vân Anh cho biết, thu hồi tài sản dựa trên kết án hình sự là biện pháp cơ bản nhất, phổ biến nhất mà các quốc gia đã và đang áp dụng để thu hồi tài sản liên quan đến tội phạm, nhưng hiệu quả thu hồi tài sản qua phương thức này chưa thực sự như kỳ vọng. Tỷ lệ thu hồi tài sản còn thấp so với số tài sản thuộc diện phải thu hồi.

Chỉ rõ nguyên nhân của thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, chủ yếu do số tiền, tài sản bị thất thoát lớn, nhưng tài sản để bảo đảm thi hành án lại nhỏ, trong khi đó pháp luật chưa có các biện pháp, quy định cụ thể để truy nguyên, truy tìm tài sản của người phải thi hành án bị che giấu nguồn gốc. Quy định của pháp luật về các biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vẫn còn nhiều hạn chế, bật cập. Trong một số vụ án, vụ việc vẫn còn để xảy ra tình trạng có đối tượng bỏ trốn hoặc chuyển dịch, tẩu tán tài sản.

Vì vậy, theo bà Lê Thị Vân Anh, nếu tiếp tục lệ thuộc vào bản án kết tội để thu hồi tài sản sẽ đồng nghĩa với việc tài sản do phạm tội mà có, đặc biệt là tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng sẽ tiếp tục bị thất thoát, chiếm đoạt và bị tẩu tán, tẩy rửa, ngụy trang bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau và công tác thu hồi tài sản theo thời gian sẽ ngày càng khó khăn.

Do đó, thu hồi tài sản không qua kết tộilà giải pháp mới có tính hiệu quả cao, thông qua một vụ kiện dân sự tại tòa án để thu hồi tài sản được cho là do phạm tội mà có hoặc kiện đòi bồi thường thiệt hại, đền bù.

Nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra, phòng ngừa các hành vi sai trái

Theo Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội Hoàng Nam Hải, thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội là quy trình đặc biệt của cơ quan nhà nước, không xét xử bị cáo hay hành vi phạm tội mà tập trung vào xử lý tài sản được cho là có nguồn gốc hoặc có liên quan đến tội phạm, với mục đích thu hồi về cho ngân sách nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của tài sản. Đây là cách tiếp cận mới trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án về kinh tế, tham nhũng, nảy sinh từ yêu cầu thực tiễn khi những biện pháp thu hồi tài sản theo cách thức truyền thống không giải quyết được những bất cập đang phát sinh trong thực tiễn.

Phân tích ưu điểm của cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội, ông Hoàng Nam Hải nêu rõ, cơ quan nhà nước sẽ thuận tiện hơn trong việc chứng minh nguồn gốc tài sản bất hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn trong phát hiện và xử lý tham nhũng. Đồng thời, thu hồi triệt để hơn tài sản của nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế và tăng cường hiệu quả của việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, lớn hơn nữa là tạo niềm tin của người dân vào hoạt động công vụ, công chức và bộ máy chính quyền; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, phòng ngừa các hành vi sai trái của người có chức vụ, quyền hạn, giảm thiểu nguy cơ làm giàu bất chính.

Cùng quan điểm, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật kinh tế - xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp Đặng Minh Đạo cho rằng, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội không chỉ giúp phòng, chống tham nhũng mà còn chống tư lợi cho những người tham nhũng. Bởi, cơ quan có thẩm quyền có thể thu hồi tài sản ngay cả khi không thể kết án người đã thực hiện hành vi tham nhũng, hay ngay cả khi không tìm được người thực hiện hành vi phạm tội nhưng tìm được tài sản. Thậm chí khi tài sản đang do một bên thứ ba nắm giữ mà bên thứ ba này không bị kết án, bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan chức năng nhận thức được rằng tài sản do phạm tội mà có hoặc tài sản được sử dụng làm công cụ phạm tội.

Tuy nhiên, do đây là cách tiếp cận hoàn toàn mới, mang tính đột phá trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án về kinh tế, tham nhũng, các chuyên gia nhấn mạnh, việc hình thành cơ chế này cần có bước đi thận trọng, bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị của nước ta trong từng thời kỳ. Cần xác định lộ trình cụ thể trong việc hình thành cơ chế này cũng như việc sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành sao cho đồng bộ, phù hợp. Trước khi thực hiện phải đánh giá đầy đủ, toàn diện về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, con người, nguồn lực để chuẩn bị các phương án, điều kiện cần thiết. Và quan trọng hơn hết là có sự đồng bộ của các cơ chế, thiết chế khác như pháp luật về đăng ký tài sản, giao dịch; kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập; hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt; phòng, chống rửa tiền cũng như nhận thức của cán bộ thực thi pháp luật, người dân.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/cach-tiep-can-moi-trong-thu-hoi-tai-san-bi-that-thoat-chiem-doat-i338354/